ISSN-2815-5823
MINH THÀNH
Thứ sáu, 08h10 01/09/2023

Việt Nam vẫn thiếu doanh nghiệp dẫn đầu

(KDPT) - Theo TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Quốc tế Viện Chiến lược phát triển cho rằng, “Mặc dù doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, nhưng Việt Nam hiện vẫn chưa có nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn, đạt được tầm cỡ thế giới. Các thương hiệu Việt Nam vẫn có giá trị thấp hơn các thương hiệu của nhiều quốc gia Đông Nam Á. Để lớn mạnh được, doanh nghiệp tư nhân quy mô nhỏ và vừa gặp nhiều trở ngại (cả khách quan và chủ quan) trong quá trình phát triển”.
Ảnh minh họa.

Phát biểu tại hội thảo công bố báo cáo Đánh giá 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam (VPE500-Báo cáo 2023) diễn ra ngày 31/8, TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Quốc tế Viện Chiến lược phát triển cho biết, tính đến thời điểm 31/12/2021, Việt Nam có 694.200 doanh nghiệp tư nhân trong nước (VPE), chiếm 96,6% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động; thu hút 58,1% số lao động, chiếm 59,3% tài sản và tạo ra 57,8% doanh thu thuần của khối doanh nghiệp.

VPE phần lớn là các doanh nghiệp được thành lập sau đổi mới có quy mô nhỏ và vừa. Vào cuối năm 2021, chỉ có 0,22% số doanh nghiệp có quy mô từ 500 lao động trở lên, thấp hơn tỉ lệ chung 0,52% cũng như 8,29% của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và 19,52% của doanh nghiệp nhà nước.

Mặc dù xuất hiện ở 53/63 tỉnh/thành phố, VPE500 tập trung nhiều ở vùng Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ (chiếm khoảng 75%) và có xu hướng tăng nhẹ. Hai trung tâm kinh tế lớn là TPHCM và Hà Nội và một số địa phương có mật độ doanh nghiệp cao như Bình Dương, Đồng Nai, Hưng Yên chiếm khoảng 50- 52% tổng số. Nhìn chung, VPE500 đang được hình thành dựa trên các lợi thế hạ tầng, nguồn lực và thị trường của các địa phương. VPE500 phân bố ở 21/21 ngành cấp 1, trong đó, tập trung nhiều nhất ở ngành công nghiệp chế biến chế tạo, thương mại và xây dựng.

Doanh nghiệp dịch vụ chiếm ưu thế về số lượng trong VPE500, đặc biệt là trong nhóm 11 doanh nghiệp lớn nhất. Trong đó, ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm chiếm ưu thế nhất, tiếp theo là ngành thương mại. Doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến chế tạo trong danh sách VPE500 có biến động khá lớn, có thời điểm chiếm 49% trong danh sách VPE500 (năm 2000) nhưng thứ hạng trong bảng danh sách không cao.

Ngược lại, nhóm doanh nghiệp hoạt động trong ngành bất động sản và xây dựng chiếm tỷ lệ khá cao trong danh sách VPE500 nhưng giảm nhanh cả về số lượng và vị trí do gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn Covid-19.

“Mặc dù doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, nhưng Việt Nam hiện vẫn chưa có nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn, đạt được tầm cỡ thế giới. Các thương hiệu Việt Nam vẫn có giá trị thấp hơn các thương hiệu của nhiều quốc gia Đông Nam Á. Để lớn mạnh được, doanh nghiệp tư nhân quy mô nhỏ và vừa gặp nhiều trở ngại (cả khách quan và chủ quan) trong quá trình phát triển”, TS. Trần Toàn Thắng nhấn mạnh.

Về kết quả hoạt động của các doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam, TS. Trần Toàn Thắng cho biết, đại dịch Covid -19 đã làm giảm quy mô lao động của doanh nghiệp và mức độ ảnh hưởng đối với doanh nghiệp nhỏ nhiều hơn so với doanh nghiệp lớn. Trong 2 năm đại dịch bùng phát, những doanh nghiệp có sự sụt giảm lớn về quy mô thuộc về nhóm giải trí, xây dựng, dịch vụ lưu trú ăn uống. Trong khi đó, nhóm ngành có tăng trưởng khá tốt là điện, y tế, vận tải, kho bãi.

So sánh giữa 2 năm Covid-19 và một năm trước đó thấy có biến động khá lớn về số doanh nghiệp ra vào trong danh sách VPE500. Năm 2020, có tới 97/500 doanh nghiệp (19,4%) đã không còn trong xếp hạng VPE500 của năm 2019. Những doanh nghiệp này tập trung vào nhóm ngành bị ảnh hưởng nhiều bởi Covid-19 như bất động sản và xây dựng (23/89), thương mại (15/73), dệt may (7/32), chế biến thực phẩm (9/70). Chỉ có một số ít ngành vẫn giữ được số lượng thuộc VPE500 là những ngành được đánh giá là hưởng lợi trong Covid-19 như thông tin truyền thông, bưu chính, sản xuất và phân phối điện.

Đến năm 2021, có tới 61 doanh nghiệp nữa rời khỏi danh mục, nâng tổng số rời đi sau 2 năm lên tới 158, tương đương 31,6% và vẫn tập trung vào các nhóm ngành bị ảnh hưởng nặng ở trên. Bên cạnh đó, ngay cả với các doanh nghiệp vẫn còn duy trì trong bảng xếp hạng, thứ hạng của các doanh nghiệp này cũng giảm đi nhanh chóng, tỷ lệ giảm trên 50 bậc là trên 60%. Tỷ lệ ra khỏi danh mục chung của ngành công nghiệp chế biến chế tạo là 25,3%, thấp hơn tỷ lệ chung là 28,0%.

Hầu hết các doanh nghiệp trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm vẫn giữ được vị trí cao trong bảng xếp hạng và ít thay đổi về thứ bậc. Tương tự, doanh nghiệp thuộc TOP50 vẫn giữ được xếp hạng và thứ hạng cũng ít thay đổi hơn.

Rõ ràng, trong giai đoạn Covid-19, mức độ ổn định của VPE500 có cao hơn, điều này cho thấy các doanh nghiệp lớn vẫn duy trì tốt được vị thế của mình trên thị trường so với nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Để xây dựng được một lực lượng các doanh nghiệp tư nhân lớn, phát triển ổn định, chống chịu được các cú sốc lớn từ bên ngoài, và làm tăng hiệu quả của toàn nền kinh tế, ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (Ban Kinh tế Trung ương) cho rằng, muốn xây dựng doanh nghiệp tư nhân dẫn dắt thị trường, Chính phủ phải đưa ra chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.

“Tuy vậy, chúng ta cần phải lọc 500 doanh nghiệp này rồi tiếp tục khảo sát để xem doanh nghiệp họ cần gì thì báo cáo của chúng ta sẽ có ý nghĩa hơn. Như doanh nghiệp muốn mở rộng thị trường hay quy mô hay như thế nào… để có giải pháp dù điều này phụ thuộc vào nguồn lực của doanh nghiệp”, ông Nguyễn Tú Anh cho hay.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 27/07/2024