ISSN-2815-5823
QUANG ĐỨC
Thứ sáu, 09h57 23/02/2024

Việt Nam cần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu để tăng năng suất

(KDPT) - Theo GS. Trần Văn Thọ (Đại học Waseda - Nhật Bản) trong khoảng một thập niên tới, mở rộng công nghiệp hóa, chuyển dịch cơ cấu công nghiệp và cải cách thể chế để phân bổ hiệu suất các nguồn lực là các yếu tố tăng năng suất.
Công nhân làm việc trong dây chuyền sản xuất linh kiện cơ khí siêu chính xác tại Công ty TNHH Fujikin Bắc Ninh, Khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh. Ảnh: ANH SƠN
Công nhân làm việc trong dây chuyền sản xuất linh kiện cơ khí siêu chính xác tại Công ty TNHH Fujikin Bắc Ninh, Khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh. (Ảnh: Anh Sơn)

Hơn ba thập kỷ đổi mới, phát triển, Việt Nam đã chuyển từ nước nghèo, tiến gần mức thu nhập trung bình cao. Việt Nam đang đặt mục tiêu thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.

"2024-2030 là giai đoạn quyết định để Việt Nam chuyển mình", GS. TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhấn mạnh tại tọa đàm "30 năm phát triển của Việt Nam: Nhìn lại quá khứ và ứng phó với thách thức mới", ngày 22/2.

Tuy nhiên, thách thức của Việt Nam là làm sao để có thể tiếp tục tăng trưởng nhanh, bền vững (bình quân 7% trong 20 năm tới), dần bước vào nhóm các nước có thu nhập cao. Việt Nam cũng cần tránh vết xe đổ của nhiều nước đi trước như Thái Lan, Malaysia, Indonesia - sau thời gian dài chưa thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Cũng theo GS.TS Phạm Hồng Chương, trong hơn ba thập kỷ qua, Việt Nam đã chuyển đổi mạnh mẽ, trở thành một trong những nền kinh tế có độ mở lớn nhất và định hướng xuất khẩu trên thế giới. Trên cơ sở các kết quả đã đạt được, Việt Nam đặt mục tiêu đến 2030 trở thành quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình cao và đến 2045 là nước phát triển có thu nhập cao. Muốn vậy, nền kinh tế sẽ phải tăng trưởng với tốc độ bình quân hàng năm là 7% trong vòng 20 năm tới.

Ông Chương cho biết thêm, một số xu hướng lớn đang định hình tương lai của Việt Nam. Đó là sự phát triển mạnh mẽ của Cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo mang đến cơ hội nâng cao khả năng cạnh tranh và tính bền vững về kinh tế, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và quy trình sản xuất. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra nhiều thách thức như gia tăng thất nghiệp; vấn đề về hạ tầng; rủi ro hơn về an toàn, an ninh thông tin cũng như cạnh tranh và tụt hậu... Bên cạnh đó, Việt Nam cũng phải đối mặt tình trạng dân số già đi nhanh chóng; suy thoái môi trường, biến đổi khí hậu đang gia tăng…

GS. Ngô Thắng Lợi cho biết, Việt Nam luôn định hướng các mục tiêu phát triển xã hội ở mức khá cao và luôn hoàn thành vượt mức trong suốt 30 năm qua.

Cụ thể, ông Lợi cho biết, trong 30 năm vừa qua, Việt Nam đã vượt được 2/3 cửa ải. Đầu tiên, Việt Nam đã vượt qua được vấn đề an ninh lương thực trong giai đoạn 1991-2000. Cửa ải thứ hai, theo ông Lợi, đó là Việt Nam đã thoát khỏi danh sách các nước có thu nhập trung bình thấp. Còn lại, mục tiêu thách thức thứ ba chưa vượt qua được là trở thành nước công nghiệp vào năm 2020.

"Việt Nam đã cơ bản xây dựng được tiền đề của một nước công nghiệp", GS. Ngô Thắng Lợi đánh giá.

Tuy nhiên, quá trình phát triển của Việt Nam cũng bộc lộ nhiều bất cập khi tăng trưởng đang có dấu hiệu "hụt hơi" theo thời gian. Biên độ tăng trưởng đang có xu hướng giảm và chưa đủ mạnh để tạo ra những đột phá trong thực hiện tiến bộ xã hội.

Theo GS. Trần Văn Thọ, Đại học Waseda (Nhật Bản), với 30 năm đổi mới và phát triển, kinh tế Việt Nam tăng trưởng khả quan. Việt Nam chuyển từ một nước nghèo sang một nước có thu nhập trung bình thấp vào năm 2008 và hiện nay đang tiến gần đến mức thu nhập trung bình cao. GNI đầu người của Việt Nam vào năm 2022 là 3.939 USD.

"Việt Nam có lẽ sẽ đạt mức thu nhập trung bình cao (hơn 4.300 USD) vào giữa thập niên 2020", GS. Trần Văn Thọ cho hay.

Tuy nhiên, theo GS. Trần Văn Thọ, để vươn lên từ mức thu nhập trung bình cao đến mức thu nhập cao vào năm 2045, tránh được bẫy thu nhập trung bình và tiếp tục phát triển bền vững trong hai thập niên tới, Việt Nam cần lưu ý 5 nhóm chính sách. Một là, mở rộng, thâm sâu và chuyển dịch công nghiệp hóa thông qua thúc đẩy khởi nghiệp để đầu tư sản xuất hàng công nghiệp; nỗ lực thay thế hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc; đưa ra chính sách FDI mới gồm nỗ lực thu hút các dự án chất lượng cao để sản xuất hàng công nghiệp có hàm lượng kỹ năng cao, công nghệ cao và thay thế nhập khẩu, đồng thời khuyến khích liên kết theo chiều dọc giữa FDI với doanh nghiệp trong nước, tạo cơ hội để doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Hai là, chính quy hóa khu vực phi chính thức và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo đó, cần chuyển những đơn vị sản xuất kinh doanh hộ gia đình thành doanh nghiệp chính quy, có tổ chức thông qua đơn giản hóa thủ tục, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa hiệu quả để tạo hiệu ứng thí điểm.

Ba là cải thiện thị trường các yếu tố sản xuất và môi trường kinh doanh. Bốn là đẩy mạnh cung cấp lao động kỹ năng vốn đang rất thiếu hụt, trong đó chính sách mở rộng huấn nghiệp, cao đẳng chuyên môn được ban hành gần đây cần được thực hiện ngay. Năm là tăng cường năng lực đổi mới sáng tạo thông qua tăng tỷ lệ nghiên cứu và phát triển (R&D)/GDP, hiện nay mới chỉ 0,7%; có chính sách khuyến khích doanh nghiệp tư nhân và FDI tích cực trong R&D.

Ông Thọ nhấn mạnh, nếu 5 chính sách trên được thực thi, tích luỹ tư bản sẽ được tăng cường, mở rộng theo hướng hiệu suất và kích thích sử dụng công nghệ. Thâm dụng tư bản (tăng tư bản trên mỗi lao động) và hiệu suất phát sinh từ chuyển hoán cơ cấu và cải cách thể chế sẽ làm tăng năng suất - điều kiện để tránh bẫy thu nhập trung bình và tiếp tục tăng trưởng để đạt mức thu nhập cao.

“Trong khoảng một thập niên tới, mở rộng công nghiệp hóa, chuyển dịch cơ cấu công nghiệp và cải cách thể chế để phân bổ hiệu suất các nguồn lực là các yếu tố tăng năng suất. Đồng thời, Việt Nam cần chuẩn bị thời đại tăng trưởng dựa trên đổi mới sáng tạo cho thập niên 2030 và xa hơn”, GS. Trần Văn Thọ phát biểu.

Còn theo GS. Ngô Thắng Lợi, để đạt được mục tiêu tăng trưởng cao, tăng trưởng nhanh vẫn là điều kiện trung tâm, song cần chú trọng chất lượng của tăng trưởng; ông Lợi đề xuất cần tăng trưởng nhanh ở vùng động lực; kết nối vùng động lực với các vùng khác, đặc biệt là các vùng chậm phát triển để họ có thể trực tiếp tham gia vào quá trình tạo thu nhập. Đối với doanh nghiệp, cần tạo sân chơi bình đẳng cho họ, đề cao vai trò của các “sếu đầu đàn”.

Còn GS. Kenichi Ohno Viện nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản (GRIPS) cho rằng, để ứng phó với bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam cần có các nhà lãnh đạo năng động, khôn ngoan về kinh tế và đích thân chỉ đạo các chính sách (quản lý từ trên xuống). Các nhà kỹ trị có năng lực, tận tâm và trong sạch đều quan trọng như nhau đối với việc thực thi chính sách (khả năng từ dưới lên)./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 27/07/2024