ISSN-2815-5823

“Vân du” – Triển lãm sơn mài về tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt

(KDPT) - Nhân kỷ niệm ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, họa sỹ sơn ta Trần Tuấn Long sẽ tổ chức triển lãm 'Vân du', trưng bày loạt tranh sơn mài khổ lớn về tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt.

Triển lãm sẽ khai mạc vào chiều 8/3 tại Trung tâm Nghệ thuật Thành Đông Babeeni (đường Trường Chinh, phường Tân Bình, TP Hải Dương) và kéo dài đến hết ngày 8/4/2023.

Tác phẩm múa Song đăng.

Triển lãm sơn mài “Vân Du” phản ánh tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt là món quà ý nghĩa mà họa sỹ Trần Tuấn Long gửi đến công chúng nhân kỷ niệm 25 năm họa sỹ vẽ bức sơn mài đầu tiên về “Thế giới lên đồng của người Việt” và kỷ niệm 6 năm ngày khai mạc Triển lãm “Giá thánh” - triển lãm đầu tiên trên cả nước về Đạo Mẫu bằng chất liệu sơn mài tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

“Vân du” – Triển lãm sơn mài về tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt
Tác phẩm "Ông Hoàng Bảy".

Triển lãm trưng bày 20 tác phẩm sơn mài khổ lớn, trong đó một nửa là các tranh đã từng trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật trước đây, mà tác giả vẫn lưu lại như một sưu tập gia sản quý, tự sáng tạo của mình tại gia. Một nửa là các sáng tác mới nhất, đầy kịch tính, trong đó có 3 bức phong cảnh tại các phủ, đền, thường diễn ra nghi lễ hầu đồng lớn như Phủ Tây Hồ (Hà Nội), Miếu Vua Bà ở thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh), quê hương của họa sỹ. Đây cũng là nơi diễn ra những mạch cảm xúc đầu tiên khiến ông bắt tay đi vào con đường đại lộ vẽ Sơn mài Hầu Đồng.

Nhận định về mảng hội họa sơn mài vẽ Đạo Mẫu của Trần Tuấn Long, có các ý kiến nhiều chiều từ khán giả đủ mọi cung bậc, tầng lớp. Nhưng đánh giá thành công nhất là “hệ tác phẩm” này tập hợp tựu trung được thực sự “đương đại nét” - ở ba điểm.

“Vân du” – Triển lãm sơn mài về tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt
Tác phẩm Vạn cổ anh linh .

Đó là sự dân tộc tính - dân tộc hóa chiếu gương lại những tia sáng về một tín ngưỡng duy nhất của dân tộc ta bằng chất liệu sơn ta đặc trưng. Hình khối, bố cục từng bức vẽ vừa khoa học, hiện đại của nghệ thuật phương Tây, vừa giao duyên được với chi tiết "chiết xuất" từ tranh thờ cổ truyền. Tập hợp thể tạng, thần thái, phông nền tạo hình đều hiện ra đậm đà bản sắc, vừa sang trọng, vừa hướng tới nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của đông đảo nhân dân ta…

Cho đến nay, câu hỏi tại sao tục thờ Mẫu lại là tín ngưỡng duy nhất do chính dân tộc Việt xứ Bắc sinh ra, trường tồn hàng nghìn năm tuổi, đã được nhiều tác giả đề cập trong công trình văn hóa học.Ví dụ tiêu biểu đầy công phu như nghiên cứu của GS.TS Ngô Đức Thịnh (được xuất bản những năm 1996, 2001, 2007) và mới đây nhất là cuốn Đạo Mẫu Việt Nam (NXB Tri Thức 2002, 900 trang).

“Vân du” – Triển lãm sơn mài về tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt
Tác phẩm "Ông Hoàng Mười".

Nhưng tại sao nghi lễ Lên Đồng, cả ngàn năm trước cho đến giờ, đều khiến người Việt rung động tinh thần không sao tả nổi, vẫn sẽ là câu hỏi khó nêu lời đáp. Mà riêng với mỗi cá nhân, chỉ có thể tự giải thích cho chính bản thân mỗi người, khi có cơ hội trực cảm thưởng thức qua thực hành trong đạo Mẫu; Hoặc qua nghệ thuật hình ảnh động được ghi lại chọn lọc, hay qua thưởng lãm sơn mài “Giá Thánh”, “Vân du “ của Trần Tuấn Long.

Họa sỹ Trần Tuấn Long sinh ngày 10/3/1967 tại Quảng Yên - Quảng Ninh. Ông đã theo học Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, thành viên nhóm họa sỹ Sơn ta Việt Nam và nhóm Moutain Stars. Ông từng giành nhiều giải thưởng lớn như: Giải thưởng Mỹ thuật Việt Nam -ASEAN năm 2003; Giải thưởng Mỹ thuật khu vực I Hà Nội năm 2005; Giải Nhất Giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 2015; Giải Nhì Khu vực I Hà Nội năm 2015… Ông đã tham gia nhiều triển lãm tranh trong nước và quốc tế.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 22/11/2024