Cuối tháng 12/2022 tuyến cao tốc Cam Lộ- La Sơn được đưa vào vận hành thông xe, đoạn tuyến có chiều dài 98,3 km đi qua hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Việc khai thác tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn đã tạo trục động lực xuyên miền Trung, giúp người dân trong khu vực lưu thông thuận lợi hơn, giảm áp lực cho Quốc lộ 1A, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương và liên vùng. Tuy nhiên, với lưu lượng các phương tiện lưu thông trên tuyến đường lớn trong khi kết cấu hạ tầng chưa hoàn thiện khiến nguy cơ gây mất an toàn giao thông hiện hữu.

Kết cấu hạ tầng chưa hoàn thiện

Dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn là một trong 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn I từ 2017 đến 2020. Được khởi công từ tháng 9/2019, để đảm bảo tiến độ do Chính phủ, Bộ GTVT đề ra, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh đã huy động mọi nguồn lực, nhân lực để triển khai thi công với quyết tâm bù đắp những phần việc hụt tiến độ.

Tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn dài 98,3 km đi qua 2 tỉnh Quảng Trị (37,7 km), Thừa Thiên Huế (61 km), có tổng mức đầu tư 7.669 tỷ đồng. Dự án có điểm đầu tại Quốc lộ 9 thuộc địa phận xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị; điểm cuối kết nối dự án La Sơn - Túy Loan thuộc địa phận xã Lộc Sơn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Nhiều hạng mục chưa hoàn thiện dù cao tốc Cam Lộ - La Sơn đã được đưa vào khai thác.

Toàn tuyến có 33 cầu trên cao tốc, 16 cầu vượt ngang, 5 nút giao liên thông (nút giao QL9, QL15D, TL9B và TL11B, QL49 và QL1 tránh TP. Huế, TL14B). Giai đoạn đầu khai thác, tuyến đường có 2 làn xe với mặt cắt ngang rộng 12 m, bề rộng nền 23 m, các đoạn vượt xe có quy mô 4 làn xe. Giai đoạn hoàn chỉnh, tuyến sẽ có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 23 m.

Ghi nhận trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn từ địa phận xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị đến điểm cuối kết nối dự án La Sơn - Túy Loan (thuộc địa phận xã Lộc Sơn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế), mặt đường 2 làn xe đến các điểm vượt 4 làn xe đã được thi công trải thảm nhựa hoàn thành. Trên toàn tuyến có nhiều khúc cua, các đoạn dốc lên xuống liên tiếp; biển báo tốc độ cho phép từ 60-80 km/h song song là các biển cảnh báo cấm vượt, khoảng 10 km sẽ có một điểm cho phép các phương tiện được phép vượt với kết cấu 4 làn đường, ở giữa là dải phân cách với chiều dài 1km.

Tuy nhiên, kết cấu hạ tầng trên toàn tuyến Cao tốc Cam Lộ - La Sơn còn nhiều điểm chưa được thi công hoàn thiện như hàng rào lưới B40 hai bên tuyến cao tốc chưa đầy đủ, nhiều chỗ còn giăng lưới thép gai tạm bợ. Các tuyến đường nối dân sinh, đường gom, hầm chui vẫn còn đang thi công dang dở nên nhiều phương chuyên dụng vẫn đậu bên lề đường.

Các phương tiện cơ giới lưu thông trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn với những kết cấu chưa hoàn thiện tiềm ẩn những nguy cơ TNGT.

Mặt khác, hai bên đường tuyến cao tốc Cam Lộ- La Sơn nhiều đoạn hành lang vẫn chưa được nhà thầu thi công hoàn thành theo thiết kế. Nhiều đoạn ta-luy hai bên sườn đồi núi mà tuyến cao tốc chạy qua vẫn đang trong quá trình hoàn thiện.

“Tiềm ẩn” nhiều nguy cơ TNGT

Với một kết cấu hạ tầng trên toàn tuyến Cao tốc Cam Lộ- La Sơn chưa được hoàn thiện đồng bộ, nhiều điểm các nhà thầu vẫn đang thi công, trong khi lượng phương tiện tham gia giao thông trên tuyến cao tốc ngày càng tăng... khiến nguy cơ gây mất an toàn trên toàn tuyến ngày càng hiện hữu.

Hệ thống đèn chiếu sáng cũng như hệ thống camera giám sát giao thông chưa đưa vào vận hành cũng làm gia tăng nguy cơ tai nạn giao thông khi các phương tiện lưu thông vào ban đêm.

Các tuyến đường nối, đường gom vẫn còn đang thi công dang dở trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

Với tình trạng nêu trên sẽ tiềm ẩn những nguy cơ tai nạn giao thông giữa các phương tiện khi hệ thống giám sát chưa thể bao phủ hết toàn tuyến, các phương tiện tham gia giao thông trên tuyến cao tốc có thể sẽ không tuân thủ luật GTĐB. Hành lang lưới bảo vệ hai bên đường cao tốc chưa hoàn thiện ở nhiều đoạn, cũng là nguy cơ khi người dân và các đàn gia súc đi vào đường cao tốc, dẫn đến tai nạn giao thông. Ngoài ra, nguy cơ sạt lở có thể cũng gây mất an toàn, khi các mái ta-luy hai bên tuyến đường cao tốc chưa hoàn thiện, lượng đất đá tràn xuống lòng lề đường có thể xảy đến bất cứ lúc nào khi miền Trung bước vào mùa mưa lũ...

Anh Nguyễn Văn An, tài xế xe tải thường xuyên di chuyển trên tuyến cao tốc cho hay, “với hệ thống đường cùng các kết cấu hạ tầng chưa được hoàn thiện, khi tham gia chạy trên tuyến đường này cánh tài xế chúng tôi luôn căng mắt qua sát phía trước cũng như hai bên tuyến đường bởi bất cứ lúc nào cũng có thể xuất hiện tình huống bất ngờ, gây ra tai nạn giao thông đáng tiếc. Biết là nguy hiểm nhưng tuyến cao tốc cho phép các phương tiện lưu thông với tốc độ cao, đã rút ngắn thời gian lái xe vận chuyển hành khách hàng hóa nên cũng phải tham gia”.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Phát triển, đại diện Ban QLDA đường Hồ Chí Minh (chủ đầu tư) cho biết, hiện các kết cấu hạ tầng toàn tuyến cao tốc đã hoàn thiện cơ bản như trong thiết kế. Các hạng mục phụ như đường gom, đường dân sinh, hầm chui đã cơ bản thi công hoàn thiện; tuy nhiên, tại km69 của truyến cao tốc hiện đang tiến hành thi công song song với việc vận hành bởi đoạn này do vướng các thủ tục giải phóng mặt bằng nên chậm tiến độ. Ngoài ra, hệ thống đèn chiếu sáng toàn tuyến do nằm trong thiết kế quy hoạch đồng nhất khi hoàn thiện toàn bộ tuyến cao tốc nên chưa thi công, sẽ thi công khi hoàn thành toàn bộ tuyến cao tốc như trong thiết kế ban đầu...

Được biết, Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 29/TB-VPCP ngày 15/2/2023 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong chuyến công tác kiểm tra và làm việc về tình hình triển khai các công trình, dự án trọng điểm ngành giao thông.

Theo Thủ tướng, quy hoạch đường cao tốc phải có tầm nhìn dài hạn, tổng thể (tiêu chuẩn hoàn thiện tối thiểu 4 làn xe, đủ làn dừng khẩn cấp, vận tốc thiết kế 80 - 100 km/h; tuyến thẳng nhất có thể, hạn chế tối đa đi qua khu dân cư, quân sự; tinh thần là qua sông bắc cầu, qua núi, qua đồi thì làm hầm, qua đồng bằng thì đắp đất, đổ cát) và có kế hoạch đầu tư hoàn thiện đúng tiêu chuẩn cao tốc, không đầu tư đường cao tốc quy mô hạn chế 2 làn xe gây lãng phí nguồn lực và thời gian nâng cấp, mở rộng.