ISSN-2815-5823

Thư thái nghệ thuật trà tịch Đài Loan

(KDPT) - Xuyên suốt thời gian và không gian, giao hòa giữa nét cổ kính và hiện đại. Với lịch sử uống trà lâu đời, cách uống trà khác nhau, dụng cụ pha trà cũng khác nhau theo từng loại trà. Sự tiếp nối và kế thừa của văn hóa uống trà, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, có tìm tòi đổi mới, bắt nguồn từ cổ điển và mang những nét độc đáo, tinh tế khác lạ.

Đài Loan được biết đến là vùng đất của nhiều loại trà nổi tiếng thế giới. Truyền thống uống và thưởng trà của hòn đảo này bắt đầu từ hàng trăm năm trước khi người ta mang những giống trà từ Trung Quốc sang đây trồng.

Và Trà tịch Đài Loan trở thành một nghệ đặc sắc mà để thưởng trà trọn vẹn phải có trà ngon, dụng cụ pha trà tinh tế, kết hợp loại hình nghệ thuật cùng sự dẫn dắt của các trà sư.

Thư thái nghệ thuật trà tịch Tử Đằng Lư
Trà sư Thái Giới Thành chụp ảnh lưu niệm cùng du khách trải nghiệm

Trong một sự kiện trình diễn nghệ thuật trà tịch Đài Loan tại Hà Nội mới đây, Văn phòng Văn hóa - Kinh tế Đài Bắc đã mời 4 trà sư nổi tiếng đại diện cho 4 phong cách nghệ thuật trà tịch giới thiệu cho công chúng Việt Nam.

Mỗi trà sư có một công việc khác nhau nhưng đều có điểm chung nổi bật là niềm đam mê, sự hiểu biết sâu sắc về nghệ thuật trà tịch mình đang theo đuổi. Trà sư Vương Chí Bình - Giám đốc nghệ thuật của Đoàn Côn Kịch Lan Đình với phong cách trà tịch Văn nhân. Trà sư Trần Dục Đình - Hương đạo sư kiêm nhà thiết kế với phong cách trà tịch Trầm hương. Trà sư Chu Lạc Nguyên - Vũ công với phong cách trà tịch Thời gian và không gian. Trà sư Thái Giới Thành - Nhà soạn nhạc và biểu diễn với phong cách trà tịch bình dị.

Thư thái nghệ thuật trà tịch Tử Đằng Lư
Cách uống trà khác nhau, dụng cụ pha trà cũng khác nhau theo từng loại trà

Trà tịch Văn nhân là sự kết hợp sự tinh tế, mang nét bình dị rất đời thường mà cũng đầy thơ mộng. Các văn nhân học sĩ từng không ngớt lời thơ ca tụng trà, chuyện vua chúa say mê trà, viết sách về trà, thiết kế các dụng cụ pha trà và tủ trà từ lâu đã trở thành giai thoại lịch sử. Những năm gần đây, văn hóa thưởng trà ngày càng tinh tế và đa dạng. Sự kết hợp tao nhã giữa âm nhạc, vũ đạo, Côn kịch, cổ cầm và trà tịch tạo nên sự phong phú, đầy màu sắc, cảm giác tươi mới càng khiến người ta yêu mến. Trà tịch Văn nhân thường sử dụng trà Trà Đông phương mỹ nhân (Người đẹp phương Đông) / Trà Ô Long Bạch hào Nga Mi Tân Trúc 2020; Trà Kim huyên núi cao / Trà Kim huyên hữu cơ Alishan 2022.

Thư thái nghệ thuật trà tịch Tử Đằng Lư
Không gian trà tịch Văn nhân được các trà sư trang trí trể hiện phong cách riêng của người học sĩ

Trà tịch Trầm hương được phát triển từ phong tục sử dụng trầm hương cho các nghi thức tôn giáo, hoạt động dưỡng sinh lần đầu tiên xuất hiện vào thời Tần - Hán và phát triển mạnh vào thời nhà Tống. “Cắm hoa, đốt hương, thưởng trà, treo tranh” là “Bốn việc thư nhàn” dùng trong giao lưu tình cảm của tao nhân mặc khách thời đó.

Những năm gần đây, trầm hương Việt Nam được sử dụng càng thịnh hành ở Đài Loan, là một hình thức thư giãn, trị liệu áp lực của người đô thị. Trầm hương vừa có hương thơm hoa cỏ vừa giúp không khí sảng khoái. Trà tịch Trầm hương được tinh chỉnh nhiệt độ của lửa than bằng phương pháp đốt hương không khói, tỏa dần hương đầu, hương gốc và hương cuối của trầm hương Việt Nam, kết hợp với tay nghề tuyệt đỉnh trà Đài Loan tạo nên hương trà, vị trà độc đáo, là một bữa tiệc kép về thị giác và vị giác. Trà tịch Trầm hương thường sử dụng trà Trà Thiết quan âm / Thiết quan âm Chính Tùng Mộc Tra – trầm hương đất sét đỏ Việt Nam; Trà cổ Đông Đỉnh 1987 – trầm hương Khánh Hòa, Việt Nam.

Trà tịch Thời gian và không gian thể hiện sự xuyên suốt, giao hòa giữa nét cổ kính và hiện đại với lịch sử uống trà lâu đời. Cách uống trà khác nhau, dụng cụ pha trà cũng khác nhau theo từng loại trà. Từ chén Thiên Mục - dụng cụ linh hồn của văn hóa điểm trà, đấu trà thời nhà Tống, đến những dụng cụ uống trà thời thượng của những người thợ gốm Đài Loan đương đại với ý thức về đường nét. Đó chính là sự tiếp nối và kế thừa của văn hóa uống trà, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, có tìm tòi đổi mới, bắt nguồn từ cổ điển và mang những nét độc đáo, tinh tế khác lạ. Trà tịch Thời gian và không gian thường sử dụng trà Trà Bích La xuân / Trà xanh hữu cơ Tam Hiệp 2022; Trà Hồng Ngọc / Trà đen hữu cơ Ngư Trì Nam Đầu 2020.

Thư thái nghệ thuật trà tịch Tử Đằng Lư
Trà sư Chu Lạc Nguyên là người trẻ tuổi nhất nhưng có niềm đam mê trà sâu sắc

Trà tịch Bình dị thể hiện bản chất thanh đạm, giản dị. Từ trong sự bình dị để thấy cái vô hạn – đó chính là tư tưởng của Đạo giáo về sự hợp nhất giữa thiên nhiên và con người. Tư tưởng tự nhiên trong Đạo giáo luôn là tinh thần cốt lõi của văn hóa trà. Một chiếc lá, một chén trà là sự kết nối bốn mùa được nuôi dưỡng bởi núi rừng, sông nước, kết nối những tình cảm con người không thể nói hết bằng lời. Sự trà nhân như một nhạc trưởng, rót nước đợi trà, với thời gian là giai điệu, viết nên những bản nhạc đầy hương thơm. Trà tịch Bình dị thường sử dụng trà Trà Lan nhược / Trà Bao chủng hữu cơ Bình Lâm 2022; Trà Tử đằng / Trà Đông đỉnh Chính sơn Lộc Cốc Nam Đầu 2021.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 22/11/2024