Thị trường bất động sản bán lẻ Việt Nam có nhiều yếu tố hấp dẫn nhà đầu tư ngoại
Trong suốt hàng thập kỷ nay, bán lẻ là một trong những ngành kinh tế năng động nhất của Việt Nam, luôn duy trì tốc độ tăng trưởng liên tục và ấn tượng. Đồng thời, đây cũng là một trong những ngành có tốc độ hồi phục rõ nét nhất dù chịu ảnh hưởng mạnh bởi đại dịch.
Ngay từ đầu năm 2022, sau khoảng thời gian dài giãn cách bởi dịch Covid-19, ngành bán lẻ Việt Nam đã nhanh chóng hồi phục với hoạt động đón đầu cơ hội, lựa chọn mặt bằng tốt đến chiến lược dài lâu tại thị trường Việt Nam của các ông lớn bán lẻ trên thế giới khi mức giá cho thuê mới bắt đầu ghi nhận tăng nhẹ.
Tính cả năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 5.679,9 nghìn tỷ đồng, tăng 19,8% so với năm trước, đồng thời tăng 15% so với năm 2019 - thời điểm trước khi xảy ra dịch Covid-19.
Trong năm 2023 vừa qua, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo mức giá hiện hành ước đạt 6.231,8 nghìn tỷ đồng, tương đương tăng 9,6% so với năm trước. Sang quý I/2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 1.537,6 nghìn tỷ đồng, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước.
Theo dữ liệu của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), thị trường bất động sản bán lẻ Việt Nam đang phát triển không ngừng cả về quy mô lẫn chất lượng. Tỷ lệ lấp đầy mặt bằng bán lẻ tại các trung tâm thương mại ở những thành phố lớn thậm chí vượt mức trên 90%. Nhu cầu hiện diện và mở rộng của các thương hiệu quốc tế trong bối cảnh mặt bằng thương mại chất lượng cao có phần hạn chế đã tiếp tục thúc đẩy giá thuê mặt bằng tăng cao.
Được biết, giá thuê mặt bằng tầng trệt tại thị trường Hà Nội trong năm 2023 ghi nhận mức tăng khoảng 10% so với quý trước với mức công suất thuê ở mức ổn định. Diễn biến tại thị trường TP.HCM cũng ở tương tự với các khách thuê lớn đang dẫn dắt nhu cầu thị trường.
Yếu tố nào giúp mặt bằng bán lẻ Việt Nam hấp dẫn?
Có thể thấy, Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á, thị trường bất động sản bán lẻ Việt Nam đang mở ra hàng loạt cơ hội mới cho các nhà đầu tư cũng như các doanh nghiệp trong ngành, đặc biệt là các chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi và các thương hiệu thời trang, từ phân khúc giá rẻ đến phân khúc xa xỉ - vốn còn hiện diện rất ít so với các nước khác trong khu vực.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS nhận định, thị trường bất động sản bán lẻ sẽ ngày càng sôi động hơn với nguồn cung mới và kế hoạch phát triển của các đơn vị bán lẻ quốc tế.
Cụ thể, Central Retail (Thái Lan) cho biết sẽ nhân rộng điểm bán hàng từ mức 40 tỉnh, thành phố hiện nay lên 55 tỉnh, thành trên cả nước. Hay như Tập đoàn Aeon (Nhật Bản) cũng đang lên kế hoạch từ nay đến năm 2025 sẽ triển khai thêm 16 dự án tại Việt Nam, trong đó có 3-4 dự án ở Hà Nội. Đồng thời, ra mắt thêm các mô hình bán lẻ mới để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, tạo đà phát triển trong tương lai.
Được biết, hệ thống FujiMart Việt Nam - Chuỗi siêu thị liên doanh giữa Tập đoàn BRG (Việt Nam) và Sumitomo Corporation (Nhật Bản) cũng đặt mục tiêu phấn đấu sẽ đạt tổng cộng 50 siêu thị vào năm 2028. Những năm trở lại đây, cuộc đổ bộ của các thương hiệu thời trang từ phân khúc cao cấp đến bình dân như Uniqlo, Muji, Dior, Cartier cũng rầm rộ hơn bao giờ hết.
Đưa ra nhận định về thị trường bất động sản Thương mại bán lẻ của Việt Nam, ông Đính cho rằng, thị trường này vẫn còn rất hấp dẫn nhờ nhiều dư địa cũng như tiềm năng phát triển.
Thứ nhất là sự tăng trưởng nhanh chóng của dân số đô thị và thu nhập đã và đang tạo ra nhu cầu lớn về bất động sản, nhất là trong lĩnh vực bán lẻ, khi mà người dân đang tìm kiếm những không gian sống và mua sắm tiện nghi.
Có thể thấy, sự tăng trưởng của các thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM không chỉ mang đến cơ hội cho các nhà phát triển bất động sản mà còn trở thành một thị trường tiềm năng cho các nhãn hàng bán lẻ mở rộng hoạt động kinh doanh và phát triển các dự án bất động sản mới.
Thứ hai, Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển nhanh chóng của các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và các khu vực vệ tinh khi các chính sách đầu tư cải thiện hạ tầng giao thông, bao gồm các dự án xây dựng đường cao tốc và đường sắt đô thị đang tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển cũng như kết nối giữa các khu vực đô thị. Sự phát triển này đã mở ra cơ hội cho các dự án bất động sản và giúp các doanh nghiệp bán lẻ mở rộng mạng lưới cửa hàng và kinh doanh.
Thứ ba, thị trường bất động sản đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, với mục tiêu trở thành nền kinh tế mũi nhọn, sự phát triển của ngành du lịch đã tạo cơ hội mới cho thị trường này. Các khu vực du lịch phát triển như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc... đang ngày càng thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư và doanh nghiệp bán lẻ với tiềm năng dài hạn.
Cuối cùng, người tiêu dùng Việt Nam đang ngày càng thông minh và có nhu cầu cao hơn về trải nghiệm mua sắm. Không chỉ tìm kiếm các sản phẩm chất lượng, họ còn đòi hỏi sự đa dạng và tiện lợi trong việc mua hàng. Điều này tạo cơ hội cho các nhãn hàng bán lẻ phát triển các mô hình kinh doanh mới, bao gồm cả các trung tâm mua sắm tích hợp nhiều dịch vụ, khu vực mua sắm dành riêng cho giải trí và ẩm thực, các cửa hàng trải nghiệm sản phẩm...
Có thể nói, thị trường bất động sản bán lẻ Việt Nam không chỉ là cơ hội kinh doanh mà còn là một phần quan trọng của sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Theo đó, việc hiểu rõ các xu hướng và cơ hội sẽ giúp các doanh nghiệp tận dụng được tiềm năng và thành công trong tương lai./.
- Giải mã đà tăng bứt phá của loạt cổ phiếu công nghệ và bán lẻ
- Điểm danh những xu hướng mới nổi trong công nghệ bán lẻ tại Đông Nam Á
- Doanh nghiệp bán lẻ công nghệ sa thải hàng nghìn nhân sự, doanh số tăng mạnh quý I/2024