Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ đạt gần 75 tỷ USD sau 7 tháng
Thương mại 2 nước đạt những triển vọng cao
Báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy, 7 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá sang thị trường Hoa Kỳ đạt 66,1 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này đạt 8,6 tỷ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ. Hoa Kỳ hiện là thị trường lớn nhất của hàng hoá Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam là nước dẫn đầu trong khu vực Đông Nam Á (ASEAN) về xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Hoa Kỳ và thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn thứ 6 của Hoa Kỳ.
Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ nhiều nhóm mặt hàng như máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; dệt may; điện thoại các loại và linh kiện; gỗ và sản phẩm gỗ; giày dép…
Chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu hàng hóa từ Hoa Kỳ nhiều sản phẩm phục vụ cho sản xuất như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; bông; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; thức ăn gia súc và nguyên liệu…
Sau gần 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 24 năm sau Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA) được ký kết, quan hệ thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ thời gian qua thực sự là một điểm sáng. Theo dữ liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ đạt mốc 100 tỷ USD lần đầu vào năm 2021 (đạt 111,55 tỷ USD). Trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt 96,27 tỷ USD và nhập khẩu đạt 15,28 tỷ USD. Từ đó đến nay, năm nào, thương mại hai chiều cũng đạt trên 100 tỷ USD.
Ngày 10/9/2023, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã được nâng cấp lên thành Đối tác chiến lược toàn diện. Dấu mốc này đã mở ra rất nhiều cơ hội quan hệ hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có kinh tế - thương mại giữa Việt Nam - Hoa Kỳ trong tương lai.
Cẩn trọng với các rào cản phòng vệ thương mại
Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ chỉ rõ, dù là thị trường tiềm năng song hiện nay, Hoa Kỳ cũng là thị trường điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất với hàng xuất khẩu của Việt Nam, đồng thời cũng là thành viên điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất trong các thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) với nhiều thị trường khác. Nhập khẩu gia tăng đồng nghĩa với áp lực cạnh tranh trong nước của các ngành sản xuất Hoa Kỳ ngày càng gay gắt. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp Hoa Kỳ sẽ tăng cường sử dụng công cụ này để hạn chế nhập khẩu, giảm bớt áp lực cạnh tranh.
Các ngành xuất khẩu bị Hoa Kỳ kiện phòng vệ thương mại có kim ngạch từ thấp đến những mặt hàng chiếm thị phần lớn và có kim ngạch cao. Tiêu biểu như các sản phẩm thép, thủy sản (tôm, cá tra), máy móc thiết bị, gỗ, đồ nội thất, túi giấy, túi ni lông, nhôm... và gần đây là mặt hàng đĩa giấy.
Vừa qua, ngày 2/8, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã ban hành kết luận, theo đó mặc dù có ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực về nền kinh tế Việt Nam trong thời gian qua nhưng vẫn tiếp tục chưa công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường.
Theo Bộ Công Thương, kết luận này có nghĩa rằng doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ sẽ còn tiếp tục bị phân biệt đối xử trong các vụ điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp của Hoa Kỳ, chi phí sản xuất thực tế của doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục không được công nhận mà phải sử dụng “giá trị thay thế” của một nước thứ ba để tính toán biên độ bán phá giá.
Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu, phân tích các lập luận trong Báo cáo đánh giá nền kinh tế Việt Nam của Bộ Thương mại Hoa Kỳ, để bổ sung, hoàn thiện lập luận để gửi hồ sơ yêu cầu Bộ Thương mại Hoa Kỳ xem xét lại quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam nhằm cụ thể hóa mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ, qua đó thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại, đầu tư song phương, mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và nhân dân hai nước./.
- Hoa Kỳ chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường
- Hoa Kỳ chia sẻ kinh nghiệm tiên tiến quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường