Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên khác với mọi năm, mặc dù gần Tết nhưng nhu cầu mua sắm tại các phố vẫn rất đìu hiu, vắng vẻ. Để kích cầu tiêu dùng, nhiều cửa hàng, siêu thị, doanh nghiệp đã tung ra các chiêu trò như giảm giá, khuyến mại để tăng cường người mua. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, ngoài các chương trình khuyến mại có bảo hộ của cơ quan chức năng thì người tiêu dùng cũng nên cảnh giác bởi nhiều đơn vị, cửa hàng đưa ra khuyến mại “ảo”.

Hiện tại, ngoài các chương trình khuyến mại có bảo hộ của cơ quan chức năng như Tháng khuyến mại tập trung, Tháng khuyến mại Hà Nội,… thì tại các mặt đường phố lớn, nhiều cửa hàng bán lẻ hay bán hàng trên vỉa hè có băng rôn giảm giá 50%, ghi giá sau giảm nhưng so với giá trên thị trường vẫn tương đương, mà người mua khó mà kiểm soát chất lượng sản phẩm.

Còn trên các trang thương mại điện tử (TMĐT), tình hình cũng tương tự. Khảo sát qua các sàn TMĐT, hiện nay, trung bình một tháng vào các “ngày đôi” như 9/9, 10/10, 11/11, 12/12…, các sàn TMĐT lại tung ra vài đợt khuyến mại lớn với với hàng nghìn, triệu voucher giảm giá “rẻ vô địch”, các chương trình “sale sập sàn”, “sale up to 90%”… Thêm vào đó, mỗi tuần, mỗi ngày các sàn TMĐT đều tràn ngập những chương trình giảm giá 20%, giảm 50%, các chương trình Flash Sale, Freeship (miễn phí vận chuyển), sản phẩm đồng giá 1.000 đồng, cùng nhiều ưu đãi hấp dẫn từ các gian hàng… nhằm thu hút người tiêu dùng có tâm lý săn sale (khuyến mại).

Mặc dù chương trình sale ngập tràn, nhưng không ít sản phẩm lại gặp vấn đề “độn giá”. Nhìn thì có vẻ giảm nhiều, nhưng tham khảo ở trang web khác thì giá sau khi sale lại bằng hoặc xấp xỉ giá thị trường của sản phẩm.

Đôi khi, các sản phẩm được giảm giá nhiều lại là những mặt hàng có giá trị nhỏ, nên dù được giảm đến 40-50% thì cũng không đáng kể. Còn những mặt hàng giá trị lớn thì hầu như giảm rất ít hoặc không giảm. Thậm chí, nhiều người hào hứng tìm đến siêu thị mong được hưởng giá sốc tới 50% không khỏi chưng hửng, bởi sản phẩm đó chỉ là chai dấm gạo, nước tương, xì dầu, hay lọ muối ớt…Trong khi đó, các mặt hàng giá trị cao, của thương hiệu lớn lại có xu hướng “bình chân như vại” trước cơn lốc giảm giá trong tháng khuyến mại. Điều này sẽ khiến nhiều tín đồ săn sale thất vọng, nếu không đủ “bản lĩnh” sẽ mua kèm theo nhiều sản phẩm giá đắt để hưởng những khuyến mại đi kèm với các sản phẩm trị giá nhỏ.

Sở Công Thương Hà Nội cho biết, đã có không ít cửa hàng, cơ sở kinh doanh tự ý thực hiện khuyến mại, không thông qua cơ quan chức năng và sử dụng các chiêu trò để “móc túi” khách hàng, như: Lợi dụng chương trình khuyến mại để đưa hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng gần hết hạn sử dụng vào tiêu thụ; tự ý nâng giá sản phẩm lên cao rồi thực hiện giảm giá nhằm đánh lừa tâm lý người tiêu dùng. Một số cửa hàng kinh doanh còn lợi dụng tâm lý muốn mua hàng giá rẻ của người dân để trà trộn sản phẩm cũ, hàng đã sản xuất từ nhiều năm, thậm chí là hàng đã qua sử dụng vào bán cùng với hàng mới…

Theo Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng, để ngăn chặn hiện tượng này đòi hỏi lực lượng quản lý thị trường, các Sở Công Thương địa phương thường xuyên kiểm tra các doanh nghiệp, cửa hàng tổ chức chương trình khuyến mại. Trong đó tập trung vào việc kiểm tra doanh nghiệp có đăng ký chương trình khuyến mại, giảm giá với cơ quan quản lý hay chưa. Lực lượng quản lý thị trường kiểm soát xuất xứ hàng hóa khuyến mại, qua đó để đảm bảo không để xảy ra tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ xuất xứ lợi dụng chương trình khuyến mại để tiêu thụ.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, để hoạt động khuyến mại đi vào nền nếp, Sở sẽ tăng cường công tác theo dõi, giám sát hoạt động khuyến mại trên địa bàn; tích cực hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ, thông báo đăng ký thực hiện khuyến mại của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh; thực hiện đăng tải đầy đủ thông tin về thời gian, hình thức khuyến mại, sản phẩm khuyến mại và số lượng sản phẩm cũng như những cam kết về chương trình khuyến mại của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên trang thông tin của sở để người tiêu dùng nắm được.

Đồng thời, chỉ đạo lực lượng thanh tra tích cực phối hợp với Cục Quản lý thị trường, UBND các huyện, Thành phố để tổ chức kiểm tra, kiểm soát về chất lượng, nhãn mác, xuất xứ hàng hóa và việc thực hiện các quy định của pháp luật khi các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện các chương trình khuyến mại…

Về phía khách hàng, hãy là những nhà tiêu dùng thông thái, hết sức cẩn trọng, tỉnh táo trước các chương trình khuyến mại. Khi chọn mua hoặc được tặng bất kỳ sản phẩm khuyến mại nào, cần tìm hiểu các thông tin về nguồn gốc, nhãn mác, thương hiệu, có hạn sử dụng và nhất là nên mua hàng ở những cửa hàng, đại lý có uy tín, sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ, có thương hiệu rõ ràng

ANH ĐỨC