ISSN-2815-5823

TS. Cấn Văn Lực: Việt Nam đang có nhiều thuận lợi trong việc phát triển ngân hàng số

(KDPT) - Chuyên gia cho rằng Việt Nam đang có nhiều thuận lợi trong việc phát triển ngân hàng số. Tuy nhiên, đi kèm với chuyển đổi số là rủi ro về bảo mật dữ liệu, thông tin khách hàng. Đặc biệt, sự phát triển của ngân hàng mở (Open Banking) khiến vấn đề bảo mật phải chặt chẽ hơn.

Chuyển đổi số ngân hàng diễn ra mạnh mẽ

Chuyển đổi số đã và đang diễn ra mạnh mẽ và là xu thế tất yếu của ngành tài chính  -ngân hàng khắp thế giới. Giới chuyên gia nhìn nhận chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng ngày càng giữ vai trò quan trọng, quyết định đến sự “sống còn”, phát triển của các ngân hàng.

Tại Việt Nam, sau 3 năm triển khai Quyết định 810, chuyển số trong ngành ngân hàng đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Chuyển đổi số ngân hàng đang diễn ra mạnh mẽ. (Ảnh minh họa)
Chuyển đổi số ngân hàng đang diễn ra mạnh mẽ. (Ảnh minh họa)

Cụ thể, năm 2023 vừa qua, thanh toán trên thiết bị di động tăng gần 60% về số lượng và 13% về giá trị; thanh toán qua QR code tăng tới 242,46% về số lượng và 157,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.

Ngoài ra, thanh toán không dùng tiền mặt và ngân hàng số trong 2 tháng đầu năm 2024 cũng tăng khá so với cùng kỳ 2023 với 59,6% về số lượng và 32,73% về giá trị; qua kênh Internet tăng tương ứng 51,60% và 23,88%; qua kênh điện thoại di động tăng 63,24% và 33,43%; qua phương thức QR code tăng 846,41% và 1.146,14%; qua POS tăng 2,53% và 3,56%.

Nhiều chuyên gia đánh giá, Việt Nam là một trong những quốc gia đã và đang triển khai rất tốt thanh toán không dùng tiền mặt với sự đi lên mạnh mẽ của thanh toán qua ví điện tử. Dự kiện, xu hướng thanh toán qua thẻ sẽ giảm trong tương lai và ví điện tử sẽ phát triển nhanh nhất để đạt giá trị 25 nghìn tỷ USD ở năm 2027.

Nhiều lợi ích to lớn của chuyển đổi số ngân hàng.
Nhiều lợi ích to lớn của chuyển đổi số ngân hàng.

Về chuyển đổi số ngân hàng, theo một khảo sát của Công ty kiểm toán quốc tế Pricewaterhouse Coopers (PwC), 68% ý kiến được hỏi cho rằng động lực chính thúc đẩy số hóa ngân hàng là cải thiện trải nghiệm của khách hàng; 56% ý kiến cho rằng cần tăng hiệu quả hoạt động của các bộ phận từ giao dịch khách hàng, trung gian, nghiệp vụ và giảm chi phí hoạt động; có 75% ngân hàng được khảo sát cho biết họ đặt mục tiêu giảm tỷ lệ chi phí, tăng trưởng doanh thu cao thông qua số hóa.

Theo TS. Cấn Văn Lực - Kinh tế trưởng BIDV, Việt Nam đang có nhiều thuận lợi trong việc phát triển ngân hàng số. Cụ thể là hành lang pháp lý đối với lĩnh vực này ngày càng hoàn thiện, dân số đông, trẻ và có mức phổ cập smartphone/internet ở mức cao.

“Các tổ chức tín dụng cũng chú trọng việc chuyển đổi số và tăng tốc đầu tư cho lĩnh vực này để giảm chi phí, thời gian cũng như an toàn hơn với khách hàng”, ông Lực nói.

Chuyên gia kinh tế - TS. Cấn Văn Lực
Chuyên gia kinh tế - TS. Cấn Văn Lực

Ngoài ra, chuyên gia này cũng cho rằng, một yếu tố quan trọng là sự phát triển của các công ty Fintech cũng là động lực khiến các ngân hàng phải tăng tốc chuyển đổi số để cải thiện hiệu suất hoạt động, đáp ứng nhu cầu ngày một cao của khách hàng.

Vẫn nhiều khó khăn

Tuy vậy, theo các chuyên gia, việc triển khai ngân hàng số tại Việt Nam cũng gặp không ít khó khăn.

TS. Cấn Văn Lực cho rằng, chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng, công nghệ cao cho phát triển ngân hàng số rất nhiều chi phí, trong khi tốc độ phát triển của công nghệ rất nhanh, liên tục phải cập nhật công nghệ mới để tránh lỗi thời. Do vậy, các ngân hàng cũng thường xuyên phải cải tiến, nâng cấp hệ thống để đáp ứng yêu cầu ngày một khắt khe của khách hàng.

Tiếp theo, ông Lực cho rằng, đi kèm với chuyển đổi số cũng là rủi ro về bảo mật dữ liệu, thông tin khách hàng. Đặc biệt, sự phát triển của ngân hàng mở (Open Banking) khiến vấn đề bảo mật phải chặt chẽ hơn vì Fintech được tiếp cận dữ liệu của ngân hàng.

“Việt Nam cũng chưa có quy định pháp lý về Open Banking cũng như các dịch vụ số mới, như tiêu chuẩn bảo mật, các loại dữ liệu được chia sẻ, quyền tiếp cận, quyền lợi và nghĩa vụ liên quan... Điều này khiến các ngân hàng Việt Nam chưa thể hình thành được một hệ sinh thái đúng nghĩa”, ông Lực nói.

Chuyển đổi số ngân hàng tại Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn. (Ảnh minh họa)
Chuyển đổi số ngân hàng tại Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn. (Ảnh minh họa)

Một hạn chế nữa là về nhân lực. Theo ông Lực, các chuyên gia công nghệ ở lĩnh vực này còn thiếu, bởi việc vừa am hiểu công nghệ và tài chính ngân hàng là không dễ dàng.

Dù vậy, ông Lực cũng cho rằng, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành khá nhiều giải pháp để thúc đẩy sự phát triển của ngân hàng số.

Ví dụ “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, tài chính - ngân hàng là một trong 8 lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số; phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị dưới 10 triệu đồng/tháng; xây dựng nghị định về sandbox hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng…

Theo PwC, thách thức từ việc triển khai và ứng phó với các mối đe dọa là rào cản của ngân hàng đối với quá trình số hóa. Theo đó, phần lớn (62%) các ngân hàng được khảo sát cho biết mối quan tâm hàng đầu của họ về số hóa là những nguy cơ tiềm ẩn về khả năng triển khai, vận hành không hiệu quả trên thực tế; lo ngại tiếp theo là bày tỏ lo ngại về an ninh mạng…

Sự phát triển của các Fintech cũng tạo động lực để các ngân hàng thúc đẩy chuyển đổi số.
Sự phát triển của các Fintech cũng tạo động lực để các ngân hàng thúc đẩy chuyển đổi số.

Bàn về vấn đề này, TS. Nguyễn Đình Dũng khuyến nghị cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về định danh cá nhân, đây là nền tảng quan trọng hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi số dịch vụ ngân hàng.

“Bài học từ Ấn độ với đạo Luật Aadhaar năm 2016 đã góp phần xây dựng được cơ sở dữ liệu công dân tập trung, nhờ đó, quy trình nhận biết và xác minh thông tin khách hàng (KYC) tại Ấn Độ có cơ sở để số hóa và chuyển thành KYC điện tử (eKYC)”, ông Dũng nói.

Ngoài ra, ông Dũng cũng đề nghị xây dựng quy định về bảo vệ dữ liệu người dùng, bảo mật giao dịch cũng như đẩy mạnh hỗ trợ nghiên cứu cho các nhà nghiên cứu, công ty công nghệ tài chính.

Bên cạnh đó, cần tăng cường truyền thông về công nghệ số trong lĩnh vực ngân hàng như thanh toán không dùng tiền mặt, các vấn đề sở hữu dữ liệu, rủi ro... để định hướng người dân sử dụng các dịch vụ ngân hàng mới và nâng cao hiểu biết tài chính của người dân, tránh các mô hình lừa đảo./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine