NHNN thúc đẩy hoạt động ngân hàng số, xu hướng thanh toán không tiền mặt lên ngôi
Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt và ngân hàng số được NHNN thúc đẩy mạnh mẽ. Khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, hoạt động ngân hàng tiếp tục được Ngân hàng Nhà nước rà soát, bổ sung, hoàn thiện, tạo đồng bộ và điều kiện tốt nhất cho phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, thúc đẩy hoạt động ngân hàng số, ứng dụng công nghệ mới, đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán.
Ngân hàng Nhà nước khẳng định, thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện đồng bộ, đạt hiệu quả tốt với các giải pháp tại Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025.
Tăng cường chuyển đổi số ngành tài chính - ngân hàng
Ngân hàng Nhà nước thông tin, cơ quan này đã nghiên cứu ban hành, trình ban hành và triển khai một số chính sách quan trọng để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và hoạt động chuyển đổi số ngành ngân hàng theo các đề án, chương trình, kế hoạch, chính sách để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và hoạt động ngân hàng số.
Theo số liệu mới công bố từ Ngân hàng Nhà nước, trong năm 2023, số lượng tài khoản thanh toán của các cá nhân tăng 21,8% so với cùng kỳ năm trước đó, đạt hơn 182,88 triệu tài khoản.
Ngoài ra, các chỉ số về thanh toán không dùng tiền mặt ghi nhận tăng trưởng ở mức khá. Theo đó, giao dịch này trong tháng 1/2024 tăng 63,3% về số lượng và 41,45% về giá trị so với tháng 1/2023.
Giao dịch thông qua Internet tăng 57,85% về số lượng, tăng 32,43% về giá trị; Giao dịch qua kênh điện thoại di động tăng 68,54% về số lượng và 41,12% về giá trị; Giao dịch qua phương thức QR code tăng 892,95% về số lượng, 1.062% về giá trị; Giao dịch qua máy POS tăng 16,87% về số lượng, 13,65% về giá trị.
Ngược lại, giao dịch qua ATM rút tiền lại giảm 15,14% về số lượng, giảm 18,76% về giá trị. Như vậy, người dân đang có xu hướng chuyển từ thanh toán bằng tiền mặt sang thanh toán không dùng tiền mặt.
Có thể thấy, hoạt động ngân hàng có xu hướng ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số, Ngân hàng Nhà nước đã khuyến khích các tổ chức tài chính triển khai chuyển đổi số, kết nối, hợp tác với nhiều ngành, lĩnh vực để hình thành và mở rộng hệ sinh thái số, cung cấp các sản phẩm dịch vụ lấy khách hàng làm trung tâm, cung cấp những trải nghiệm được cá nhân hóa, giao dịch liền mạch.
Các tổ chức tài chính, tổ chức trung gian thanh toán đã ứng dụng các công nghệ tiên tiến để tối ưu hóa và đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ, tăng cường hiệu quả hoạt động và giao dịch khách hàng. Bên cạnh đó, đánh giá, phân loại khách hàng, quyết định giải ngân, tích hợp với các hệ sinh thái đối tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Nhiều ngân hàng ghi nhận đã số hóa 100% các nghiệp vụ cơ bản (tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi có kỳ hạn, mở thẻ ngân hàng, mở và sử dụng tài khoản thanh toán, chuyển tiền, ví điện tử…) với tỷ lệ trên 90% giao dịch được thực hiện trên kênh số.
Bên cạnh đó, cuối năm 2023 ghi nhận khoảng 40 ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử (eKYC), trong đó có 35 triệu tài khoản thanh toán mở bằng eKYC đã đi vào hoạt động.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ
Nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn quá trình thanh toán không dùng tiền mặt, cũng như hoạt động chuyển đổi số ngành ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan để thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp tại Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong giai đoạn 2021-2025, kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng, chiến lược phát triển hệ thống thanh toán tại Việt Nam đến năm 2030.
Tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện hiệu quả những nội dung được đề ra tại Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng và Kế hoạch phối hợp số 01/KHPH-BCA-NHNNVN (giữa Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước) triển khai thực hiện những nhiệm vụ tại Đề án 06, nhằm thúc đẩy và tạo thuận lợi cho các ngân hàng, tổ chức TGTT cung ứng sản phẩm, dịch vụ thanh toán an toàn, tiện ích, bảo mật, đáp ứng nhu cầu của khách hàng đang ngày một tăng cao;
Tập trung vào triển khai, kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cho phép các tổ chức tín dụng có thể xác minh thông tin nhận biết khách hàng, làm sạch dữ liệu, hỗ trợ khách hàng dễ dàng tiếp cận dịch vụ ngân hàng.
Đặc biệt, phải đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ công, nhất là trong lĩnh vực giáo dục, y tế, chi trả an sinh xã hội.
Về vấn đề an toàn thông tin, cần tăng cường đảm bảo an ninh, bảo mật hoạt động thanh toán, ngân hàng; Phối hợp xử lý tội phạm công nghệ cao; Bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng; Đẩy mạnh hoạt động truyền thông, giáo dục tài chính để năng cao kiến thức, kỹ năng về việc sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính - ngân hàng cho người dân.
Tháng 1/2024, giao dịch qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 6,02% về số lượng, tăng 54,42% về giá trị; Qua Hệ thống bù trừ, chuyển mạch giao dịch tài chính tăng 51,0% về số lượng, tăng 34,96% về giá trị sao với cùng kỳ năm 2023.
Tính đến cuối tháng 1/2024, có 20.986 ATM trên thị trường, giảm 1,70% so với cùng kỳ năm ngoái; Có 554.580 POS trên thị trường, tăng 32,68% so với cùng kỳ năm ngoái./.
- Gen Z “sống chất” với phong cách tài chính 4.0: Luôn biết cách “tích tiểu thành đại”, “xung phong” lan tỏa tài chính số
- Điểm tên loạt sự kiện tài chính toàn cầu đáng chú ý trong tuần này