Tôi đã xem nhiều đoạn clip, những hình ảnh hoạt động của đoàn công tác, của các chiến sỹ và quân dân trên đảo… Và hơn thế nữa, tôi còn đọc rất nhiều tâm sự của những thành viên trong đoàn công tác trên trang Facebook cá nhân của mình, những người con đất Việt xa quê hương, khi đứng trước biến vẫn đau đáu những ký ức khó quên về Trường Sa. Tôi còn đọc những dòng tâm sự đầy triết lý và da diết của Thày Thích Thiện Viên, nhà sư đã trở về từ Trường Sa thân yêu… khiến cho những ký ức của những ngày làm báo khi đó lại ùa về trong tôi.

Tác giả trong lần tác nghiệp ở Trường Sa.

“Trường Sa. Đi mới biết thế nào là đảo nổi, đảo chìm; biết bình minh và hoàng hôn trên biển; biết thế nào là sự mênh mông không bờ không bến giữa biển khơi. Mỗi lần ra khơi, tàu kéo còi chào đất liền, được nghe câu chúc “Hải lộ bình an”, người trên tàu người trên bờ ôm nhau, vẫy tay lưu luyến mãi. Qua cụm đảo Cô Lin – Gạc Ma – Len Đao, lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh giữ gìn biển đảo quê hương thật xúc động, thiêng liêng”.

“Nhớ lần đầu tiên con có duyên được gặp Thầy ở Trường Sa, được Thầy cho chữ và được Thầy tiễn ra tàu, đêm hôm đó hình ảnh Thầy Thích Thiện Viên và quân dân Trường Sa tiễn đoàn thật lưu luyến, rất cảm động, … và khi nhắc đến con vẫn xúc động trào dâng và lâng lâng Thầy ạ”.

“Còn mấy ngày nữa là đủ một năm cùng Đoàn Công tác số 10 ra Trường sa. Hôm nay ngồi trên tầu from Piraeus to Sotorini, lại nhớ về Trường sa, mở nghe lại bài Bâng khuâng Trường Sa, mọi người ngồi quanh ngoái nhìn lạ lùng kỳ thị, chỉ một mình hiểu thôi, phải vội cắm tai nghe… Chim Hải âu, cá Chuồn, sóng cuộn trắng phía sau tầu là vẫn thế…nhớ Trường Sa cùng đồng đội đoàn công tác số 10”.

“Nhớ đảo xa. Đã 5 năm trôi qua, thời gian vô tình lướt ngang, mỗi lần xuân về lại nhớ da diết nơi ấy , nơi đó mùa xuân không có hoa đào hoa mai, chỉ có gió & tiếng sóng vỗ. Có tình con người một lòng nặng núi sông. Có người nói: Có khi một đời không bao giờ được đặt chân đến nơi đó, hay đến một lần mãi mãi không có cơ hội đến lần 2. Tất cả những lời nói đó đều đúng. Khi con tàu dời bến về lại đất liền, tất cả chỉ còn là kỷ niệm khó quên…”

Hải trình của chúng tôi 9 ngày đêm, vượt hơn 1000 hải lý được mỗi thành viên trong đoàn công tác gọi đây là hành trình đặc biệt, hành trình không thể nào quên. Điều đặc biệt ấy xuất phát từ sự thiêng liêng trong tâm thức của mỗi người con đất Việt, bởi chúng tôi xuất phát đúng ngày 10/3 – giỗ tổ Hùng Vương; Tham gia lễ kỷ niệm giải phóng Trường Sa và lễ kỷ niệm giải phóng hoàn toàn miền Nam 30/4 tại đảo Trường Sa lớn.

Xuất phát đúng vào lúc 7h45 sáng, lênh đênh trên biển một ngày rưỡi chúng tôi mới tới được điểm đảo đầu tiên. Theo sự hướng dẫn từ đất liền, do nước biển mặn lại dễ bị sóng biển bắn nước vào các thiết bị như máy ảnh, máy quay phim nên các phóng viên được trang bị các túi chống ẩm ướt rất cẩn thận, điều đáng nói nhất đó là phóng viên và các thiết bị phục vụ quay phim, chụp ảnh được ưu tiên lên cả nô từ thuyền đậu cách đảo từ 3-5 hải lý được vào trước, sau đó là các lãnh đạo thủ trưởng đơn vị, rồi mới đến thành viên trong đoàn.

Đoàn công tác và cán bộ, nhân dân trên cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa.

Nhiều người hỏi tôi, dấu ấn sâu sắc nhất trong chuyến đi tác nghiệp ở Trường Sa là gì? Câu trả lời là tất cả và rất sâu sắc đến tận giờ vẫn chưa nguôi.

Chỉ ra tới đây, mới cảm nhận đầy đủ sắc màu của biển. Xanh lục, xanh lam, xanh ngọc bích hay xanh cửu long… còn phụ thuộc vào ánh sáng của mặt trời rọi xuống thời gian nào và vùng biển đó nông hay sâu, đó là rạn san hô hay là hồ nằm trong đảo chìm. Chỉ ra tới Trường Sa, ta mới cảm nhận rõ sự thú vị về mặt địa lý cũng như hình dáng, tên gọi của của các đảo nhỏ trong quần đảo. Nơi đây người ta đã đặt cho đảo những cái tên thật mỹ miều như: Tiên Nữ, Thuyền Chài, Vành Khăn, Đá Lớn, Sinh Tồn, Len Đao, gạc Ma… Không chỉ đa dạng về tên gọi, mỗi đảo còn đem lại sự thú vị về mặt địa lý mà nếu chỉ đọc trên sách truyện thì cả đời cũng không hình dung nổi. Tiên Nữ là nơi đón ánh bình minh sớm nhất của Việt Nam. Đảo An Bang quanh năm sóng dữ, những luồng cát được xoay đủ một vòng quanh đảo theo mùa gió trong một năm nên người ta còn gọi là đảo đồng hồ…

Đứng trước biển trời bao la mới thấy mình quá bé nhỏ. Lênh đênh giữa biển hơn một ngày trời, khi có ai đó thông báo tàu chuẩn bị nhổ neo để vào đảo, mọi người cùng hướng ra boong tàu hoặc nhìn qua cửa sổ để quan sát đảo hiện dần trong mắt ta như thế nào, từ cái chấm nhỏ ban đầu, rồi nhìn nó như bao diêm, và tới gần hơn nữa đảo to dần. Với những đảo nổi thì diện tích và không gian rộng lớn, xanh tươi bởi những cây bàng vuông, cây phong ba, thậm chí có cả dừa mọc xanh ngát… nhưng với đảo chìm hay rạn san hô thì nó chỉ vẻn vẹn là những khối nhà bê tông được dựng lên, chỉ rộng như nhà hội trường có từ 4-5 tầng ở đất liền, nơi nào rộng hơn thì có thêm khu nhà đa năng. Cố gắng lắm chỉ có cây bàng vuông được ươm từ những quả bàng mới có thể mọc lên giữa biển khơi mênh mông sâu thẳm, chưa kể là nơi đây rất thiếu nước, nước được chia cho mỗi chiến sỹ mỗi ngày chỉ được mấy lít để sinh hoạt.

Khi lên đảo, tôi đã lặng lẽ quan sát, cảm nhận và muốn lưu lại thật nhiều cảm xúc. Cùng với các thành viên trong đoàn, hàng ngày nhóm phóng viên chúng tôi ghi chép lại hành trình, hoạt động của các thủ trưởng đoàn công tác đi thăm, tặng quà, động viên các chiến sỹ hải quân, sau đó tỏa đi mỗi ngả mà thực hiện các ý định cho riêng mình. Có người cố chụp thật nhiều ảnh chung cùng các chiến sỹ, hấp dẫn nhất là được chụp cùng các chiến sỹ đang đứng gác tại các điểm tiền tiêu, tại cột mốc và tọa độ đánh dấu chủ quyền. Người thì chăm chú tìm kiếm xem có chiến sỹ nào là người đồng hương để rồi chụp ảnh, xin số điện thoại, thăm hỏi hoàn cảnh người thân nơi quê nhà, có gì cần động viên, giúp đỡ bố mẹ, vợ con các chiến sỹ của họ. Có những thành viên chuyên sưu tầm những kỷ vật của Trường Sa mà đơn giản chỉ là những con ốc biển, quả bàng vuông, những lá cờ đã sờn rách, bạc màu vì sương gió, muối mặn với dòng chữ ký của từng đảo với một tâm thế rất hãnh diện, tự hào. Nhiều bạn chăm chú ghi lại khoảnh khắc đẹp của những buổi giao lưu văn nghệ, những bức ảnh nghệ thuật của biển, của mây giữa đại dương khi bình minh lên, khi hoàng hôn xuống, những bức ảnh hoa phong ba, hoa bàng vuông tỏa sắc. Mỗi bức ảnh đẹp, mỗi tâm sự của các chiến sỹ đều được chúng tôi thể hiện bằng những bài viết, những bài thơ, bài hát và những tác phẩm hình ảnh nghệ thuật… để rồi cuối ngày chúng tôi biên tập thành bản tin, đọc lại cho cả đoàn cùng nghe trên chiếc loa hệ thống chung của tàu.

Các nhà báo biên tập bản tin trong những ngày tác nghiệp ở Trường Sa.

Kết lọc cả hành trình, chúng tôi đã làm một cuốn kỷ yếu để lưu lại những khoảnh khắc đáng nhớ của đoàn khi đến Trường Sa. Với riêng tôi, có lẽ dấu ấn mạnh mẽ, sâu sắc nhất trong chuyến đi và cũng có lẽ là dấu ấn trong cuộc đời là khi tàu dừng lại vùng biển đảo Gạc Ma- Cô Lin-Len Đao, nơi đoàn làm lễ tưởng niệm 64 anh hùng liệt sỹ trong cuộc chiến đấu và hy sinh anh dũng để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc. Trong giờ phút thiêng liêng, với lòng thành kính và niềm tiếc thương vô hạn, là con gái của liệt sỹ với sự đồng cảm và xúc động dâng trào, không nghĩ tới ai khác, tôi đã viết những dòng tâm sự với người cha thân yêu của mình. Bài viết này sau đó cũng là một trong những tác phẩm đạt giải cao và được ghi dấu trong cuốn Kỷ yếu: “Thân yêu Trường Sa” khi đoàn công tác số 10-2018 thăm quân, dân huyện đảo Trường Sa do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức và trao giải.

Với người cầm bút, khi có cơ hội đến Trường Sa, ngoài việc phản ảnh một cách chân thực, tự nhiên để cho những người chưa được ra đảo có cái nhìn khách quan, cảm thông, chia sẻ với cuộc sống của những chiến sỹ và người dân trên đảo; chúng tôi còn có nhiệm vụ phản ánh, kiến nghị những khó khăn, vướng mắc về điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật, về cơ chế chính sách của chiến sỹ và bà con để họ yên tâm bám đảo, giữ vững chủ quyền lãnh thổ. Chính nhờ vậy mà trong nhiều năm qua, sau mỗi chuyến đi, Nhà nước và nhân dân đã có nhiều chế độ hỗ trợ đối với biển đảo như: Đầu tư hệ thống điện gió, hệ thống pin năng lượng mặt trời, nhà văn hóa đa năng, trạm thu phát sóng truyền thanh, truyền hình; máy lọc nước ngọt, hỗ trợ ngư dân đóng tàu, cung cấp nước ngọt miễn phí, hỗ trợ bán xăng dầu bằng giá trên đất liền. Nhà nước cũng đã xây dựng các cụm kinh tế khoa học – kỹ thuật trên biển, xây dựng âu tàu đảm bảo cho ngư dân tránh trú tàu thuyền, chế biến hải sản; cung cấp giống cây, rau xanh… nhất là đối với các đảo nhỏ (đảo chìm), nằm cô lập, thời tiết khắc nghiệt. Không chỉ có vậy, tôi và các đồng nghiệp còn làm nhiệm vụ truyền tải những tư tưởng, tầm nhìn chiến lược của các lãnh đạo, thủ trưởng đơn vị đầu ngành để từ đó có chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển trong tương lai bằng những bài viết của mình trên báo.

Chuyện làm báo ở Trường Sa còn rất nhiều, kể nhiều quá sẽ bị sa đà bởi những chi tiết và sẽ làm loãng những điều tôi muốn chia sẻ cùng những đồng nghiệp nhân ngày của chúng mình. Tôi tiếp cận viết báo ở Trường Sa theo cách riêng của mình, song còn rất nhiều đồng nghiệp của tôi nữa, có những nhà báo như là một duyên nghiệp, họ đến với Trường Sa hàng năm, chắc chắn họ có nhiều trải nghiệm, nhiều điều thú vị và họ cũng đã góp sức cùng cộng đồng làm được nhiều điều lớn lao. Tôi rất mong các đồng nghiệp của tôi hãy viết tiếp những điều tôi chưa nói hết, chưa biết hết để rồi từ đó nhân lên niềm tin yêu, động lực trong mỗi người con đất Việt và cùng chung tay hành động vì Trường Sa – một phần máu thịt không thể tách rời của Tổ quốc Việt Nam.

HỒNG CHUYÊN