ISSN-2815-5823

Thúc đẩy triển khai dịch vụ công ở các hội nghề nghiệp

(KDPT) - Chiều 22/11, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo “Mô hình dịch vụ công ở các hội nghề nghiệp: Thực trạng và giải pháp”.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Quyết Chiến, Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) cho biết, xã hội hóa dịch vụ công mang đến “lợi ích kép” cho cả khu vực nhà nước và khu vực tư nhân. Nhà nước giảm được gánh nặng, tập trung hơn vào công tác quản lý vĩ mô; từ đó tạo điều kiện để tổ chức hội nghề nghiệp, các doanh nghiệp và khu vực tư nhân đầu tư nguồn lực, tham gia giải quyết một số nhiệm vụ của Nhà nước và cạnh tranh phát triển.

Ông Nguyễn Quyết Chiến, Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Ông Nguyễn Quyết Chiến, Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam

Chia sẻ kinh nghiệm triển khai mô hình dịch vụ công của Hội Khoa học kỹ thuật an toàn và Vệ sinh lao động Việt Nam thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam, GS. TS Lê Vân Trình, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật an toàn và Vệ sinh lao động Việt Nam cho biết, thời gian qua, Hội cùng các hội thành viên đã tham gia vào nhiều hoạt động dịch vụ công như: Tổ chức mở lớp huấn luyện an toàn vệ sinh lao động và cấp chứng chỉ cho nhiều doanh nghiệp; tham gia các dịch vụ kiểm định an toàn cho các thiết bị có nguy cơ rủi ro cao như nồi hơi, thiết bị áp lực, cần trục các loại… 

Quang cảnh hội thảo
Quang cảnh hội thảo

Để thúc đẩy triển khai dịch vụ công trong các tổ chức thành viên thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, TS. Phạm Văn Tân, Ủy viên Hội đồng Trung ương Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng, trước mắt, Liên hiệp và các hội thành viên cần tập trung vào các lĩnh vực tư vấn và hoạt động đào tạo, kiểm tra, đánh giá phục vụ việc cấp chứng chỉ hành nghề. Đồng thời, tăng cường cơ sở vật chất, nguồn nhân lực để có đủ năng lực thực hiện dịch vụ công được giao; củng cố tổ chức theo hướng chuyên nghiệp với đội ngũ nhân lực tinh thông nghiệp vụ; tích cực xây dựng tổ chức theo hướng mở để thu hút thêm nhiều chuyên gia, cán bộ giỏi tham gia hoạt động này theo các hình thức chuyên trách, kiêm nhiệm hoặc cộng tác viên; thu hút cán bộ trẻ có năng lực chuyên môn tốt tham gia vào hoạt động hội.

Đồng thời, để phát huy tốt vai trò thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và tích cực tham gia nhiệm vụ quản lý nhà nước, các hội/hiệp hội, tổ chức phi chính phủ cần phải nâng cao năng lực hoạt động thông qua chất lượng nguồn nhân lực và kết quả hoạt động cụ thể.

"Sự minh bạch và trách nhiệm giải trình là những tiêu chí quan trọng đánh giá việc thực hành quản trị tốt trong mỗi tổ chức mà các hội/hiệp hội cần phải theo đuổi. Những tổ chức làm tốt vấn đề này sẽ mang đến sự tin tưởng cho tất cả thành viên trong tổ chức, nhà tài trợ, sự tin tưởng đối với các cơ quan quản lý, trong cộng đồng, xã hội".

Chủ tịch Hội KHKT An toàn và Vệ sinh lao động Việt Nam Lê Vân Trình cho rằng, dịch vụ công mang lại môi trường minh bạch, hướng đến mục tiêu công bằng, văn minh và mang tính cộng đồng. Đồng thời, nâng cao chất lượng cuộc sống và tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, xã hội.

Hiện nay, Việt Nam có 3 loại hình dịch vụ công cơ bản: Dịch vụ công trong lĩnh vực sự nghiệp, dịch vụ công trong lĩnh vực công ích và dịch vụ hành chính công. Các loại hình dịch vụ công này đều có tầm quan trọng trong việc đem lại lợi ích chung, bình đẳng trong xã hội.

Ông Lê Vân Trình cho hay, để giảm gánh nặng tài chính của Nhà nước, xã hội hóa dịch vụ công là một trong những nội dung quan trọng nhất trong mô hình quản lý công mới ở các nước phát triển. Xã hội hóa dịch vụ công đồng nghĩa với việc giảm thiểu trách nhiệm của nhà nước trong cung cấp các dịch vụ, Nhà nước đóng vai trò điều tiết bảo đảm sự có mặt của dịch vụ công đó thay vì trực tiếp cung cấp các dịch vụ công. Việc cung ứng dịch vụ được giao cho các thành phần kinh tế tư nhân, cá nhân thực hiện.

Sự phát triển của dịch vụ công phụ thuộc vào nhiều khía cạnh từ sự phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa của mỗi quốc gia. Vì thế, mỗi nước, tùy thuộc vào thể chế và văn hóa của mình mà có những loại hình dịch vụ công khác nhau.

Ngoài ra, ông Lê Vân Trình cho rằng, Nhà nước cần ban hành các cơ chế, chính sách và quy định những tiêu chuẩn, định mức, chất lượng, giá cả và dịch vụ hợp lý, đáp ứng nhu cầu của xã hội. Đồng thời, khuyến khích các tổ chức xã hội, tư nhân cùng với các chính sách đầu tư có hiệu quả cho các loại hình dịch vụ công lập Nhà nước cần phải có cơ chế để đảm bảo được chất lượng dịch vụ công, đồng thời mở rộng chuyển giao việc cung ứng dịch vụ công cho các tổ chức xã hội một cách mạnh mẽ hơn./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 23/11/2024