Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư hai ‘siêu dự án’ đường vành đai đường vành đai hơn 161.000 tỷ đồng

Mới đây, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội và dự án đường vành đai 3 TP Hồ Chí Minh.

Cụ thể, với dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội, dự án dài khoảng 112,8 km. Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 1.341 ha. Tổng mức đầu tư của dự án là 85.813 tỷ đồng. Trong đó, nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 – 2025 là 41.860 tỷ đồng; nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2026 – 2030 là 14.506 tỷ đồng; vốn do nhà đầu tư thu xếp là 29.447 tỷ đồng.

Tiến độ thực hiện chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.

Trong khi đó, dự án đường vành đai 3 TP Hồ Chí Minh dài khoảng 76,34km chia thành 8 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công.

Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 642,7ha. Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 75.378 tỷ đồng. Việc chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026.

Doanh nghiệp bảo hiểm không được đầu tư kinh doanh bất động sản

Sáng ngày 16/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) với 469 đại biểu (bằng 94,18% tổng số đại biểu) tán thành. Luật này có 157 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023.

Một trong những điểm mới đáng chú ý là luật quy định rõ, doanh nghiệp bảo hiểm không được đầu tư kinh doanh bất động sản, trừ các trường hợp mua cổ phiếu của doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán, chứng chỉ của Quỹ đại chúng.

Chia sẻ về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhấn mạnh: “Quốc hội thông qua Luật kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) là góp phần làm lành mạnh hoá thêm cho các vấn của công ty bảo hiểm. Từ luật này, các công ty bảo hiểm buộc phải tập trung vào vào ngành nghề của họ không lấn sân sang lĩnh vực mà họ không có chuyên môn như bất động sản”.

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho biết, dòng tiền của các công ty bảo hiểm quản lý là tiền của người dân, tức là thu tiền ngắn hạn để chi trả. Tính an toàn của dòng tiền này rất quan trọng, bởi vì giữ tiền của người dân phải chi trả lại cho người dân chứ không phải mang đi kinh doanh. Bảo hiểm là dịch vụ trung gian nên tính an toàn và tính thanh khoản là vô cùng quan trọng.

“Các công ty bảo hiểm tham gia vào đầu tư trực tiếp vào bất động sản là rất nguy hiểm với những phân tích như tôi đã nói ở trên” – ông Đinh Thế Hiển nói.

‘Sốt đất’ tại Hòa Lạc quay trở lại

Trong quá trình phát triển hạ tầng 10 năm qua, đô thị vệ tinh Hòa Lạc không ngừng thay đổi diện mạo.

Hai dự án trọng điểm là Khu công nghệ cao và Khu Đại học Quốc gia Hà Nội được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Nhất là trong 2 năm qua các “ông lớn” BĐS bắt đầu đổ mạnh vốn vào khu công nghệ cao xây dựng các nhà máy.

Thời điểm hiện tại, sau khi có thông tin về việc Đại học Quốc gia sẽ chuyển trụ sở về Hòa Lạc giá đất quanh khu vực này lại ‘nổi sóng’.

Theo khảo sát, giá đất các xã xung quanh như Hoà Thạch, Tiến Xuân, Bình Yên chỉ loanh quanh khoảng trên dưới 15 triệu đồng/m2 và đang có xu hướng giảm do vắng khách. Thì những lô đất quanh Đại học Quốc gia Hà Nội lại “nóng”.

Đơn cử, lô đất tái định cư Đại học Quốc Gia, diện tích 100m2, thổ cư 100%, lòng đường 8m, vỉa hè 4m, cách quốc lộ 21 và chợ Hòa Lạc 300m chào bán 35 triệu đồng/m2.

Bất động sản Hòa Lạc đã trải qua nhiều đợt ‘sốt nóng’ nhờ các thông tin về quy hoạch.

Một lô đất khác có diện tích 100m2, nằm ở vị trí xấu hơn, có mặt tiền 5m, đấu lưng đường đôi khu tái định cư Đại học Quốc gia Hà Nội chào bán 31,5 triệu đồng/m2.

Một môi giới tại khu vực này cho biết, hiện nay giá đất xung quanh Đại học Quốc gia Hà Nội trụ sở Hòa Lạc giá bán khá cao. Năm 2021, giá bán chỉ loanh quanh khoảng hơn 20 triệu đồng/m2 thì nay đã lên đến 30 – 35 triệu đồng/m2. Thậm chí, có những lô đất đã chạm 40 triệu đồng/m2.

“Nếu như lô 100m2 khoảng 3,5 – 3,7 tỷ đồng thì những lô nhỏ 70m2 chỉ khoảng 2,8 tỷ đồng. Những lô nhỏ có mức giá cao hơn bởi tính thanh khoản khá tốt. Tới đây, khi sinh viên về đây học tập, giá đất có thể tăng thêm nữa, do vậy, cơ hội đầu tư vẫn còn nhiều”, môi giới này nhận định.

Doanh nghiệp BĐS phát hành gần 7.000 tỷ đồng trái phiếu trong tháng 5

Mới đây, Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) đã công bố báo cáo thị trường trái phiếu tháng 5 cho thấy các doanh nghiệp bất động sản đã phát hành trái phiếu trở lại sau một tháng vắng bóng trên thị trường.

Theo đó, tính đến hết 31/5, các doanh nghiệp chỉ có 1 đợt phát hành ra công chúng trong khi có tới 34 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ với tổng giá trị phát hành 24.105 tỷ đồng. Nhóm bất động sản xếp ở vị trí thứ hai về khối lượng phát hành với 37.395 tỷ đồng trái phiếu, tương đương 32.85% tổng giá trị phát hành. Đứng đầu là nhóm ngân hàng với tổng giá trị 42,382 tỷ đồng, tương đương 37.4% tổng giá trị phát hành.

Trong danh sách phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 5 phải kể đến CTCP Đầu Tư và Phát Triển Eagle Side (3,930 tỷ đồng), Công ty Cố phần Long Thành Riverside (105 tỷ đồng), Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (300 tỷ đồng).

Loạn tình trạng phân lô, bán nền ở huyện Cam Lâm (Khánh Hòa)

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa qua đã có kết luận kiểm tra liên quan đến tình trạng phân lô, bán nền tại huyện Cam Lâm.

Cụ thể, sau khi báo chí phản ánh về tình trạng hiến đất làm đường, phân lô bán nền tại huyện Cam Lâm, UBND tỉnh Khánh Hòa đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành.

Đoàn đã tiến hành kiểm tra, rà soát quá trình thi hành, chấp hành pháp luật tại khu đất ở thị trấn Cam Đức và khu đất ở xã Cam Hải Tây của bà Trần Thị Phương Hà; khu đất tại xã Cam Hải Tây của ông Lương Công Dân và Vũ Đình Chinh.

Theo Đoàn kiểm tra liên ngành, hiện các lô đất này đều là đất trống, đã được san ủi mặt bằng, đầu tư hạ tầng về giao thông, cấp điện, thoát nước.

Đoàn kiểm tra cho rằng việc chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất ở đã thiếu văn bản thẩm định nhu cầu sử dụng đất. Việc này, dẫn đến một số khu vực được chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở có quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng không thống nhất.

Đoàn kiểm tra cũng nhận thấy mục đích việc “hiến đất” nhằm phục vụ nhu cầu lợi ích của cá nhân để thực hiện phân lô, bán nền; không phải là việc cho quyền sử dụng đất nhà nước thực hiện các công trình công cộng theo quy định pháp luật.

Đồng thời, việc hiến đất làm đường cũng không phù hợp với quy định về trường hợp người sử dụng đất tự nguyện trả lại đất do không còn nhu cầu sử dụng theo Luật Đất đai. Việc xây dựng đường giao thông, hệ thống thoát nước, dựng các trụ điện trên phần diện tích hiến tặng cho nhà nước cũng không phù hợp với Luật Đầu tư.

Đoàn kiểm tra nhận định, hiện các sàn giao dịch bất động sản được phép hoạt động trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa không thực hiện đầu tư phân lô bán nền tại các khu vực nêu trên.

Đây là hoạt động do các sàn giao dịch bất động sản New City, Cường Thịnh Land, Hưng Vượng Land… thực hiện môi giới, quảng cáo. Đồng thời, đặt tên cho các khu đất phân lô nêu trên thành dự án “khu dân cư”, “khu đô thị” mà chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư.

Đề xuất đầu tư xây cảng biển 35.000 tỷ đồng ở Nam Định

UBND tỉnh Nam Định đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT xem xét cập nhật, bổ sung bến cảng biển chuyên dùng Xuân Thiện Nam Định vào Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển số 1 giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch chi tiết các nhóm cảng biển và quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Nam Định thời kỳ 2021 – 2030.

Được biết, đề xuất của Nam Định được đưa ra trên cơ sở đề nghị của Công ty cổ phần Xuân Thiện Nam Định về việc bổ sung các bến cảng chuyên dùng Xuân Thiện Nam Định tại huyện Nghĩa Hưng vào hệ thống nhóm cảng biển số 1 và của Sở GTVT Nam Định về việc bổ sung bến cảng chuyên dùng.

Trước đó, UBND tỉnh Nam Định cũng nhận được Văn bản số 5828 của Bộ GTVT về việc tham gia ý kiến về đề nghị bổ sung bến cảng chuyên dùng Xuân Thiện vào Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển phía Bắc.

Theo đề xuất, quy hoạch cảng biển Xuân Thiện sẽ gồm 19 bến cảng giai đoạn mở đầu (đến năm 2030).

Theo văn bản, năm 2030, bến cảng sẽ đáp ứng lượng hàng thông qua từ 42,6 đến 48,1 triệu tấn. Kết cấu bến cảng thiết kế tiếp nhận cỡ tàu có trọng tải đến 300.000 DWT, quy mô luồng cho tàu 100.000 DWT (cỡ tàu đến 200.000 DWT, lớn hơn giảm tải và lợi dụng mực nước để hành hải).

Địa điểm xây dựng cảng là tại khu vực bờ biển huyện Nghĩa Hưng, có vị trí không gian từ cửa Lạch Giang đến cửa Đáy.

Diện tích sử dụng đất, mặt nước giai đoạn hoàn thiện dự kiến khoảng 2.303 ha. Trong đó, diện tích đất cảng giai đoạn mở đầu (đến năm 2030 phục vụ các nhà máy thép có công suất 9,5 triệu tấn thành phẩm/năm) khoảng 400 ha.

Đề xuất đầu tư gần 10.000 tỷ đồng xây dựng cao tốc Cần Thơ – Hậu Giang

Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết vừa có tờ trình đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần đoạn Cần Thơ – Hậu Giang thuộc dự án Đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025.

Theo đề xuất này, dự án thành phần cao tốc Cần Thơ – Hậu Giang bao gồm tuyến chính và đoạn nối với đường Nam Sông Hậu; đoạn nối Quốc lộ 1. Tuyến chính cao tốc có điểm đầu giao với tuyến nối Quốc lộ 91 – Quốc lộ 1 (đường vành đai phía Tây thành phố Cần Thơ), thuộc quận Cái Răng, thành phố Thơ; điểm cuối giao với Quốc lộ 61B, là điểm đầu dự án thành phần đoạn Hậu Giang – Cà Mau thuộc huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang.

Chiều dài tuyến cao tốc khoảng 37,65 km (đoạn đi qua thành phố Cần Thơ dài 0,6 km; đoạn qua Hậu Giang dài 37,05 km). Tuyến nối có chiều dài khoảng 9,6 km, gồm hai đoạn: đoạn từ đường Nam Sông Hậu đến nút giao IC2 khoảng 2,8 km và đoạn từ nút giao IC2 đến Quốc lộ 1 khoảng 6,8 km.

Tuyến chính cao tốc có mặt cắt ngang giai đoạn hoàn thiện đạt tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe, chiều rộng nền đường 24,75 m; giai đoạn 1 phân kỳ đầu tư quy mô 4 làn xe cao tốc hạn chế nền đường rộng 17 m, vận tốc thiết kế 80 km/h. Các công trình cầu được xây dựng vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực; tải trọng thiết kế HL-93, bề rộng cầu phù hợp với bề rộng đường theo từng giai đoạn.

Tuyến nối được đầu tư đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng với chiều rộng nền đường 12m, phù hợp với định hướng mở rộng theo quy hoạch của địa phương.

XUÂN THU