Ứng dụng công nghệ trong truy xuất nguồn gốc: Minh bạch thông tin, chống gian lận thương mại
Ngày 25/3/2021, Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia (Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng – Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức Hội thảo “Ứng dụng công nghệ để tối ưu hiệu quả sản xuất – Tương lai của nguồn cung ứng toàn cầu”. Sự kiện nhằm cung cấp những thông tin về hoạt động triển khai truy xuất nguồn gốc, chia sẻ các giải pháp hữu ích giúp doanh nghiệp tối ưu hoá sản xuất cũng như nâng cao hiệu quả toàn chuỗi cung ứng.
Ông Trần Văn Vinh – Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ – cho biết: Ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số trong truy xuất nguồn gốc là việc cần làm và cấp bách trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Khi yêu cầu của người tiêu dùng và cơ quan quản lý ngày càng đòi hỏi cao hơn về chất lượng, an toàn và sự minh bạch của sản phẩm hàng hóa, thì việc áp dụng các giải pháp, công nghệ tiên tiến trong sản xuất và toàn bộ chuỗi cung ứng được xem là chìa khoá để nâng cao năng lực cạnh tranh, giúp doanh nghiệp bứt phá trong bối cảnh thị trường đầy biến động như hiện nay, đồng thời giúp doanh nghiệp giảm chi phí, nâng cao năng suất và chất lượng.
Để đón đầu xu hướng này, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 100/QĐ-TTg phê duyệt đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc (thường được gọi tắt là Đề án 100), nhằm xác định những nhiệm vụ cần thiết cần triển khai để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, đẩy mạnh hoạt động truy xuất nguồn gốc phục vụ hội nhập quốc tế và bảo đảm chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa trong toàn chuỗi cung ứng.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đề án là xây dựng và đưa vào vận hành Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hoá quốc gia. Cổng sẽ đóng vai trò trung tâm của hệ sinh thái truy xuất nguồn gốc, với sự tham gia của tất cả các bên tham gia trong chuỗi cung ứng như nhà sản xuất, đơn vị đóng gói, đơn vị vận chuyển, đơn vị phân phối, đơn vị bán lẻ, các đơn vị cung cấp giải pháp truy xuất nguồn gốc và cơ quan quản lý nhà nước với mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác quản lý, đẩy mạnh hoạt động truy xuất nguồn gốc phục vụ hội nhập quốc tế và bảo đảm chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa trong toàn chuỗi cung ứng.
Cùng với đó, hiện nay, Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia đang triển khai một loạt các ứng dụng truy xuất như: Ứng dụng truy xuất nguồn gốc đối với nông sản cho phép các đơn vị thực hiện cập nhật nhật ký điện tử, liên kết toàn bộ thông tin trong chuỗi cung ứng sản phẩm, người tiêu dùng có thể sử dụng thiết bị di động quét mã QR để xem lại toàn bộ lịch sử quá trình sản xuất và phân phối sản phẩm.
Đồng thời, ứng dụng bản đồ trái cây Việt Nam hỗ trợ quảng bá sản phẩm và xúc tiến thương mại điện tử. Ứng dụng này có thể được phát triển thành giải pháp quản lý tổng thể hoạt động sản xuất nông nghiệp, cập nhật và theo dõi toàn bộ thông tin về tình hình sản xuất nông nghiệp trên từng thửa ruộng, làm cơ sở cho việc định hướng sản xuất và phán đoán xu hướng giá cả sản phẩm dựa trên thống kê nhu cầu tiêu thụ hàng năm.
Ngoài ra, ứng dụng quản lý thẻ bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới giúp cho cảnh sát giao thông thuận tiện tra cứu thông tin, cơ quan quản lý nhà nước dễ dàng thống kê tình trạng cấp bảo hiểm theo quy định và công ty bảo hiểm quản lý hoạt động cấp bảo hiểm.
“Truy xuất nguồn gốc thông qua việc áp dụng các công nghệ tiên tiến sẽ giúp minh bạch thông tin về sản phẩm hàng hóa, thuận lợi cho công tác quản lý, đồng thời chống gian lận thương mại, truy cập thông tin nhanh chóng và chính xác. Phát hiện điểm không hợp lý để chủ động cải tiến, khắc phục, tăng năng suất, chất lượng của sản phẩm hàng hoá và đặc biệt giúp cho doanh nghiệp tiến thêm một bước trong việc thâm nhập vào chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu, nâng cao vị thế của sản phẩm Việt Nam” – ông Trần Văn Vinh nhấn mạnh.
Tại hội thảo, các chuyên gia đến từ Tập đoàn FUJITSU, Honeywell Việt Nam và một số doanh nghiệp đã cung cấp và chia sẻ một loạt các giải pháp ứng dụng công nghệ nâng cao năng lực quản lý sản xuất, truy xuất nguồn gốc hiệu quả hơn trong toàn bộ chuỗi cung ứng và đáp ứng các yêu cầu hội nhập nền kinh tế 4.0… Từ đó, các đơn vị, doanh nghiệp có thể nghiên cứu, triển khai áp dụng vào thực tiễn của đơn vị, giúp hoạt động này thực sự trở thành một công cụ hiệu quả, nâng cao niềm tin của người tiêu dùng đối với chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Ông Trần Văn Vinh – Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng: Một trong những yêu cầu của nền kinh tế 4.0 là tăng cường khả năng tương tác thông tin giữa các chủ thể trong chuỗi cung ứng với yêu cầu trước tiên là số hoá dữ liệu truy xuất nguồn gốc.
QUỲNH NGA