Đem lợi thế thương mại điện tử mở rộng hoạt động xuất khẩu hàng hóa
Nền kinh tế năng động của Việt Nam không thể thiếu đi hoạt động xuất khẩu. Kết hợp với lợi thế về sáng tạo, năng lực sản xuất, chuyển đổi số mạnh mẽ đã giúp một số doanh nghiệp phát huy khả năng, thúc đẩy xuất khẩu bán lẻ qua các kênh TMĐT một cách hiệu quả tại các sàn quốc tế như Alibaba, Amazon…
Tăng cơ hội tiếp cận thị trường quốc tế
Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Hành Sanh - ông Tô Nghiệp Siêu chia sẻ, công ty đã gia nhập sàn TMĐT Alibaba từ năm 2019. Kể từ đó ghi nhận doanh thu tại thị trường quốc tế đạt 150.000 USD. Thông qua Alibaba, Hành Sanh đã đưa hàng hóa đến tay khách hàng của 7 quốc gia.
Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển sáng tạo Đông Dương (Indochina) - Công ty chuyên xuất khẩu hàng mây tre đan với thị trường chính là Mỹ và Châu Âu cũng bắt đầu kinh doanh trên Alibaba từ tháng 9/2015. Giám đốc Công ty - bà Hoàng Thị Thanh Tâm cho biết, việc kinh doanh trên các sàn TMĐT là phương thức rất hiệu quả từ vài năm nay. Thị trường TMĐT tại Việt Nam lọt Top 3 khu vực Đông Nam Á, khi công ty hoạt động trên các sàn TMĐT sẽ tiếp cận được với khách hàng toàn cầu.
Bà Tâm cũng cho biết, thông qua các sàn TMĐT, sản phẩm của công ty sẽ được giao đến tay khách hàng một cách nhanh chóng, khách hàng cũng tiếp cận được nhiều sản phẩm phong phú hơn từ mọi quốc gia trên thế giới. Từ đó, thương hiệu của doanh nghiệp cũng được nâng cao.
So với thương mại truyền thống, TMĐT hiện đang rất vượt trội và trở thành giải pháp giúp doanh nghiệp đạt được kết quả cao hơn mong đợi. Theo ông Dương Như Đức - Giám đốc Công ty Cổ phần Phân lân Ninh Bình, năm 2023, doanh thu của công ty là 727 tỷ đồng, tăng 4%; Lãi trước thuế là 34 tỷ đồng, lãi sau thuế là 28 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ. Như vậy, công ty vượt 71% kế hoạch lãi trước thuế đã đặt ra. Năm 2024, với khoảng 70% đơn hàng đã ký, công ty dự kiến tăng trưởng 15-20%.
“Phân bón là sản phẩm đặc thù, nhưng bên cạnh cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu truyền thống, thì doanh nghiệp đã xuất khẩu qua TMĐT xuyên biên giới trên sàn Alibaba. Việc tiếp cận và xúc tiến xuất khẩu trực tuyến giúp doanh nghiệp tiếp cận nhiều khách hàng hơn, nhất là thị trường Châu Á, thị trường tiêu thụ nhiều nhất là Malaysia, Indonesia...
Kết quả này tạo đà để doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu và đưa sản phẩm vươn xa”, vị lãnh đạo kỳ vọng.
Khó khăn hiện hữu
Song, cơ hội luôn đi cùng thách thức. Cụ thể là những khó khăn trong khâu vận chuyển, bảo quản, thông quan hàng hóa, sự hiểu biết về thủ tục xuất nhập khẩu, nhất là với lĩnh vực TMĐT xuyên biên giới.
Theo đó, doanh nghiệp cần lưu ý và tìm hiểu về thị trường nước nhập khẩu, một số sản phẩm có thể bán rất tốt tại thị trường này, nhưng lại không bán được ở thị trường khác vì tính chất của sản phẩm và đặc tính tiêu dùng của thị trường địa phương.
Để đưa được hàng hóa Việt Nam vào chuỗi cung ứng trên toàn cầu và xuất khẩu thành công qua các sàn TMĐT xuyên biên giới, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp phải hiểu rõ quy định về chất lượng, tiêu chuẩn hàng hóa và các quy định liên quan đến nhập khẩu của quốc gia nhập khẩu. Đảm bảo hàng hóa đạt tiêu chuẩn về chất lượng, đầy đủ chứng từ, chứng nhận phù hợp với yêu cầu của thị trường nhập khẩu, quy định về pháp lý trước khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường đó.
Doanh nghiệp cũng cần nắm rõ quy trình vận hành logistics trong TMĐT xuyên biên giới, cách bảo quản hàng hóa, tính toán phương án logistics tối ưu nhất và chi phí thấp nhất để tạo mức giá cạnh tranh khi phân phối trên sàn TMĐT tại quốc gia nhập khẩu.
Bắt kịp xu hướng
Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương - ông Vũ Bá Phú cho hay: “TMĐT là một kênh xuất khẩu mang đến nhiều lợi thế cho các doanh nghiệp. Điều này được minh chứng bằng thành quả mà các doanh nghiệp đã và đang đạt được. Hiện nay đã có nhiều doanh nghiệp quan tâm, đầu tư vào mảng kinh doanh này. Bên cạnh sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, doanh nghiệp cần thực sự chủ động, tích cực trong việc tìm hiểu thông tin, cơ chế chính sách, nghiên cứu thị trường, thẩm định đối tác, chú trọng vào công tác nâng cao, kiểm soát chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng quy định của thị trường nhập khẩu”.
TMĐT xuyên biên giới là xu thế tất yếu và trở thành một trạng thái “bình thường mới” đối với doanh nghiệp Việt Nam, giúp họ sớm phục hồi và tăng tốc trên đường đua thương mại quốc tế. Theo các chuyên gia kinh tế, hoạt động xuất nhập khẩu trước đây vốn chỉ dành cho các doanh nghiệp quy mô lớn, tài chính vững vàng. Nhưng hiện nay, các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ cũng có cơ hội công bằng để tiếp cận thương mại toàn cầu nếu chủ động khai thác xuất khẩu online.
Theo Amazon Global Selling, dự báo TMĐT sẽ trở thành ngành xuất khẩu lớn thứ 5 tại Việt Nam trong 5 năm tới, giá trị xuất khẩu có thể đạt 296,3 nghìn tỷ đồng vào năm 2027. Để tận dụng lợi thế của thương mại số, Bộ Công Thương phối hợp với các sàn TMĐT uy tín trên phạm vi toàn cầu như Amazon, Alibaba… để thúc đẩy xuất khẩu trực tuyến suốt thời gian qua.
Nhiều doanh nghiệp Việt hiện nay tăng cường đầu tư và ứng dụng công nghệ số, nâng cao năng lực xuất khẩu, kỹ năng bán hàng xuyên biên giới, nghiên cứu và phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu để gia tăng xuất khẩu sang các thị trường khác.
Giám đốc Marketing Công ty TNHH Alibaba.com Việt Nam - bà Nguyễn Thị Phương Uyên cho biết, Việt Nam có lợi thế là giá cả sản phẩm cạnh tranh, đa dạng mẫu mã, chất lượng đảm bảo. Ngoài ra, còn có lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA), giúp doanh nghiệp Việt tự tin đẩy mạnh xuất khẩu qua sàn TMĐT. Tuy nhiên, bà Uyên lưu ý, điểm yếu của doanh nghiệp Việt là khó khăn về ngôn ngữ, kỹ năng marketing, sử dụng các công cụ hỗ trợ; logistics... trên thị trường quốc tế còn yếu.
Dưới góc nhìn quản lý, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin và Chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương - ông Nguyễn Thành Dương nhận định, khi xuất khẩu hàng hóa, doanh nghiệp Việt gặp khó ở các quy định khắt khe của thị trường xuất khẩu, năng lực bản thân và chi phí tham gia vào hoạt động xuất nhập khẩu.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, Cục Xúc tiến thương mại đang phối hợp chặt chẽ với sàn TMĐT Alibaba để xây dựng và phát triển Gian hàng quốc gia Việt Nam - Vietnam Pavilion trên sàn này. Đây là cơ hội để 100 doanh nghiệp tiêu biểu hội tụ và tham gia TMĐT xuyên biên giới, giúp thúc đẩy các thương hiệu Việt trên thị trường quốc tế, thúc đẩy giao thương giữa người mua hàng quốc tế với nhà bán hàng Việt Nam.
Tuy nhiên, để có thể bán hàng thành công trên sàn TMĐT xuyên biên giới, các sản phẩm khi giao tới tay người tiêu dùng phải đảm bảo được đóng gói đẹp, chất lượng sản phẩm tốt, sử dụng vật liệu thân thiện, bền vững với môi trường. Nhất là không được để vi phạm trademark (thương hiệu). Vì vậy, các doanh nghiệp phải nỗ lực hơn trong việc sáng tạo, đổi mới mẫu mã sản phẩm, kiểm tra kỹ về vấn đề bản quyền để tránh rủi ro không đáng có. Đồng thời, sản phẩm cũng phải được thiết kế gọn gàng, dễ tháo lắp, vận chuyển.
Các chuyên gia cho rằng, thời gian tới, TMĐT quốc tế sẽ mở ra câu chuyện xuất khẩu cho các sản phẩm nông sản nói riêng và những sản phẩm vốn là thế mạnh của Việt Nam nói chung, nhất là khi Hiệp định EVFTA đã có hiệu lực. Điều này tạo ra cơ hội cho cả các doanh nghiệp xuất khẩu lớn, nhỏ, doanh nghiệp địa phương, hợp tác xã hay cá nhân có sản phẩm chất lượng tốt và biết nắm cơ hội tận dụng TMĐT./.
- Người dùng mua sắm hàng ngày trên sàn TMĐT: Kỳ vọng hơn trong bối cảnh mới
- Bùng nổ xu hướng tiệm bách hóa trên sàn TMĐT: Chi phí thấp, doanh thu khủng