ĐHĐCĐ VietinBank: Dự kiến phát hành cổ phiếu, tăng mạnh vốn điều lệ lên 66.000 tỷ đồng
ĐHĐCĐ VietinBank: Dự kiến phát hành cổ phiếu, tăng mạnh vốn điều lệ lên 66.000 tỷ đồng. |
Sáng nay (21/4), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – VietinBank (mã CTG) tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2023.
Tăng mạnh vốn điều lệ lên hơn 66.000 đồng
Năm nay, VietinBank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng trưởng từ 5-10%. Dư nợ tín dụng thực hiện theo hạn mức tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt và định hướng chính sách tín dụng của NHNN trong từng thời kỳ. Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng kiểm soát dưới 1,8%.
Ông Trần Minh Bình – Chủ tịch HĐQT ngân hàng cho biết, năm nay lợi nhuận ngân hàng dự kiến sẽ tăng trưởng từ 10 -15% so với năm ngoái, tuy nhiên, con số cụ thể vẫn đang chờ phê duyệt của Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Cũng tại đại hội, HĐQT VietinBank trình cổ đông kế hoạch tăng vốn điều lệ năm 2023 từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2021 và lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2016.
Lãnh đạo ngân hàng cho biết, tại ĐHĐCĐ thường niên 2022 của VietinBank đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 48.057 tỷ đồng lên 53.700 tỷ đồng từ lợi nhuận còn lại năm 2020. Tuy nhiên, hiện việc tăng vốn vẫn chưa được hoàn tất.
Do đó, trong năm nay, nếu tại thời điểm phát hành, vốn điều lệ VietinBank vẫn đang ở mức 48.058 tỷ đồng thì tỷ lệ chia cổ tức tương đương với 25,66%. Sau đợt phát hành, vốn điều lệ của ngân hàng dự kiến sẽ tăng lên 60.387 tỷ đồng.
Trường hợp ngân hàng đã hoàn tất việc tăng vốn lên 53.700 tỷ, tỷ lệ chia cổ tức là 22,96%. Vốn điều lệ sau khi phát hành thành công dự kiến là 66.030 tỷ đồng.
Lãnh đạo ngân hàng cho biết, thời gian hoàn thành việc tăng vốn điều lệ thực hiện theo quy định tại giấy phép/chấp thuận của các cơ quan có thẩm quyền.
Vốn điều lệ tăng thêm dự kiến sẽ được dùng toàn bộ để phục vụ kinh doanh, được phân bổ vào các lĩnh vực hoạt động của ngân hàng.
Tăng trưởng tín dụng quý 1/2023 cao gần gấp đôi toàn ngành
Cập nhật kết quả kinh doanh quý 1/2023, ông Trần Minh Bình cho biết, tính đến cuối quý 1/2023, tổng tài sản hợp nhất của ngân hàng ước tính tăng 0,9%, dư nợ tín dụng ước tính tăng 4,6%, thuộc nhóm ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng tốt nhất, cao gần gấp đôi tốc độ tăng trưởng trung bình của ngành. Trong đó, 50% tín dụng tập trung vào khách hàng doanh nghiệp, còn lại tập trung vào bán lẻ.
Nguồn vốn huy động thị trường 1 ước tính tăng 2%. Lợi nhuận trước thuế ước tính tăng hơn 5% so với cùng kỳ năm 2022.
Ông Trần Văn Tần - Thành viên HĐQT cho biết thêm, trong năm 2022, VietinBank được cấp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng là 12,47% và năm 2023 trong giai đoạn đầu là 8,7%.
Về chất lượng tín dụng, lãnh đạo ngân hàng cho biết, đến cuối quý 1/2023, tỷ lệ nợ xấu/cho vay của ngân hàng là 1,28%. Ngân hàng đã trích chi phí dự phòng trong quý 1 là 6.700 tỷ đồng.
“VietinBank có chủ trương trích lập đầy đủ, tối đa để nâng tỷ lệ bao phủ của ngân hàng. Đối với tình hình chuyển nợ của doanh nghiệp, chúng tôi đang kiểm soát chặt chẽ, dư nợ chuyển CIC không có biến động lớn trong quý 1”, lãnh đạo ngân hàng cho biết.
Liên quan đến hiệu quả phân khúc Bancassurance, ông Nguyễn Hoàng Dũng, Phó TGĐ phụ trách điều hành ngân hàng cho biết, 2022 là năm đột phá với VietinBank khi với mảng nhân thọ là năm đầu hợp tác Manulife trong khi mảng phi nhân thọ cũng là năm đầu hợp tác với PVI với sự kiện toàn nhân sự cấp cao.
Đến cuối năm 2022, VietinBank đứng thứ 9/25 các ngân hàng về mảng bán chéo bảo hiểm. Kết quả kinh doanh bảo hiểm đóng góp 26% thu phí cho ngân hàng trong năm này.
Riêng quý 1/2023, ông Dũng cho biết, tình hình có một số khó khăn do thị trường chung, cũng do một số NH khác kinh doanh không đúng, khiến bộ phận lớn cộng đồng có góc nhìn không tốt với bảo hiểm. Theo đó, ngân hàng đạt 265 tỷ doanh số bảo hiểm với Manulife trong khi doanh số với PVI là 60 tỷ đồng trong quý đầu tiên của năm.