ISSN-2815-5823
VIỆT ANH - THÚY KHANG
Thứ sáu, 16h09 03/11/2023

Thúc đẩy nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh

(KDPT) - Đó là nhận định của bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại "Diễn đàn tăng trưởng xanh Việt Nam 2023". Diễn đàn do Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức sáng 03/11 tại Hà Nội.
Quang cảnh diễn đàn

Việc chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh là hết sức cần thiết, cấp bách trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, nguồn lực tài chính huy động để thực hiện chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, tăng trưởng vẫn còn thấp so với nhu cầu thực tế.

Theo đó, ngày 1/11, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, ông Nguyễn Chí Dũng ban hành Thông tư 10/2023 quy định Bộ chỉ tiêu thống kê tăng trưởng xanh với 4 mục tiêu chính gồm: giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP; xanh hóa các ngành kinh tế (bao gồm các lĩnh vực: năng lượng; giao thông vận tải; nông nghiệp; thương mại - dịch vụ; công nghệ; vốn đầu tư, trái phiếu, tín dụng; tài nguyên rừng; tài nguyên khoáng sản; tài nguyên nước); xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững (môi trường, xã hội; đô thị; Chính phủ); xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu.

Phát biểu tại Diễn đàn, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết đạt được mục tiêu tăng trưởng xanh sẽ đem lại cho chúng ta lợi ích to lớn và lâu dài. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này chắc chắn chúng ta sẽ phải đánh đổi.

Thời gian vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành cũng đã có rất nhiều nỗ lực trong việc hoạch định chính sách và thúc động nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh.

Cụ thể, chúng ta đã có ban hành 2 chiến lược tăng trưởng xanh và ban hành kế hoạch hành động thực hiện tăng trưởng xanh. Việt Nam cũng đã xây dựng khuôn khổ pháp lý, thể chế để tạo điều kiện khuyến khích phát triển tăng trưởng xanh, trong đó có vấn đề về cơ chế ưu đãi. Chính phủ cũng đã phê duyệt các quy hoạch rất quan trọng, trong đó có Quy hoạch điện VIII, đẩy mạnh chuyển đổi số. "Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng nỗ lực này nó cũng chỉ là cái bước khởi đầu, cơ hội và thách thức còn rất nhiều ở trước mắt", bà Bích Ngọc chia sẻ.

Theo bà Bích Ngọc, điểm nổi bật nhất của chiến lược tăng trưởng xanh là cân bằng, hài hòa các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Đây sẽ là giải pháp quan trọng để chúng ta thúc đẩy quá trình chuyển đổi nền kinh tế gắn với chuyển đổi cái mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp và đặc biệt là khả năng chống chịu của nền kinh tế trước những cú sốc ở bên ngoài, đóng góp vào việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh.

Theo PGS.TS. Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, chọn lựa theo xu hướng đó, Việt Nam có thể trở thành quốc quốc gia tiên phong trong khu vực về tăng trưởng xanh, phục hồi xanh. Đây là hướng đi đúng đắn để thực hiện tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

PGS.TS. Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Chú trọng hơn vào số hóa, vào xanh hóa, vào sự cân đối và hài hòa giữa kinh tế, xã hội và môi trường sẽ giúp Việt Nam hoàn thành nhanh hơn mục tiêu dài hạn về phát triển bền vững và trở thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và nước có thu nhập cao vào năm 2045, đồng thời đảm bảo mọi người dân có cuộc sống chất lượng cả về vật chất và tinh thần.

"Từ phân tích trên có thể thấy việc chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh là hết sức cần thiết, cấp bách trong bối cảnh hiện nay. Bởi tăng trưởng xanh là con đường tất yếu của sự phát triển và phù hợp với mô hình tăng trưởng mới của Việt Nam để hướng đến một tương lai nền kinh tế", PGS.TS. Bùi Quang Tuấn chia sẻ.

Rà soát, sửa đổi bổ sung quy định về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho việc tiếp cận nguồn vốn cho tăng trưởng xanh của nước ngoài; Nâng cấp, thể chế hóa Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI) và yêu cầu Báo cáo bền vững đối với doanh nghiệp ở các địa phương.

Bên cạnh đó, cần rà soát và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho tín dụng xanh cũng như phát hành trái phiếu xanh. Theo ông, cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho tín dụng xanh và ngân hàng xanh, rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý về tín dụng xanh phù hợp với quy định tại Luật Bảo vệ môi trường 2020, cũng như quy định về quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng.

Bên cạnh đó, nghiên cứu, xây dựng quy định về bảo hiểm xanh; xây dựng danh mục các sản phẩm bảo hiểm xanh nhằm bảo hiểm trách nhiệm ô nhiễm môi trường đối với các ngành có rủi ro môi trường cao: hoạt động này phát triển từ yêu cầu của mục tiêu phát triển nhanh và bền vững về việc phát triển thị trường bảo hiểm xanh. Ông Tuấn nhấn mạnh.

Tại diễn đàn, các nhà khoa học, chuyên gia cũng thảo luận nhằm tìm ra các luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc đề xuất các giải pháp mang tính then chốt, đột phá cho từng ngành và lĩnh vực, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng xanh ở Việt Nam. Đồng thời phân tích được những bất cập, hạn chế, điểm nghẽn, nút thắt về cơ chế, chính sách và tổ chức quản lý cần phải tháo gỡ; xác định đúng những căn nguyên của vấn đề đang cản trở tăng trưởng xanh hiện nay.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 27/07/2024