Đô thị Vĩnh Phúc ngày càng văn minh, hiện đại.

Thời kỳ sau giải phóng là giai đoạn đất nước gặp nhiều khó khăn về mọi mặt, đòi hỏi Đảng, Nhà nước phải nhanh chóng tìm ra các giải pháp nhằm tháo gỡ, sớm đưa đất nước thoát khỏi tình trạng khủng hoảng về kinh tế-xã hội.

Trong bối cảnh chung đó, Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phú (nay là 2 tỉnh Vĩnh Phúc – Phú Thọ) đã lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong tỉnh tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ để lại, liên tục chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt do bão, lũ, hạn hán… gây ra.

Đồng thời, tích cực khai thác tiềm năng của các địa phương trong tỉnh, đẩy mạnh sản xuất, từng bước phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội; nâng cao đời sống nhân dân; xây dựng hệ thống chính trị các cấp, đảm bảo kịp thời yêu cầu lãnh đạo và công tác quản lý ở địa phương, đóng góp sức người, sức của cho cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tổ quốc.

Thời kỳ 1976-1996, đặc biệt là 10 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng (1986-1996) trong hoàn cảnh đất nước phải trải qua muôn vàn khó khăn, nhưng, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đã đoàn kết một lòng, vượt qua thử thách, giành được những thành tựu rất quan trọng.

Kinh tế phát triển tương đối toàn diện và đạt mức tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ tăng lên, nông, lâm nghiệp giảm xuống; cơ chế kinh tế mới được khẳng định và đem lại hiệu quả rõ rệt.

Ghi nhận những kết quả đạt được, năm 1985, nhân kỷ niệm 40 năm Cách mạng tháng Tám, Hội đồng Nhà nước đã trao tặng nhân dân các dân tộc, cán bộ chiến sĩ tỉnh Vĩnh Phú Huân chương Sao Vàng.

Từ năm 1997 (thời điểm Vĩnh Phúc được tái lập) đến nay, để đưa Vĩnh Phúc phát triển theo đúng định hướng, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã đoàn kết một lòng, tranh thủ thời cơ, phát huy lợi thế, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt trong lãnh đạo, chỉ đạo đã quán triệt và vận dụng sáng tạo các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào điều kiện của tỉnh. Sau 25 năm, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Vĩnh Phúc phấn khởi, tự hào trước những thành tựu quan trọng đã đạt được trên các lĩnh vực.

Ngay sau khi tái lập, tỉnh Vĩnh Phúc đã có những thuận lợi căn bản. Trước tiên, việc tái lập tỉnh đã đáp ứng được nguyện vọng của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh, tạo không khí hồ hởi, phấn khởi để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế – xã hội của địa phương.

Quy mô, dân số và diện tích vừa phải, tạo điều kiện cho công tác chỉ đạo, điều hành của tỉnh được sâu sát, hiệu quả hơn. Nhân dân có truyền thống đoàn kết, cần cù, sáng tạo trong sản xuất và có kinh nghiệm trong việc đổi mới cơ chế quản lý. Nguồn lao động dồi dào, có trình độ văn hóa khá.

Vĩnh Phúc có nhiều danh lam, thắng cảnh vẫn giữ được môi trường sinh thái mà thiên nhiên ưu đãi như hồ Đại Lải, Đầm Vạc, Vườn quốc gia Tam Đảo, Tây Thiên… đó là những cơ sở, điều kiện để tỉnh phát triển ngành Du lịch.

Vĩnh Phúc là tỉnh liền kề với Thủ đô Hà Nội, gần Sân bay quốc tế Nội Bài và là địa bàn chuyển tiếp giữa vùng trọng điểm kinh tế phía Bắc với các tỉnh miền núi Bắc Bộ. Trên địa bàn tỉnh có các trục giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt đi các tỉnh và ra cảng biển Cái Lân. Đó là những tiềm năng lớn để Vĩnh Phúc thúc đẩy nền kinh tế hàng hóa phát triển toàn diện, bao gồm công nghiệp, nông nghiệp, du lịch và dịch vụ, đồng thời mở rộng giao lưu văn hóa, xã hội.

Những thành tựu của đất nước và của tỉnh sau 10 năm đổi mới là cơ sở, động lực để nhân dân cả nước nói chung và nhân dân Vĩnh Phúc nói riêng thêm vững tin bước tiếp trên con đường đổi mới. Đường lối công nghiệp hóa, hiện đại hóa tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng (6/1996) đề ra là những định hướng và tiền đề để Đảng bộ Vĩnh Phúc hoạch định đường lối phát triển kinh tế-xã hội.

Bên cạnh những thuận lợi, sau khi tái lập, tỉnh Vĩnh Phúc cũng phải đối mặt với những khó khăn, thách thức. Sau 10 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Vĩnh Phúc vẫn là tỉnh nghèo, với điểm xuất phát của nền kinh tế rất thấp. GDP bình quân đầu người chỉ bằng 48% so với bình quân chung cả nước. Kinh tế hàng hóa chậm phát triển. Sản xuất nông nghiệp vẫn là chủ yếu, chiếm 52,5% giá trị GDP…

Từ sự phân tích thẳng thắn, khách quan những thuận lợi và khó khăn của một tỉnh mới thành lập, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc chỉ đạo UBND tỉnh xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 1997, kế hoạch 4 năm 1997-2000 và định hướng chiến lược dài hạn từ năm 1997 đến năm 2010. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã dành nhiều thời gian thảo luận, cho ý kiến về định hướng quy hoạch tổng thể đô thị tỉnh lỵ và các trung tâm kinh tế…

Đặc biệt là vận dụng linh hoạt, sáng tạo các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong việc thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp gắn liền với đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ môi trường.

Nhờ những nỗ lực trong lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ và các cấp chính quyền, các ngành, sự năng động, sáng tạo của người dân và có nhiều cơ chế, chính sách mới khuyến khích sản xuất phát triển, các chỉ số kinh tế-xã hội của tỉnh có nhiều bước nhảy vọt quan trọng.

Có nhiều giai đoạn, giá trị sản xuất công nghiệp tăng trung bình trên 23%/năm. Nông nghiệp có sự chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng giá trị kinh tế cao, quá trình đô thị hóa không ngừng tăng mạnh kéo theo sự phát triển nhanh của các ngành thương mại, dịch vụ.

Quốc phòng, an ninh không ngừng được củng cố và giữ vững, trật tự xã hội được đảm bảo, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ nét. Thu ngân sách của tỉnh tăng dần và tăng mạnh theo từng năm, từ khoảng 100 tỷ đồng năm đầu tái lập tỉnh lên đến hơn 30 nghìn tỷ đồng những năm gần đây.

Có thể nói, xuất phát từ các bài học trên cơ sở thực tế tình hình của đất nước, bối cảnh thế giới và yêu cầu phát triển cụ thể của tỉnh, Vĩnh Phúc đã bám sát các chỉ đạo của Trung ương, cụ thể hóa bài bản bằng các nghị quyết, chương trình hành động của tỉnh để tranh thủ thời cơ, khai thác tiềm năng, lợi thế, vượt qua khó khăn, thách thức trước mắt cũng như lâu dài, đưa kinh tế-xã hội phát triển nhanh và bền vững.

Cụ thể, tỉnh đã xây dựng một số mục tiêu cốt lõi với quyết tâm thực hiện bằng được, thực hiện có hiệu quả gồm: Nhanh chóng xóa đói, thoát nghèo; đi lên bằng công nghiệp, lấy công nghiệp là trung tâm; tận dụng cơ hội hội nhập kinh tế; đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư, trình độ công nghệ, kỹ thuật tiên tiến; tập trung vào 3 trụ cột là phát triển kinh tế, an sinh xã hội và đảm bảo môi trường – đảm bảo an ninh trật tự; xây dựng một xã hội hài hòa, ổn định, văn minh; xây dựng Vĩnh Phúc thành nơi đáng sống của tất thảy người dân.

Qua 25 năm tái lập, tỉnh đã vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng, với những chủ trương, chính sách đúng, phù hợp thực tiễn, từ đó vươn lên, đạt nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội; tạo tiền đề để Vĩnh Phúc đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Hiện tại, Vĩnh Phúc là một trong những địa phương duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong cả nước; bình quân giai đoạn 1997-2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh tăng 13,42% (có năm tăng trên 20%), cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước và các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng.

Sản xuất linh kiện điện tử là thế mạnh của công nghiệp Vĩnh Phúc bởi tính thân thiện với môi trường và cho hiệu quả kinh tế cao.

Trong đó, riêng năm 2021 là năm đặc biệt khó khăn do dịch bệnh tác động từ đầu năm, quy mô rộng, diễn biến phức tạp trong cả nước, thậm chí được coi là năm khó khăn nhất từ khi tái lập tỉnh đến nay; song, với sự quyết liệt chỉ đạo của Tỉnh ủy, sự linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành của HĐND, UBND tỉnh, tăng trưởng kinh tế của tỉnh vẫn đạt 8,02%, đứng thứ 9 toàn quốc và đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế chung của cả nước.

GRDP bình quân đầu người của tỉnh được cải thiện tích cực khi tăng từ 2 triệu đồng (năm 1997) lên 105,5 triệu đồng (năm 2020), đưa GRDP bình quân đầu người của tỉnh cao gấp 1,73 lần so với bình quân của cả nước, đứng thứ 10/63 tỉnh, thành phố. Năm 2021, GRDP bình quân đầu người của tỉnh đạt 114 triệu đồng, bằng 52 lần năm 1997.

Đánh giá về những bài học kinh nghiệm trong việc nắm bắt thời cơ, tận dụng lợi thế đặc thù của địa phương để phát triển kinh tế xã hội trong từng thời điểm, đồng chí Trịnh Đình Dũng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc – người có nhiều năm đảm nhận vị trí lãnh đạo chủ chốt của tỉnh qua các thời kỳ nêu rất ngắn gọn nhưng đầy súc tích:

Đó là phải xây dựng, bồi dưỡng được đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất và năng lực để thực hiện nhiệm vụ. Đối với cán bộ chủ chốt ở mọi cấp, mọi ngành phải có bản lĩnh, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, phục vụ nhân dân.

Để khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế và tạo môi trường cho đầu tư phát triển cũng như góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, cần phải tập trung đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn, đặc biệt là những tuyến giao thông lớn, có vai trò kết nối phát triển. Đồng thời, chủ động huy động nguồn lực để đầu tư các đô thị có vai trò động lực, lan tỏa.

Cùng với đó, để Vĩnh Phúc phát triển bền vững thì phải phát triển mạnh mẽ đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp. Vì doanh nghiệp phát triển sẽ tạo nhiều việc làm, tạo sự tăng trưởng kinh tế và đóng góp ngân sách cho Nhà nước…

Vì vậy, cán bộ lãnh đạo các cấp, các ngành, đặc biệt là người đứng đầu luôn chú trọng chăm lo bằng nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, tránh phiền hà, sách nhiễu; tập trung tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc và tạo mọi điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp và người dân đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh.

Thường xuyên chăm lo nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của người dân; phải lắng nghe, quan tâm đến những tâm tư, nguyện vọng và giải quyết kịp thời những bức xúc của người dân.

Và, điều không thể thiếu là mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn chăm lo xây dựng sự đoàn kết trong mỗi đơn vị, cũng như trong toàn Đảng bộ. Đoàn kết phải trên nguyên tắc của Đảng, tránh đoàn kết xuôi chiều, đoàn kết hình thức. Đoàn kết phải trở thành sức mạnh cho sự phát triển của Vĩnh Phúc…

PV