ISSN-2815-5823
Chủ nhật, 12h31 16/09/2018

Thị trường taxi – xe ôm công nghệ tiếp tục cạnh tranh khốc liệt

(KDPT) – Không chỉ doanh nghiệp trong nước, thị trường hơn 90 triệu dân và tỷ lệ người dùng smart-phone ngày càng cao là miếng bánh béo bở cho các ông lớn taxi công nghệ của nước ngoài như Didi Chuxin (Trung Quốc), Go-Jek (Indonesia)… Và như một cách để PR thương hiệu, ngay khi ra mắt thị trường, các hãng này sẽ dùng chính sách cạnh tranh về giá để thu hút khách hàng.

Ảnh minh họa.

Ứng dụng gọi xe ô tô FastGo chính thức ra mắt tại Hà Nội hồi đầu tháng 6, đặt mục tiêu cạnh tranh trực diện với Grab với 20.000 tài xế trong 2 năm tới, mở rộng ra 8 thành phố tại Việt Nam. Ứng dụng này được phát triển bởi tập đoàn NextTech, một doanh nghiệp thuần Việt.

Trước FastGo, đã có nhiều ứng dụng gọi xe công nghệ của Việt Nam ra mắt thị trường nhằm cạnh tranh với Grab và thế chân Uber khi hãng này rời khỏi Việt Nam như T.net, VATO, ABER…

Tập đoàn Mai Linh cho biết đơn vị cũng nhanh chóng tung ra thị trường ứng dụng gọi xe Mai Linh Bike và cam kết chỉ thu 15% chiết khấu doanh thu chuyến đi của tài xế, thấp hơn 5% so với GrabBike. Mức giá cước được Mai Linh Bike áp dụng là 11.000 đồng/2km đầu và 3.700 đồng/km tiếp theo, đồng thời cam kết không tăng giá vào giờ cao điểm.

Grab – “ông lớn” trong lĩnh vực gọi xe công nghệ chưa coi các hãng trên là đối thủ đáng gờm nhưng sự có mặt của Go-Jek – dịch vụ gọi xe có vốn hóa 2 tỷ USD của Indonesia từ 1/8 sẽ đe dọa vị trí của họ. Go-Jek đã mở rộng sang thị trường Việt Nam với tên gọi Go-Viet, phủ sóng tại 12 quận đầu tiên của TP.HCM với dịch vụ gọi xe ôm theo yêu cầu, trực tiếp cạnh tranh với Grab. Hiện tại các dịch vụ khác của Grab bao gồm gọi xe máy, taxi, xe riêng và giao đồ ăn đang được triển khai tại 5 thành phố của Việt Nam. Để thu hút khách, Go-Viet đang khuyến mãi khá mạnh, trong đó phải kể đến đồng giá 5.000 đồng cho mọi chuyến đi xa hay gần, một mức giá không loại xe nào thấp bằng.

Như vậy, đã có gần chục hãng gọi xe công nghệ tại Việt Nam đang cạnh tranh với Grab. Do đó, khách hàng sẽ có nhiều sự lựa chọn cả về giá cước, chất lượng phục vụ của tài xế mà không còn phụ thuộc vào tình trạng độc quyền của bất cứ một hãng xe nào.

Không chỉ người tiêu dùng Việt có nhiều sự lựa chọn với xe công nghệ như bây giờ mà tài xế cũng có nhiều sự lựa chọn cho công việc khi ngày càng nhiều hãng ra đời. Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, cho rằng thị trường xe công nghệ tiếp tục hấp dẫn cho cả khách hàng và tài xế nhưng sẽ cạnh tranh rất khốc liệt. Trong khi các hãng “thuần Việt” phải lựa chọn thị trường ngách và “biết mình biết ta” thì các hãng ngoại lại sử dụng lợi thế vốn, kinh nghiệm cùng công nghệ để chiếm thị phần.

Tuy nhiên điều mà người tiêu dùng quan tâm không phải là bao nhiêu hãng và khuyến mãi nhiều hay ít mà chính là cung cách phục vụ cùng những chính sách nhất quán đối với khách hàng. Tại các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội hay Đà Nẵng, xe công nghệ đã trở thành một phần không thể thiếu trong việc đi lại của nhiều người. Doanh thu của Grab và Uber trước khi rút khỏi Việt Nam sau 3 năm hoạt động ước đạt hơn 5.000 tỷ đồng và tăng mạnh hàng năm cho thấy xe công nghệ ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng thế nào.

Ông Nguyễn Xuân Thủy, Phó vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông – Vận tải) cho rằng: “Nhà cung cấp nào mang đến dịch vụ tốt nhất, phù hợp với sở thích của người dân thì sẽ được ưa chuộng. Trong cuộc cách mạng 4.0 hiện nay, người dân mong muốn sẽ có nhiều công ty nội địa tham gia vào cung cấp ứng dụng gọi xe. Thị trường cạnh tranh hơn, vận tải hiệu quả hơn thì người dân càng được hưởng lợi”.

Linh Lê

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 07/05/2024