Thúc đẩy tăng trưởng tín dụng vào mùa cao điểm cuối năm
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 103 về hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh trong cuối năm 2024 và những năm tiếp theo.
Gần 4 năm của nhiệm kỳ 2021-2026, dưới sự lãnh đạo của Đảng, giám sát của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt, sát sao, kịp thời chỉ đạo, chủ động điều hành linh hoạt các chính sách vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, đồng thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Doanh nghiệp Việt Nam đã từng bước vượt qua khó khăn, niềm tin được củng cố, nội lực được tăng cường; nền kinh tế đạt mức tăng trưởng cao so với các quốc gia khác.
Dự báo cuối năm 2024 và những năm tiếp theo, kinh tế Việt Nam còn nhiều thách thức, nội lực của doanh nghiệp, đặc biệt khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn nhiều khó khăn. Do vậy, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, các địa phương tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh. Cần kiến tạo môi trường thuận lợi giúp doanh nghiệp phát triển.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu xây dựng chính sách thuế phù hợp để hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển bền vững.
Vừa qua, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành chính sách giảm thuế GTGT, gia hạn nộp thuế cho những tháng cuối năm nay, với tổng số tiền dự kiến trên 168.000 tỷ đồng. Mới đây, Bộ Tài chính cũng đang đề xuất giảm 15-30% tiền thuê đất năm nay với số tiền dự kiến là 4.000 tỷ đồng. Đây sẽ là những nguồn lực không nhỏ và tiếp sức cho người dân, doanh nghiệp.
Bà Phạm Thị Tuyết Lan, Vụ trưởng Vụ dự toán thu thuế, Tổng cục Thuế cho biết: "Trên 168.000 tỷ, đó là nguồn hỗ trợ tài chính không lãi suất cho doanh nghiệp, để hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính để phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo thêm nguồn thu cho ngân sách Nhà nước".
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng thì ngoài chính sách thuế, Thủ tướng Chính phủ cũng giao Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí, để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Tính đến ngày 30/9 vừa qua, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 9%. Việc dòng vốn được khơi thông đã góp phần quan trọng tạo đà cho tăng trưởng kinh tế. Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn, phấn đấu mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay đạt 15%.
Vừa ký thêm được 1 loạt hợp đồng mới cho quý 4 này. Công ty nhanh chóng vay thêm hàng chục tỷ đồng mua sắm thiết bị, phục vụ cho việc sản xuất máy phát điện công suất lớn. Doanh nghiệp rất vui vì lãi suất giờ đây đã thấp hơn khoảng 1-2% so với đầu năm, giải ngân lại nhanh chóng.
"Hiện nay chúng tôi vay gói thấp nhất 6,5%, gói cao nhất 10,5%, tùy tỷ lệ tín chấp", ông Trần Thành Trọng - Tổng giám đốc CTCP Sáng Ban Mai chia sẻ.
Tại Ngân hàng ACB, tốc độ tăng tín dụng 9 tháng đã đạt 13,3%, cao hơn đáng kể so với tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân toàn ngành.
Ông Từ Tiến Phát - Tổng Giám đốc Ngân hàng Á Châu ACB cho biết: "Chúng tôi đẩy mạnh vốn vào những dự án trọng điểm, ví dụ dự án 500kw mạch 3. Thứ 2 là liên quan đến các dự án đối với những công ty, các tổng công ty lớn chúng tôi cũng cung cấp vốn để thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu và tiêu dùng trong nước".
"Đa dạng hóa kênh huy động vốn, duy trì mặt bằng lãi suất thấp, hỗ trợ doanh nghiệp. Giải pháp thứ 2 là tinh giản quy trình, thủ tục cấp vay. Ngân hàng cung cấp các giải pháp liên quan đến phần mềm, đến công nghệ để tăng trải nghiệm cho khách hàng doanh nghiệp, đặc biệt là việc quản lý dòng tiền", ông Trần Văn Lâm - Giám đốc Trung tâm Marketting Khách hàng Doanh nghiệp tại TP.HCM - Ngân hàng Shinhan Việt Nam cho hay.
Đến cuối tháng 9, dư nợ của ngành ngân hàng đã tăng 9%. Riêng tháng 9 đã có gần 300.000 tỷ đồng được các ngân hàng cho vay, cho thấy nhu cầu vốn mang tính mùa vụ đang tăng cao cho những tháng cuối năm.
PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân - Đại học Kinh tế TP.HCM cho biết: "Sự phục hồi về nền kinh tế đã bắt đầu hút một lượng vốn tương đối tốt về tăng trưởng tín dụng và nó cũng giúp cho tăng trưởng tín dụng đạt được những tốc độ cao. Theo tôi đánh giá từ giờ đến cuối năm tốc độ tăng trưởng tín dụng sẽ tiếp tục tăng cao hơn nữa. Chúng ta hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng đề ra ở đầu năm".
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% trong năm nay, các ngân hàng sẽ mở rộng quy mô tín dụng thêm khoảng 800.000 tỷ đồng nữa. Dòng chảy tín dụng khơi thông, sẽ tạo đà cho tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ cuối năm và những năm tiếp theo./.
- Thủ tướng yêu cầu triển khai hiệu quả gói tín dụng 140.000 tỷ đồng dành cho nhà ở xã hội
- Các tổ chức tín dụng kỳ vọng tỷ lệ nợ xấu có thể điều chỉnh giảm trong quý IV/2024
- Gói tín dụng ưu đãi kết nối ngân hàng - doanh nghiệp: Giải ngân đạt 83,4%