ISSN-2815-5823
Theo Kinh tế Đô thị
Thứ năm, 14h29 29/08/2024

Từ vụ Xuyên Việt Oil, soi quy trình xét duyệt tín dụng của Vietinbank

Xuyên Việt Oil đang phải đối mặt với tình trạng nợ xấu gần 5.500 tỷ đồng tại nhiều ngân hàng, trong đó có VietinBank với hai khoản vay lớn lên tới 1.604 tỷ đồng.

Vietinbank có 20 lần giải ngân cho Xuyên Việt Oil

Ngày 27/8, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã ra kết luận điều tra, đề nghị truy tố 15 bị can trong vụ án liên quan đến Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil về các tội danh "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí", "Đưa - Nhận hối lộ" và "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi".

Trong số các bị can, bà Mai Thị Hồng Hạnh, Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng thành viên Xuyên Việt Oil, bị đề nghị truy tố về hành vi vi phạm quy định quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước và đưa hối lộ. Bà Nguyễn Thị Như Phương, Phó giám đốc công ty, cũng bị đề nghị truy tố về hành vi vi phạm tương tự. Đặc biệt, ông Lê Đức Thọ, cựu Chủ tịch HĐQT VietinBank và cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, bị đề nghị truy tố về tội lợi dụng chức vụ để trục lợi và nhận hối lộ.

Vietinbank có 20 lần giải ngân cho Xuyên Việt Oil
Vietinbank có 20 lần giải ngân cho Xuyên Việt Oil

Theo điều tra, vào năm 2018, bà Hạnh đã quen biết ông Thọ khi Xuyên Việt Oil có quan hệ tín dụng với VietinBank. Để được hỗ trợ cấp tín dụng, bà Hạnh đã hai lần đưa hối lộ cho ông Thọ.

Lần đầu vào tháng 1/2019, bà Hạnh đã đưa cho ông Thọ 100.000 USD để xin cấp giới hạn tín dụng 7.000 tỷ đồng. Lần thứ hai vào năm 2020, khi công ty muốn "nối lại quan hệ tín dụng", bà Hạnh đã đưa cho ông Thọ 500.000 USD, đổi lại ông Thọ đã phê duyệt kéo dài giới hạn tín dụng 3.000 tỷ đồng cho công ty.

Ông Thọ còn lợi dụng chức vụ của mình để nâng cao uy tín cá nhân. Năm 2021, trong vai trò Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, ông đã đề nghị bà Hạnh thành lập chi nhánh hoặc công ty con của Xuyên Việt Oil tại Bến Tre để nộp thuế, nhằm tăng nguồn thu cho ngân sách tỉnh. Hưởng ứng đề nghị này, bà Hạnh đã thành lập Công ty Cổ phần Việt Oil tại Bến Tre và xin vay vốn từ ngân hàng của ông Thọ. Ông đã nhiều lần yêu cầu Giám đốc chi nhánh ngân hàng hỗ trợ bà Hạnh trong việc xin vay vốn.

Trong quá trình xin vay vốn, Chi nhánh ngân hàng đã phê duyệt cấp giới hạn tín dụng 400 tỷ đồng cho Công ty Việt Oil, nhưng không được phê duyệt do Công ty mẹ Xuyên Việt Oil đang có nợ tín dụng lớn. Mặc dù vậy, ngân hàng đã thực hiện 20 lần giải ngân với tổng số tiền 892 tỷ đồng cho Công ty Việt Oil.

Ngoài ra, trong quá trình làm việc, bà Hạnh đã tặng cho ông Thọ nhiều món quà giá trị, trong đó có một bộ gậy golf trị giá 1,1 tỷ đồng, một đồng hồ Patek Philippe Plus trị giá 421.000 USD, và một chiếc ô tô Mercedes Ben S450 Luxury trị giá 6,7 tỷ đồng. Tổng giá trị tiền và quà mà ông Thọ nhận từ bà Hạnh lên tới 1.070.000 USD. Ông Thọ khai đã gửi 440.000 USD tại nhà người thân và đã chi tiêu hết số còn lại.

Hiện tại, Xuyên Việt Oil đang phải đối mặt với tình trạng nợ xấu gần 5.500 tỷ đồng tại nhiều ngân hàng, trong đó có VietinBank với hai khoản vay lớn lên tới 1.604 tỷ đồng.

Vụ án Xuyên Việt Oil làm dấy lên lo ngại về quy trình cho vay tại VietinBank. Thông qua hành vi của ông Lê Đức Thọ và những sai phạm trong việc phê duyệt tín dụng, dư luận đặt ra câu hỏi về tính minh bạch và độ tin cậy của các quy trình quản lý tín dụng tại ngân hàng này.

Quy trình xét duyệt tín dụng của Vietinbank

Trên website của Vietinbank cho biết về quy trình cho vay bằng thế chấp như sau:

Khi vay thế chấp Vietinbank thì quy trình thủ tục sẽ diễn ra theo trình tự các bước dưới đây:

Bước 1: Ngân hàng Vietinbank tiếp nhận các thông tin khách hàng vay vốn

Nhân viên Vietinbank sẽ thu thập các thông tin của khách hàng do bên khách hàng cung cấp trực tiếp và thông qua hồ sơ vay vốn. Các thông tin cơ bản bao gồm nhu cầu vay vốn sử dụng để làm gì, tài sản dùng để thế chấp với ngân hàng Vietinbank, khả năng tài chính cá nhân và kế hoạch trả nợ vốn vay như thế nào….

Bước 2: Khách hàng vay vốn chuẩn bị hồ sơ vay thế chấp ngân hàng Vietinbank

Nhân viên ngân hàng sau khi đã tiếp nhận đầy đủ thông tin cũng như nhu cầu vay vốn của bạn sẽ tư vấn cho bạn gói vay phù hợp. Tư vấn chi tiết về hồ sơ vay vốn thế chấp tại ngân hàng VietinBank cần chuẩn bị tùy theo điều kiện thực tế của mỗi khách hàng và quy định của ngân hàng.

Bước 3: Ngân hàng thẩm định giá trị của tài sản thế chấp vay vốn

Sau khi đã nhận đầy đủ hồ sơ xin vay vốn thế chấp Vietinbank thì phía bên ngân hàng sẽ tiến hành thẩm định giá trị tài sản theo đúng quy định. Phía bên ngân hàng sẽ xem xét kiểm tra lại toàn bộ hồ sơ do khách hàng cung cấp để đánh giá các thông tin có trong hồ sơ có đúng với thực tế hay không về nơi ở, đơn vị làm việc và tài sản thế chấp.

Việc kiểm tra đối chiếu các thông tin trên bằng biện pháp nghiệp vụ sẽ xác định xem khách hàng có đáp ứng được với những điều kiện do ngân hàng đưa ra hay không. Trong quá trình thẩm định thì nhân viên ngân hàng Vietinbank sẽ hướng dẫn cho khách hàng cung cấp thêm các hồ sơ và chứng từ cần thiết.

Bước 4: Ngân hàng phê duyệt khoản vay vốn thế chấp

Sau khi ngân hàng đã thẩm định xong hồ sơ vay vốn của khách hàng thì sẽ lập đề xuất tín dụng sau đó xin phê duyệt. Dựa trên thông tin hồ sơ của khách hàng nộp và nhân viên đưa ra thì phía bên ngân hàng sẽ tiến hành phê duyệt cho khoản vay đúng quy định.

Bước 5: Ngân hàng Vietinbank giải ngân vốn vay thế chấp

Sau khi đã được phê duyệt khoản vay thì ngân hàng sẽ thông báo cho khách hàng và tiến hành các bước giải ngân.

Như vậy, mặc dù VietinBank đã thiết lập một quy trình cho vay thế chấp rõ ràng và chi tiết nhằm đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả, nhưng vụ án liên quan đến Xuyên Việt Oil cho thấy rằng quy trình này đôi khi vẫn có thể bị vi phạm. Việc cho vay cho Xuyên Việt Oil nhưng không tuân thủ đầy đủ các bước trong quy trình, đã dấy lên nhiều lo ngại về tính khả thi và độ tin cậy của hệ thống cho vay tại ngân hàng này./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 22/11/2024