ISSN-2815-5823

Thực hiện công tác khuyến công, Bình Thuận ưu tiên phát triển các ngành nghề thế mạnh

(KDPT) – Tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong 5 năm vừa qua (2014-2018), UBND tỉnh Bình Thuận đã xây dựng định hướng dài hơi cho công tác khuyến công, trong đó ưu tiên hỗ trợ nguồn lực phát triển các ngành nghề thế mạnh.

Điểm nhấn mô hình trình diễn kỹ thuật

Công tác khuyến công đã ghi dấu đậm nét trong phát triển công nghiệp nông thôn (CNNT) cũng như ngành công nghiệp của Bình Thuận. Trong đó, nội dung xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật và ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến, hiện đại vào sản xuất được xem là thiết thực và đạt hiệu quả cao.

Từ năm 2014 – 2018, khuyến công tỉnh đã hỗ trợ thực hiện 1 mô hình trình diễn kỹ thuật và 17 đề án ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất với tổng kinh phí hỗ trợ trên 3,1 tỷ đồng. Các đề án được tập trung thực hiện trong một số ngành nghề như: Chế biến nông, lâm, thủy sản và hàng tiêu dùng, gạch không nung…

Ngoài ra, khuyến công tỉnh còn triển khai hiệu quả nhiều nội dung khác, như: Hỗ trợ sản xuất sạch hơn trong công nghiệp; hỗ trợ kinh phí thuê gian hàng cho 16 cơ sở CNNT tham gia các hội chợ, triển lãm; tổ chức 8 lớp quản lý và 1 lớp khởi sự doanh nghiệp; hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật 2 cụm công nghiệp…

Tuy nhiên, theo đại diện UBND tỉnh, Bình Thuận vẫn chưa triển khai hết nội dung của chương trình khuyến công. Cụ thể, tỉnh chưa thực hiện được đề án nào trong nội dung hợp tác quốc tế về khuyến công, do ngân sách của tỉnh hạn chế, không bố trí được nguồn kinh phí cho công tác này. Giai đoạn vừa qua cũng có 6 đề án xây dựng mô hình trình diễn và ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất phải trả lại. Nguyên nhân chủ yếu do năng lực triển khai của các cơ sở thụ hưởng không cao. Cùng đó là tính khả thi của một số đề án chưa sâu, công tác thẩm định hạn chế, chưa đánh giá đầy đủ năng lực của doanh nghiệp nên sau khi đề án được phê duyệt lại không triển khai thực hiện được.

Hỗ trợ toàn diện

Với những bất cập trong triển khai công tác khuyến công, đại diện UBND tỉnh Bình Thuận cho rằng, tỉnh sẽ tập trung nguồn lực thực hiện các chương trình, đề án đã được giao. Trong đó, ưu tiên hỗ trợ toàn diện cho một số ngành nghề thế mạnh, từ nhân lực, công nghệ sản xuất, thiết kế bao bì sản phẩm cho tới thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Xây dựng mô hình trình diễn vẫn là nội dung được tập trung nguồn lực cho thực hiện đến năm 2020. Tỉnh sẽ vận dụng nguồn kinh phí quốc gia, phối hợp kinh phí khuyến công với kinh phí từ các chương trình mục tiêu khác để thực hiện các đề án có quy mô và sức lan tỏa lớn. Trọng tâm là xây dựng các đề án điểm, đề án nhóm hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến các sản phẩm lợi thế, đặc trưng của tỉnh.

Định hướng giai đoạn 2021-2030, Bình Thuận tiếp tục nâng chất cho các đề án xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật và ứng dụng công nghệ tiên tiến hiện đại vào sản xuất. Vẫn lấy các ngành nghề thế mạnh làm chủ đạo, chương trình sẽ giúp các đối tượng thụ hưởng tiếp cận với dây chuyên sản xuất công nghệ cao, tiết kiệm nhiên, nguyên liệu. Ưu tiên cho các thiết bị tự động, gắn sản xuất công nghiệp với bảo vệ môi trường .

Báo Công Thương Điện Tử

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 08/09/2024