ISSN-2815-5823
Kim Thương
Thứ sáu, 17h11 03/03/2023

VietinBank: Nợ xấu tăng gần 1.500 tỷ đồng, mảng đầu tư chứng khoán thua lỗ

(KDPT) - Kết thúc năm 2022, VietinBank báo lỗ mảng chứng khoán đầu tư và kinh doanh, lên tới 126 tỷ đồng, trong khi năm ngoái vẫn có lãi 720 tỷ đồng. Tuy nhiên ngân hàng này vẫn ghi nhận mức lãi khả quan nhờ các hoạt động kinh doanh khác.

Thua lỗ vì đầu tư chứng khoán nhưng vẫn thắng lớn

Theo báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất quý 4/2022, mảng chứng khoán đầu tư và kinh doanh của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank, HOSE: CTG) báo lỗ 126 tỷ đồng trong khi năm 2021 mang về “trái ngọt” cho ngân hàng này.

Trong các Ngân hàng TMCP quốc doanh, VietinBank là ngân hàng lỗ lớn nhất từ mảng chứng khoán đầu tư và kinh doanh.
Trong các Ngân hàng TMCP quốc doanh, VietinBank là ngân hàng lỗ lớn nhất từ mảng chứng khoán đầu tư và kinh doanh.

Cụ thể, hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh lỗ 90 tỷ đồng (năm ngoái lãi 495,8 tỷ đồng); Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư lỗ 36 tỷ đồng (năm ngoái lãi 223,8 tỷ đồng). Các mảng kinh doanh còn lại đều có kết quả khả quan

So với năm 2021, thu nhập lãi thuần tăng 14,7% đạt 47.930 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động dịch tăng 22,8% lên 6.089 tỷ đồng, lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 97% lên 3.570 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động khác (chủ yếu từ xử lý nợ rủi ro) tăng trưởng tới 94%, đạt 6.605 tỷ đồng.

Năm 2022, VietinBank đã trích lập 24.163 tỷ đồng cho chi phí dự phòng, tăng 31,5% so với năm 2021. Kết quả,VietinBank 21.133 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 20%.

Nợ xấu tăng gần 1.500 tỷ đồng

Tính đến ngày 31/12/2022, tổng tài sản của VietinBank đạt hơn 1,8 triệu tỷ đồng, tăng 18,1% so với năm 2021. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 12,7%, đạt hơn 1,27 triệu tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 7,5% lên gần 1,25 triệu tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong năm 2022, nợ xấu của VietinBank đã tăng hơn 1.495 tỷ đồng (tương đương tăng 10,5%) so với năm ngoái, đạt mức 15.795,8 tỷ đồng.

Cụ thể, so với hồi đầu năm, Nợ nhóm 3 (Nợ dưới tiêu chuẩn) 3% lên mức 7.305 tỷ đồng; Nợ nhóm 4 (Nợ nghi ngờ) tăng vọt 12,6% lên mức 2.255,8 tỷ đồng; Nợ nhóm 5 (Nợ có khả năng mất vốn) tăng 19,8% đạt mức gần 6.235 tỷ đồng.

Ngoài ra, Nợ nhóm 2 (Nợ cần chú ý) của ngân hàng cũng tăng 2,5 lần lên mức 29.921,2 tỷ đồng. Đồng thời Vietinbank cũng đang sở hữu gần 159.605 tỷ đồng nghĩa vụ nợ tiềm ẩn, tăng hơn 49.602 tỷ đồng so với năm 2021.

Về trái phiếu, theo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), trong năm 2022 VietinBank phát hành 14 lô trái phiếu với tổng giá trị 5.610 tỷ đồng, mua lại trước hạn 2 lô trái phiếu với giá trị 930 tỷ đồng.

Tính đến ngày 31/12/2022, VietinBank đang lưu hành 43 lô trái phiếu khác nhau với giá trị gần 20.000 tỷ đồng.

Liên tục rao bán tài sản đảm bảo để thu hồi nợ xấu

Trong bối nợ xấu tăng cao, trong thời gian gan gần đây, Vietinbank đã phát đi nhiều thông báo liên quan đến bán các tài sản đảm bảo thu hồi nợ xấu.

Nợ xấu của VietinBank tăng gần 1.500 tỷ đồng trong năm 2022.
Nợ xấu của VietinBank tăng gần 1.500 tỷ đồng trong năm 2022.

Cụ thể, ngày 2/3/2023, VietinBank Bắc Phú Thọ thông báo bán đấu giá lần 18 tài sản đảm bảo của Công ty CP Giấy BBP, với tổng dư nợ gốc và lãi tính đến ngày 30/6/2022 là hơn 389 tỷ đồng, giá khởi điểm hơn 89 tỷ đồng.

Trước đó ngày 28/2/2023, Vietinbank Vĩnh Long thông báo đấu giá tài sản đảm bảo của Công ty TNHH MTV Bột mì Đại Nam có giá trị 163,7 tỷ đồng. Cùng ngày Vietinbank Sa Đéc cũng rao bán tài sản đảm bảo của Công ty CP Thương mại hóa dầu RESSOL với giá khởi điểm gần 7,2 tỷ đồng.

Ngày 24/2/2023, VietinBank Thái Bình bán đấu giá khoản nợ của Công ty Phương Linh có giá trị hơn 26,7 tỷ đồng. Cùng ngày VietinBank Bắc Sài Gòn thông báo lần 2 bán khoản nợ Công ty CP Tấn Lộc giá trị 45,5 tỷ đồng; VietinBank Chi nhánh Quận 10 TP. HCM xử lý bán khoản nợ có tài sản bảo đảm của Công ty TNHH Xây dựng - Sản xuất - Thương mại Xuất nhập khẩu Tân Âu Cơ hơn 126 tỷ đồng.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 22/11/2024