Nhìn lại, năm 2022 cũng chứng kiến nhiều biến động, khó khăn. Những khó khăn dồn ứ trên vai người lao động, việc làm giảm, khả năng cao là mất việc bởi thiếu đơn hàng, thiếu chuỗi cung ứng nguyên vật liệu. Dòng tiền luân chuyển rất chậm và suy kiệt, lãi suất vượt 2 con số, các dự án công tư cầm chừng,... Viễn cảnh gần và xa cần có hấp dẫn gì để kinh tế đột phá vươn lên như Nghị quyết của Chính phủ ban hành về các chỉ số tăng trưởng GDP đạt 6.5% và lạm phát dưới 4% cho năm 2023? Đây là một vấn đề vô cùng trọng yếu bởi theo dự báo của các tổ chức uy tín thì năm 2023 còn khó khăn hơn năm 2022, khi các chỉ số đều ở mức thấp nhất và báo động đỏ. Kinh tế toàn cầu có thể bước vào thời kỳ khủng hoảng nghiêm trọng, dẫn đến tăng trưởng GDP bình quân không vượt qua ngưỡng 2%. Việt Nam thì sao? Hãy nhìn lại chính mình, nhìn về phía sau và hướng về phía trước có gì sáng hơn bức tranh toàn cảnh kinh tế thế giới? Khó vô cùng bởi chúng ta chịu tác động quá lớn từ nội tại với những vấn đề chưa có giải pháp tháo gỡ. Hãy quay lại nhìn lại chính mình, nhận diện được yếu kém trong cách điều hành kinh tế vĩ mô, vi mô thời gian qua, ta sẽ có cái nhìn toàn cảnh trong nước và quốc tế để hoạch định chính sách phù hợp với thực tế. Theo tôi, muốn đạt được những “con số đẹp” như Chính phủ và Quốc hội đã thông qua, cấp có thẩm quyền cần lưu tâm những việc dưới đây: Thứ nhất: Quốc hội, Chính phủ cần rà soát lại các qui định của pháp luật và các Nghị quyết đã ban hành có hiệu lực thực thi và các văn bản hướng dẫn triển khai thúc đẩy phát triển kinh tế chưa được thông thoáng, còn nhiều câu từ khó hiểu, khó thực hiện. Cần điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tế để thuận lợi cho việc quản lý và triển khai. Điều đặc biệt quan trọng là hạn chế tối đa hình sự hoá các quan hệ dân sự và không hồi tố các văn bản pháp luật đã ban hành thời gian trước để áp dụng cho thời gian sau. Thứ hai: Làm trong sạch, minh bạch thị trường tài chính, chứng khoán, bất động sản. Việc làm trong sạch, minh bạch các lĩnh vực đầu tư công – tư của Việt Nam là điều tiên quyết và cần phải làm cho dù thời điểm này đã là chậm so với diễn biến của thực tế. Trong đất nước đang phát triển thì thị trường tài chính, chứng khoán, bất động sản là then chốt để huy động các nguồn lực trong xã hội chung tay phát triển các lĩnh vực trọng tâm của quốc gia. Thứ ba: Bảo đảm an sinh xã hội, an ninh năng lượng, an ninh lương thực và an ninh quốc phòng. Chúng ta cần nhìn thẳng vào sự thật, đối diện với bức tranh rất tối của thế giới và phải đặt ra trong ngắn hạn và trung hạn kinh tế thế giới sẽ lâm vào đại khủng hoảng còn nghiêm trọng hơn thời kỳ năm 2010. Từ đó các cơ quan tham mưu cho Đảng, Nhà nước có chính sách cho phù hợp.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 01/NĐ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội - Ảnh minh họa
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 01/NĐ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội - Ảnh minh họa

Tôi tin tưởng rằng khi chúng ta làm tốt công tác dự báo và hoạch định được các mục đích cốt lõi có đủ khả năng đạt được mới là điều tiên quyết để bình ổn xã hội và lấy lại niềm tin trong cộng đồng xã hội và, doanh nhân, doanh nghiệp. Thứ tư: Đảng, Nhà nước cần thiết phải loại bỏ những cán bộ “sợ trách nhiệm”, “ngồi im”, thay vào đó là những cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu và chỉ đạo “thà ít mà tốt”. Thứ năm: Nhà nước cần ban hành luật và chính sách tốt phù hợp với thực tế trong nước và thế giới, đồng thời thực thi, xử lý các vi phạm minh bạch, rõ ràng. Nhà nước không cần mở ra các công ty, tập đoàn do nhà nước quản lý sẽ làm méo mó thị trường (trừ những doanh nghiệp công ích). Hãy “cởi trói” để cho các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để đóng góp nhiều hơn vào nền kinh tế. Thứ sáu: Xây dựng, sửa đổi bổ sung hệ thống luật pháp phù hợp với thế giới và lấy hình mẫu của các nước phát triển. Luật cần mang hơi thở của cuộc sống, đúng, trúng và chuẩn để có giá trị lâu bền nhiều năm sau không cần thiết phải thay đổi, điều chỉnh và bổ sung. Việt Nam chúng ta chỉ cần làm tốt những giải pháp nêu trên Việt Nam chỉ cần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 6.5% trong năm tài khoá 2023 và lạm phát không vượt quá 4% đã là thành công trên mức mong đợi của người dân.

Doanh nhân Việt kiều
NGUYỄN HOÀI BẮC