Vì sao giá iPhone luôn đắt đỏ?
Đa số các mẫu điện thoại Android hiện nay trên thị trường thường không được cập nhật phần mềm thường xuyên, ngoại trừ một số dòng như Google Pixel, Nokia… Theo thống kê của Google, phiên bản Android 9 Pie mới nhất hiện chỉ chiếm chưa tới 0,1% dù ra mắt đã được bốn tháng. Android 8.1 và 8 có thị phần lần lượt là 14,6% và 12,1%, phổ biến nhất vẫn là Android 7.0 và 7.1 Nougat với 30,8%.
Ngược lại, phiên bản iOS 12 hiện đã được cài đặt trên hơn 50% thiết bị (iPhone, iPad và iPod Touch). Mặc dù đây không phải là phiên bản có tốc độ cập nhật nhanh nhất của Apple, nhưng nó vẫn bỏ xa đối thủ Android, vốn bị phân mảnh nặng nề. Việc cập nhật chậm chạp gần như đã khiến người dùng không còn quan tâm mỗi khi có phiên bản Android mới ra mắt, điều này hoàn toàn trái ngược với người dùng iPhone và iPad.
1. Hệ sinh thái ổn định
Apple đã tạo ra một hệ sinh thái hoàn chỉnh, nơi mọi thứ được liên kết chặt chẽ nhằm mang đến những trải nghiệm tốt nhất cho người dùng. Ví dụ, bạn có thể kết nối iPhone, iPad với các thiết bị khác của Apple như Mac, Apple TV, AirPods, iPod, HomePod, Apple Watch.
Chỉ với một tài khoản (Apple ID) và mật khẩu duy nhất, bạn có thể truy cập dữ liệu ở bất cứ đâu, dễ dàng gửi dữ liệu từ thiết bị này sang thiết bị khác. Sao chép (copy) văn bản trên máy Mac và dán (paste) nội dung trong ứng dụng Notes trên iPhone, iPad…
2. Cập nhật liên tục
Apple không bao giờ phân biệt đối xử giữa các thiết bị khi phát hành phiên bản iOS mới. Cụ thể, phiên bản iOS 12 đến nay vẫn tương thích với iPhone 5S, một mẫu điện thoại được ra mắt vào tháng 9-2013. Trong khi đó các thiết bị Android chỉ được hỗ trợ tối đa khoảng 3 năm, nếu muốn trải nghiệm các phiên bản mới, bạn chỉ còn cách bán thiết bị và mua những mẫu điện thoại mới hơn.
3. Trải nghiệm ứng dụng mới
Giống như hệ điều hành, người dùng iOS thường sẽ được trải nghiệm trước các phiên bản ứng dụng mới nhất như Facebook, Twitter, Instagram…
4. Giá trị sản phẩm cao
Theo trang so sánh giá PriceSpy, chỉ ba tháng sau khi ra mắt, mức giá khởi điểm của những chiếc điện thoại Samsung đã giảm trung bình khoảng 35%, thậm chí lên đến 40,6% và 38,3% cho với hai mẫu điện thoại Galaxy S5 và Galaxy S7. Mức giảm thấp nhất thuộc về Samsung Galaxy S8 với 25%.
Đa số các hãng đều giảm giá sản phẩm chỉ sau vài tháng ra mắt, tuy nhiên dường như các sản phẩm của Apple lại nằm trong danh sách ngoại lệ. PriceSpy đã theo dõi giá của bốn phiên bản iPhone và nhận thấy mức giá bán của iPhone chỉ giảm khoảng 8,8% sau ba tháng. Nếu chờ đợi được, người dùng sẽ tiết kiệm được một khoản tiền không nhỏ, tuy nhiên việc này không thể ngăn được các fan hâm mộ “táo khuyết” đổ xô đi mua phiên bản mới trong ngày mở bán.
5. Khả năng tương thích phần cứng, phần mềm
Các nhà phát triển phần mềm phải trải qua một cuộc kiểm tra nghiêm ngặt trước khi ứng dụng của họ được xuất hiện trên App Store. Điều này nhằm mục đích kiểm soát chặt chẽ các phần mềm độc hại. Ngược lại, Android là hệ điều hành mã nguồn mở, do đó, bất kì nhà sản xuất điện thoại nào cũng có thể sử dụng nền tảng này để tạo ra một phiên bản tùy biến, việc tải ứng dụng lên Google Play cũng đơn giản hơn so với App Store.
Dù có dung lượng RAM chỉ bằng 1/3 so với các thiết bị Android đời mới, tuy nhiên iPhone có tốc độ mở ứng dụng và khả năng xử lý đa nhiệm vẫn nhanh hơn các thiết bị Android. Điều này cũng không có gì khó hiểu khi Apple có lợi thế trong việc kiểm soát cả hai mảng phần cứng lẫn phần mềm, trong khi đó các nhà sản xuất khác lại tự tối ưu hóa riêng Android dẫn đến sự phân mảnh và không đồng nhất.
6. Dễ sử dụng
Vì được tùy biến nên giao diện các thiết bị Android sẽ có phần khác nhau đôi chút, trái ngược hoàn toàn so với iOS. Mọi thứ đều có sẵn trên màn hình, khi gõ từ khóa vào khung tìm kiếm, bạn sẽ thấy tất cả mọi thứ…
Trên đây là những lí do khiến sản phẩm của Apple luôn có giá cao hơn các thiết bị Android, bởi mọi thứ bạn bỏ ra đều đáng “đồng tiền bát gạo”.
Theo Plo.vn