Thuế chống bán phá giá được kích hoạt: Doanh nghiệp ngành đường có “đổi vận”?
Cú đỡ cho đường nội
Sau 5 tháng điều tra, Bộ Công thương đã kích hoạt biện pháp tự vệ khi quyết định áp thuế chống bán phá giá (CBPG) và chống trợ cấp tạm thời đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan với mức thuế CBPG, chống trợ cấp tạm thời đối với đường thô và đường tinh luyện Thái Lan lần lượt ở mức 44,88% và 33,88%.
Ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) cho hay, ngành sản xuất đường mía trong nước đã chịu thiệt hại nặng nề trong thời gian qua do tác động tiêu cực từ đường mía nhập khẩu từ Thái Lan bán phá giá. Hệ lụy là một loạt nhà máy đường đã phải đóng cửa, gây tác động nghiêm trọng đến việc làm của người lao động.
Theo tính toán, đã có 3.300 người lao động bị mất việc làm và 93.225 hộ nông dân bị ảnh hưởng. Kết cục là niên vụ sản xuất 2019 – 2020 chỉ còn 29/40 nhà máy hoạt động. Đến niên vụ 2020 – 2021, dự báo chỉ còn 25 nhà máy hoạt động, thêm 4 nhà máy đường đóng cửa gồm Sơn Dương, Nông Cống, Vạn Phát và Phổ Phong do không đảm bảo nguồn cung nguyên liệu.
Việt Nam bắt đầu thực hiện cam kết Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) đối với ngành đường từ ngày 1/1/2020, theo đó không giới hạn lượng đường nhập khẩu từ các nước ASEAN và mức thuế chỉ 5%. Ngay lập tức, một khối lượng đường kỷ lục đã tràn vào thị trường Việt Nam.
Đường từ ASEAN với giá rẻ khiến đường trong nước hầu như không tiêu thụ được. Các nhà máy chỉ có hai sự lựa chọn, một là tiếp tục tồn kho, đối mặt với tình trạng cạn kiệt dòng tiền, hai là chấp nhận bán lỗ để duy trì dòng tiền hoạt động.
Thông thường, một nhà máy đường phải có công suất ép từ 6.000 tấn mía/ngày đêm trở lên mới đạt được lợi thế và có khả năng cạnh tranh với đường trong khu vực. Qua thống kê, công suất ép bình quân của các nhà máy đường trong nước mới ở mức 3.700 tấn mía/ngày đêm và chỉ có 8 nhà máy (thống kê năm 2019) có công suất ép lớn hơn 6.000 tấn. – Ông Phạm Văn Duy, Phó cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) |
Doanh nghiệp phải chuyển mình
Ông Nguyễn Văn Lộc, quyền Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam đánh giá, việc áp thuế tự vệ tạm thời với đường mía nhập từ Thái Lan được các doanh nghiệp rất mong chờ. Mức thuế 44,88% với đường tinh luyện và 33,88% đối với đường thô do Bộ Công thương đưa ra tương đối hợp lý, bởi mức chênh lệch giá đường nội địa so với đường Thái Lan khá tương đồng với mức thuế này.
Nhưng, thuế CBPG và chống trợ cấp tạm thời không thể cứu ngành mía đường nếu các doanh nghiệp không tự thân chuyển đổi. Về lâu dài, các doanh nghiệp phải tái cơ cấu sản xuất, liên kết để tăng cường nội lực.
Thực tế, ngay cả khi thị trường đường chịu sự cạnh tranh không cân sức bởi đường nhập khẩu giá rẻ và đường nhập lậu, vẫn có những doanh nghiệp sống khỏe và không ngừng đầu tư các dự án lớn, củng cố năng lực sản xuất, đón bắt cơ hội thị trường.
TTC Sugar (mã chứng khoán SBT) khẳng định, thị trường đường vẫn còn nhiều triển vọng khi nhu cầu của khách hàng ngày càng đa dạng hơn. Do đó, doanh nghiệp chủ động nguồn nguyên vật liệu đầu vào bằng cách tăng cường hợp tác và hỗ trợ nông dân. Trong niên vụ 2020 – 2021, diện tích hợp tác với nông dân tăng 20% so với cùng kỳ.
TTC Sugar cũng nhanh chân mua lại vùng nguyên liệu tại Attapeu (Lào) từ năm 2017 để đầu tư sản xuất, hướng sản xuất theo hướng hữu cơ, tạo ra những phẩm hấp dẫn với người tiêu dùng và có lợi thế trong xuất khẩu.
Theo ước tính, tổng sản lượng đường organic từ vùng trồng này trong niên độ 2020 – 2021 có thể lên đến 42.000 tấn, tăng hơn 3 lần so với niên độ 2019 – 2020. Trước đó, TTC Sugar đã lập kỷ lục xuất khẩu hơn 250.000 tấn đường và mục tiêu niên độ này xuất khẩu 300.000 tấn đường.
Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn, một doanh nghiệp lớn tại phía Bắc cho rằng, Hiệp định ATIGA tuy gây nhiều khó khăn, nhưng cũng là cơ hội để ngành mía đường Việt Nam hội nhập và cạnh tranh sòng phẳng với ngành mía đường trong khu vực.
Để nâng cao giá trị của cây mía, cạnh tranh được trong thời kỳ hội nhập, Mía đường Lam Sơn đã hỗ trợ giống mới chất lượng cao, hỗ trợ chi phí làm đất đối với diện tích tập trung, hộ có diện tích mía lớn, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất. Hàng năm Công ty đầu tư không tính lãi cho bà con trồng mía trên 300 tỷ đồng, cho các hộ vay tiền thuê thầu, tích tụ đất đai, trồng mía lâu dài với Công ty. Đặc biệt, Công ty có cam kết giá mía đến năm 2025 để nông dân yên tâm đầu tư, phát triển mía.
Ngoài ra, Công ty đã liên kết với các địa phương thành lập 20 hợp tác xã với mục tiêu đến năm 2021 – 2022 sẽ có 40 hợp tác xã được thành lập. Ông Lê Văn Tam, Chủ tịch Mía đường Lam Sơn khẳng định, đây là giải pháp phát triển ổn định, bền vững vùng nguyên liệu trong thời gian tới.
THẾ HOÀNG
Bạn đang đọc bài viết Thuế chống bán phá giá được kích hoạt: Doanh nghiệp ngành đường có “đổi vận”?
tại chuyên mục Doanh nghiệp – Thương hiệu.
Cung cấp thông tin, liên hệ đường dây nóng:
0369452904 – 0977600308.
Hoặc Email: [email protected]
[email protected]
Nguồn link gốc: https://baodautu.vn/thue-chong-ban-pha-gia-duoc-kich-hoat-doanh-nghiep-nganh-duong-co-doi-van-d138357.html