ISSN-2815-5823

Thị trường Fintech Việt Nam: Mất cân đối trong cơ cấu ngành

(KDPT) - Việt Nam được đánh giá là một trong những điểm sáng trên bản đồ Fintech Đông Nam Á, khi có sự gia tăng mạnh mẽ về cả chất lượng và số lượng. Tuy nhiên có một thực trạng đang diễn ra là cơ cấu ngành Fintech tại Việt Nam vẫn thiếu đồng đều.

Theo báo cáo thị trường Fintech Việt Nam của Nextrans, cuối năm 2022 trên thị trường Việt nam có hơn 260 công ty hoạt động trong lĩnh vực Fintech. Trong đó, chiếm đa số là những doanh nghiệp hoạt động trong mảng dịch vụ thanh toán với khoảng 81 công ty (chiếm tỷ lệ khoảng 31,1% tổng số lượng công ty Fintech tại Việt Nam). Trong khi đó, những công ty hoạt động tại mỗi một mảng Fintech khác đều không vượt quá 18% tổng số lượng công ty của toàn ngành. 

Danh mục thanh toán kỹ thuật số đang chiếm ưu thế trên thị trường Fintech Việt Nam

Trong bảng xếp hạng các công ty Fintech hàng đầu của Fintech News năm 2021, VNLIFE (công ty mẹ của công ty fintech VNPAY) và M_Service (nhà điều hành của MoMo) là hai công ty thanh toán Fintech lần lượt dẫn đầu hệ sinh thái Việt Nam. Bên cạnh MoMo, VNPay và hàng loạt những loại ví điện tử khác như ZaloPay, Shopee Pay và Viettel Pay cũng đang trở thành những cái tên chiếm lĩnh thị trường Fintech trong nước.

Trong giai đoạn 2019-2021, 85% tổng vốn đầu tư vào Fintech của Việt Nam chủ yếu đổ vào các công ty hoạt động trong danh mục thanh toán.
Trong giai đoạn 2019-2021, 85% tổng vốn đầu tư vào Fintech của Việt Nam chủ yếu đổ vào các công ty hoạt động trong danh mục thanh toán.

Theo Báo cáo Đầu tư Công nghệ và Đổi mới Việt Nam 2021 của Do Ventures và Trung tâm Đổi mới Quốc gia Việt Nam (NIC) đánh giá, đã ghi nhận trong giai đoạn 2019-2021, 85% tổng vốn đầu tư vào Fintech của Việt Nam chủ yếu đổ vào các công ty hoạt động trong danh mục thanh toán.

Mặc dù thu hút nguồn vốn đầu tư dồi dào từ các nhà đầu tư quốc tế cũng như ghi nhận tình hình kinh doanh tăng trưởng ấn tượng. Nhưng những công ty thanh toán có cả những “ông lớn” như MoMo, Zalopay hay Shopee Pay đều báo cáo doanh thu thua lỗ, lợi nhuận mỏng và phải tiêu tốn tiền vào những khoản khuyến mại nhằm giữ chân khách hàng.

Theo báo cáo của Vietdata trong hai năm 2020 và 2021, MoMo ghi nhận lợi nhuận sau thuế âm khoảng 880 tỷ đồng. Đến năm 2022 con số này tăng 30% khi lợi nhuận sau thuế lại âm gần 1.150 tỷ đồng. Năm 2020, ZaloPay cũng rơi vào tình trạng tương tự khi ghi nhận lợi nhuận âm gần 680 tỷ đồng, đến năm 2021 mức mức lỗ tiếp tục tăng 82,5% và đến năm 2022 tăng thêm 6,5% lên hơn 1.300 tỷ đồng. Năm 2020, Shopee Pay cũng lỗ hơn 100 tỷ đồng, năm 2021 lỗ 380 tỷ đồng và năm 2022 lỗ hơn 200 tỷ đồng.

Hệ sinh thái Fintech Việt Nam có gì khác so với thị trường trong khu vực

Singapore là thị trường Fintech dẫn đầu khu vực Đông Nam Á, với định mức giá dự đoán đạt gần 40 tỷ USD trong năm 2024. Hệ sinh thái công nghệ tài chính của quốc gia này được đánh giá là tương đối khác so với thị trường Việt Nam.

Thực tế ghi nhận, tại thị trường Singapore, danh mục Blockchain và tiền điện tử là hai lĩnh vực phổ biến nhất, chiếm khoảng 20% tổng số công ty hoạt động trong lĩnh vực Fintech tại quốc gia này, xếp sau đó lần lượt là thanh toán chiếm 17%, ứng dụng đầu tư và ứng dụng quản lý đều chiếm 13% (số liệu từ FintechNews Singapore năm 2022).

Nhìn vào đây dễ dàng nhận thấy cơ cấu ngành tại quốc đảo sư tử không có nhiều sự chênh lệch giữa các danh mục, họ tạo ra một sự đồng đều để hỗ trợ phát triển. Còn tại thị trường Việt Nam, trụ cột và cũng là lĩnh vực chiếm thị phần lớn Fintech lớn nhất là danh mục thanh toán kỹ thuật số, bên cạnh đó có cho vay ngang hàng và blockchain/tiền điện tử cũng có phần nổi bật hơn trong vài năm trở lại đây.

Trong khi những sản phẩm thanh toán đang là chủ lực được chú trọng phát triển của thị trường Fintech Việt Nam thì tại Indonesia đây lại là một bức tranh khác. Theo khảo sát của Tập đoàn Tư vấn Boston (từ năm 2011-2021), Indonesia là cộng đồng khởi nghiệp Fintech lớn thứ hai tại Đông Nam Á đã đi qua giai đoạn tăng trưởng đầu tiên là thanh toán. Hiện nay, hệ sinh thái Fintech của Indonesia đang dần chuyển dịch sang những dịch vụ và sản phẩm khác nằm ngoài danh mục thanh toán.

Tính đến cuối năm 2021, Indonesia là thị trường của 785 công ty Fintech thu hút khoảng 26% tổng số vốn tài trợ Fintech trên toàn khu vực Đông Nam Á và chỉ đứng sau duy nhất Singapore (44%).

Tại Việt Nam hệ sinh thái công nghệ Fintech đang có sự phát triển không đồng đều giữa các lĩnh vực khác nhau gây mất cân đối toàn ngành.
Tại Việt Nam hệ sinh thái công nghệ Fintech đang có sự phát triển không đồng đều giữa các lĩnh vực khác nhau gây mất cân đối toàn ngành.

Có thể thấy, tại thị trường Việt Nam ngoài thanh toán kỹ thuật số, các danh mục như cho vay ngang hàng hay quản lý tài sản số vẫn chưa thể phát triển mạnh trong hệ sinh thái Fintech và vẫn đang gặp rất nhiều vấn đề phức tạp cần phải tháo gỡ.

Ngoài cơ sở hạ tầng công nghệ chưa đủ để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trên thị trường, thì một nguyên nhân khác khiến cho những danh mục này kém phát triển và được biết đến hơn là do những quy định trong khung pháp lý của Việt Nam vẫn chưa thật sự toàn diện, thiếu cởi mở.

Ví dụ đến thời điểm hiện tại, Việt Nam vẫn chưa công nhận tiền kỹ thuật số, vẫn chưa đưa ra hành lang pháp lý rõ ràng về công nghệ Blockchain hay cho vay ngang hàng (P2P). Đây được đánh giá là nguyên nhân lớn nhất khiến cho việc gia nhập vào hệ sinh thái Fintech gặp nhiều khó khăn.

Một số công ty khởi nghiệp của Việt Nam phải kể đến như Blockchain, Sky Mavis sau quá trình đánh giá kỹ lưỡng cũng đã lựa chọn thị trường nước ngoài như Singapore (quốc gia đã thiết lập hành lang pháp lý đầy đủ một cách cởi mở, cơ sở hạ tầng phát triển và nhân lực chất lượng cao) để phát triển và thử nghiệm những công nghệ mới cho doanh nghiệp.

Nếu như thị trường Fintech Việt Nam muốn phát triển và hội nhập đa ngành nghề, lĩnh vực sẽ cần đến sự phối hợp nỗ lực của các cơ quan quản lý, doanh nghiệp để tìm ra được giải pháp và tiếng nói chung./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 27/12/2024