TP Hồ Chí Minh: 108 trên tổng số 550 cửa hàng thiếu xăng
20% cây xăng thiếu hàng
Chiều 1/11, UBND TP Hồ Chí Minh đã tổ chức phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội tháng 10, 10 tháng năm 2022 và nhiệm vụ, giải pháp tháng 11/2022. Chia sẻ thông tin về tình hình cung ứng xăng dầu trên địa bàn, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương cho biết, tính đến 12 giờ ngày 1/11, TP Hồ Chí Minh có 108/550 cửa hàng đang thiếu xăng hoặc dầu, có 4 cửa hàng đang xin tạm ngưng hoạt động để sửa chữa.
Một cây xăng ngưng phục vụ khách ở TP Hồ Chí Minh. |
Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, mỗi ngày TP Hồ Chí Minh tiêu thụ khoảng 6.800 m3 xăng dầu nhưng nguồn cung đang bị thiếu hụt. Trong đó, có nguyên nhân khách quan là Công ty TNHH thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil bị tước giấy phép kinh doanh. Đây là doanh nghiệp đầu mối lớn với mức dự trữ bình quân 100.000 m3/tháng. Ngoài ra, cơ chế điều hành xăng dầu hiện nay vẫn chưa hài hòa lợi ích giữa các bên trong chuỗi cung ứng, doanh nghiệp bán lẻ hoạt động rất khó khăn, có đơn vị thua lỗ vì chiết khấu thấp nên tạm đóng cửa.
“Hiện số lượng cửa hàng xăng dầu tạm ngưng hoạt động vì không có hàng dao động quanh mức 20% trong tổng số 550 cửa hàng trên toàn thành phố. Sau khi tổng hợp kiểm tra từ lực lượng quản lý thị trường, thành phố chưa phát hiện tình trạng cố ý găm hàng, lợi dụng chu kỳ điều chỉnh để bán tăng giá, thu lợi bất chính trên địa bàn thành phố. Khi kiểm tra các cửa hàng đang đóng cửa, các bồn chứa ở đây đều hết hàng”, ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết thêm.
Để ổn định thị trường xăng dầu trên địa bàn, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh cũng đã có ý kiến các đơn vị ban ngành liên quan phải có giải pháp cụ thể. Theo đó, làm sao để mỗi kỳ điều hành xăng dầu không gây sốc cho thị trường, ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ xăng dầu của người dân. Mới đây, TP Hồ Chí Minh cũng đã có các báo cáo và kiến nghị các bộ ngành, hy vọng sắp tới sẽ có chính sách điều chỉnh giá đồng bộ, hợp lý về xăng dầu để ổn định lại thị trường xăng dầu trên địa bàn.
Trước đó, để giải quyết tình trạng thiếu xăng dầu, TP Hồ Chí Minh đã đưa ra các giải pháp để huy động các đơn vị có lượng nhập và phân phối xăng dầu lớn gồng gánh cho các đơn vị nhỏ. Cụ thể, Petrolimex Sài Gòn đã và đang phải hoạt động 200% công suất để choàng gánh cho các đơn vị xăng dầu nhỏ lẻ bị thiếu hàng tuy nhiên đơn vị cũng chỉ cơ bản khắc phục được một số khó khăn, vẫn không đủ cung ứng, nhất là tại các huyện vùng ven và Quận 12, bởi đây là các địa bàn có hệ thống bán lẻ không theo chuỗi, kinh doanh hộ gia đình nên bị đứt gãy nguồn cung xăng dầu.
Chiều 1/11, giá các mặt hàng xăng dầu tiếp tục đồng loạt tăng phiên thứ 3 liên tiếp, sau 4 kỳ điều hành trước đó giá xăng dầu giảm. Cụ thể, giá xăng RON95 tăng thêm 410 đồng/lít, lên mức 22.750 đồng/lít. Giá xăng RON92 tăng thêm 380 đồng/lít, lên mức 21.870 đồng/lít...
Petrolimex đang giữ Qũy bình ổn 1.265 tỷ đồng
Lãnh đạo Petrolimex báo cáo với Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên về tình hình cung ứng xăng dầu trong chuyến công tác của Bộ trưởng ngày 14/10. |
Tính đến 15h00 ngày 1/11, Quỹ bình ổn giá xăng dầu của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã tăng từ mức 1.197 tỷ đồng của lần điều chỉnh giá trước đó (ngày 21/10) lên 1.265 tỷ đồng.
Sau khi trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu, giá xăng dầu các loại bán trong hệ thống cửa hàng của Petrolimex được điều chỉnh tăng với các mức cụ thể như sau:
Xăng RON 95-V từ mức 23.130 đồng/lít lên thành 23.880 đồng/lít; xăng RON95-III từ mức 22.000 đồng/lít lên thành 22.750 đồng; xăng sinh học E5RON92 từ mức 21.290 đồng/lít lên thành 21.870 đồng/lít; dầu diesel tiêu chuẩn Euro 5 từ mức 26.160 đồng/lít lên thành 27.050 đồng/lít; dầu hỏa từ mức 22.820 lên thành 23.780 đồng/lít.
Petrolimex cho biết, việc tăng giá xăng dầu lần này xuất phát từ diễn biến giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới trong chu kỳ tính giá và phù hợp với nguyên tắc xác định giá bán tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021 của Chính phủ (Nghị định 95) về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 về kinh doanh xăng dầu và các văn bản hướng dẫn thi hành Nghị định 95 của Liên Bộ Công Thương - Tài chính.
Đây là lần thứ 29 giá xăng dầu được điều hành theo Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021 của Chính phủ.
Đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ xăng dầu "thiếu thật hay giả"
Tại tại phiên thảo luận kinh tế xã hội, ngân sách năm 2022, và dự toán kế hoạch 2023, sáng 28/10, vấn đề thiếu hụt xăng dầu cục bộ được các đại biểu Quốc hội hết sức quan tâm.
Đại biểu Tạ Thị Yên (tỉnh Điện Biên) nhận xét, Việt Nam có chiến lược an ninh năng lượng quốc gia, hai nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, Bình Sơn đảm bảo tới 70-80% sản lượng tiêu thụ trong nước, chỉ phải nhập khẩu 20%. Nhưng thời gian qua đã xảy ra hiện tượng "hết xăng" tại một loạt các cây xăng ở TP HCM, Hà Nội.
"Việc xăng dầu thiếu thật hay giả cần phải nghiêm túc nghiên cứu, đánh giá để có giải pháp căn cơ, lâu dài", bà Yên đề nghị.
Đại biểu Tạ Thị Yên, tỉnh Điện Biên phát biểu tại phiên thảo luận kinh tế xã hội sáng 28/10. Ảnh: Hoàng Phong. |
Theo nữ đại biểu tỉnh Điện Biên, xăng dầu là nhiên liệu, đầu vào của nền kinh tế, một trong những trụ cột quan trọng chính của an ninh năng lượng quốc gia. Giá xăng, dầu tác động tới hầu hết ngành kinh tế và đời sống, sinh hoạt của người dân. Vì thế, giá xăng dầu ổn định, các cân đối vĩ mô sẽ ổn định, sản xuất kinh doanh phát triển, tăng trưởng kinh tế và nhà nước lại thu được thuế, phí từ nền kinh tế.
"Cách can thiệp tốt nhất của Nhà nước đối với thị trường xăng dầu là bằng chính sách tài khóa, thông qua thuế, phí và làm tốt công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan", bà nói.
nhiều đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, sự phối hợp điều hành của các bộ liên quan xăng dầu còn lúng túng khiến thị trường xảy ra nhiều bất cập.
Giải trình trước Quốc hội về vấn đề này, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên nói đồng tình với những băn khoăn của các đại biểu nêu. Nhưng ông Diên tái khẳng định, tổng nguồn cung xăng dầu không thiếu, giá hợp lý và luôn ở nhóm nước có mức giá bán lẻ thấp nhất khu vực, thế giới.
Theo ông Diên, ngoài lý do khách quan từ thị trường thế giới, chủ yếu do doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bị lỗ; tỷ giá cao, giá mua biến động liên tục... gây rủi ro.
"Doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối bị thua lỗ, không tự cứu được mình thì không thể lấy đâu ra chiết khấu cho đại lý, cửa hàng bán lẻ. Vì thế, một số nơi bị đứt gãy cục bộ ở khâu bán lẻ", Bộ trưởng Bộ Công Thương nhìn nhận.