ISSN-2815-5823
Thứ bảy, 00h21 09/04/2022

Tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng: Cội nguồn sức mạnh để dân tộc vượt qua mọi khó khăn, thử thách

(KDPT) – “Trải qua biết bao thăng trầm trong lịch sử dân tộc hàng nghìn năm, Tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng vẫn được bền bỉ trao truyền, vun đắp qua bao thế hệ, như một điểm tựa tâm linh vững chắc, cố kết tinh thần dân tộc Việt, là nguồn gốc tạo nên sức mạnh để dân tộc ta luôn đoàn kết vượt qua mọi khó khăn, thử thách, độc lập, trường tồn với “sông núi Nước Nam, Vua Nam ở” và gìn giữ thái bình, không ngừng mở mang, hợp tác phát triển” – Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Lễ khánh thành Đền thờ Vua Hùng đặt tại thành phố Cần Thơ diễn ra vào tối 6/4 vừa qua.

Con Lạc cháu Hồng trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng năm 2019.

Dù ai đi ngược về xuôi…

Đúng như khẳng định của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được khẳng định là biểu tượng của sự đoàn kết dân tộc, là điểm hội tụ tâm linh của người Việt. Bởi thế, câu ca “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba/ Khắp miền truyền mãi câu ca/ Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”” đã như lời hiệu triệu toàn thể dân tộc, dù ở bất cứ phương trời nào, luôn nhớ về cội nguồn, khắc ghi công ơn cha ông đã dựng, giữ và xây đất nước trường tồn. Những giá trị của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đang được cộng đồng người Việt gìn giữ, bảo vệ, trao truyền và phát huy trong đời sống đương đại.

Để tôn vinh thời kỳ khai thiên lập quốc và tỏ lòng biết ơn công lao của các vị anh hùng có công dựng nước, từ thời phong kiến, các vị vua đã cho lập đền thờ vua Hùng. Các triều đại phong kiến từ thời nhà Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần rồi đến nhà Hậu Lê đều tổ chức cúng lễ để tưởng nhớ đấng Thánh Tổ nước Nam xưa.

Kế tục truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của ông cha, ngay sau cách mạng thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 22/SL-CTN ngày 18.2.1946 cho công chức nghỉ ngày 10/3 âm lịch hàng năm để tham gia tổ chức các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương-hướng về cội nguồn dân tộc. Và bản thân Bác đã 2 lần về thăm Đền Hùng (19/9/1954 và 19/8/1962). Tại đây Bác đã có câu nói bất hủ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước – Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Bác còn nhắc: “Phải chú ý bảo vệ, trồng thêm hoa, thêm cây cối để Đền Hùng ngày càng trang nghiêm và đẹp đẽ, thành công viên lịch sử cho con cháu sau này đến tham quan”.

Và từ năm 1995, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã được Ban Bí thư Trung ương Đảng ghi trong thông báo là ngày lễ lớn trong năm. Tiếp theo, Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết (năm 1999), Nghị định (năm 2001, năm 2004) về việc tổ chức các ngày lễ lớn trong năm, trong đó có ngày Giỗ Tổ Hùng Vương như Quốc lễ vào ngày mồng 10.3 âm lịch. Ngày 2.4.2007, Quốc hội đã phê chuẩn sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Luật Lao động cho người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. Từ năm 2009, giỗ Tổ Hùng Vương-Lễ hội Đền Hùng được tổ chức do UBND tỉnh Phú Thọ chủ trì và có sự tham gia tổ chức của 3 đến 5 tỉnh, thành phố đại diện 3 miền Bắc-Trung-Nam trong cả nước. Từ năm 2013, vào các năm tròn, lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức ở quy mô cấp quốc gia.

Hàng năm, cứ vào ngày này, người dân khắp nơi lại trở về Đền Hùng dự lễ, thắp nén hương thơm, tưởng nhớ công đức các Vua Hùng, các bậc tiền nhân đã có công dựng nước, mở mang bờ cõi, đánh đuổi giặc ngoại xâm, gìn giữ non sông gấm vóc. Đây không chỉ thể hiện niềm tự hào, tự tôn dân tộc của mỗi người Việt Nam mà còn trở thành niềm kiêu hãnh đối với các dân tộc đã, đang đấu tranh vì hòa bình, độc lập, tự do và nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới; bạn bè khắp năm châu cảm phục dân tộc Việt Nam anh hùng.

Du khách hành hương về Đền Hùng thắp hương bái Tổ ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch.

Theo đánh giá của các chuyên gia UNESCO, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” đã đáp ứng được tiêu chí quan trọng nhất trong 5 tiêu chí, đó là, di sản có giá trị nổi bật mang tính toàn cầu, khích lệ ý thức chung của mọi dân tộc trong việc thúc đẩy giá trị đó. Vì vậy, ngày 6/12/2012, UNESCO đã công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ”, biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết, truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Những đào Xoan nhí của thành phố Việt Trì biểu diễn hát Xoan, góp phần gìn giữ và lan tỏa Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại trong cộng đồng.

Nhân lên giá trị đạo đức truyền thống
Hàng nghìn đời nay, truyền thống thờ Tổ tiên bắt nguồn từ việc biết ơn đối với cha mẹ, ông bà nên trong mỗi gia đình đều có bàn thờ gia tiên, đến thờ Tổ của dòng họ, thờ thành hoàng làng ở từng làng xã, đến cấp độ cao hơn là thờ chung một ông Tổ – Vua Hùng.

Về với Đền Hùng, mỗi người Việt Nam còn hiểu sâu sắc hơn về ý nghĩa của hai chữ “đồng bào”. Từ đó có sức mạnh của ý chí cộng đồng, của tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Suy rộng ra, sự gắn kết cộng đồng xuất phát từ nguồn cội, do đó, là người Việt Nam dù ở đâu, trong Nam, ngoài Bắc, miền ngược hay miền xuôi, người kinh hay người dân tộc thiểu số đều là con một nhà trong đại gia đình dân tộc Việt Nam. Như vậy, có thể thấy giá trị của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương chính là sức mạnh của tinh thần cố kết cộng đồng, truyền thống đoàn kết dân tộc.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương không có biên giới riêng mà là biên giới cộng đồng. Đó là điều căn bản triết lý để hình thành một quốc gia thống nhất. Ở đó tất cả mọi người đều có chung một vị Thánh Tổ – Vua Hùng. Trong tâm thức nguồn cội của người Việt – Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương – Giỗ Tổ Hùng Vương là điểm đồng quy về ý thức cộng đồng – quốc gia – dân tộc, đã kết tinh thành dòng chảy bất tận trong đời sống văn hóa tâm linh của dân tộc Việt Nam.

Giỗ Tổ Hùng Vương – lễ hội Đền Hùng là nơi hội tụ tinh hoa và tỏa sáng tinh hoa văn hóa dân tộc, là biểu tượng cao đẹp về giá trị văn hóa tinh thần, thể hiện đầy đủ trí tuệ, đạo lý, cốt cách, bản lĩnh, tâm hồn cao đẹp của nhân dân, tăng cường, củng cố khối đại đoàn kết cộng đồng hướng về nguồn cội, tổ tiên. Trong quá trình hình thành và phát triển, lễ hội Đền Hùng đã có những biến đổi sâu sắc phù hợp từng thời điểm lịch sử. Mặc dù có những biến đổi cùng với sự phát triển, trưởng thành của đất nước gắn liền với sự trường tồn của dân tộc qua mọi thời đại, nhưng lễ hội Đền Hùng mãi mãi là một biểu tượng văn hóa có giá trị cao đẹp của dân tộc Việt Nam.

Điều đó đã được thể hiện qua Chúc văn Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội đền Hùng 2010 mà cố GS – Anh hùng Lao động Vũ Khiêu đã đúc kết:

Rực muôn đời Hồng Lạc tinh hoa
Cao muôn trượng Hùng Vương khí thế!

Trong thời đại ngày nay, đất nước ta đang trên đà hội nhập sâu rộng và phát triển mạnh mẽ, thời cơ thuận lợi có nhiều, nhưng khó khăn, thách thức không hề nhỏ. Để đưa đất nước đi lên sánh vai với các cường quốc năm châu, chúng ta cần có sự đồng tâm hiệp lực của đồng bào cả nước, kể cả những người con đất Việt đang sinh sống ở nước ngoài. Nếu biết phát huy sức mạnh cội nguồn – sức mạnh của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, chúng ta sẽ tập hợp được sự đoàn kết đối với tất cả người dân đất Việt, cùng chung sức, chung lòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đó cũng chính là thực hiện được lời dặn dò của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với đồng bào cả nước:

“Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết !

Thành công, thành công, đại thành công !”.

KHÁNH DUY

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 18/05/2024