Vinhomes, Novaland, GP.Invest nêu loạt kiến nghị "cứu" thị trường bất động sản
Tập đoàn Hưng Thịnh đề xuất nới room cho các ngân hàng tham gia tái cơ cấu thị trường BĐS |
Sáng nay (ngày 13/11), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp với Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội nghị tín dụng đối với bất động sản và phát triển nhà ở xã hội. Hội nghị có sự tham gia của các ngân hàng thương mại và nhiều “ông lớn” bất động sản như: Vingroup, Tập đoàn Hưng Thịnh, Geleximco, Novaland, GP. Invest, Văn Phú Invest, Masterise, Sungroup…
Lãi suất cho vay bất động sản vẫn cao
Tại Hội nghị, nhiều doanh nghiệp cho rằng, lãi suất hiện nay vẫn tương đối cao. Ông Phạm Thiếu Hoa, đại diện Tập đoàn Vingroup nêu thực tế, hiện nay các doanh nghiệp bất động sản chưa tiếp cận được lãi suất thấp, nhất là với các khoản vay cũ. Việc quy định hạn chế room tín dụng khiến ngân hàng có xu hướng cân nhắc lựa chọn khách hàng khi cho vay.
Ông Phạm Thiếu Hoa, đại diện Tập đoàn Vingroup (Ảnh: VGP) |
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Toàn Cầu (GP. Invest) đánh giá, hiện lãi suất cho vay bất động sản cao hơn rất nhiều so với mức lãi suất huy động đầu vào của các ngân hàng.
“Thời điểm tháng 6/2023, NHNN quy định mức lãi suất huy động dưới 6 tháng là 4,75%/năm trong khi đó công ty chúng tôi vẫn phải trả lãi suất vay vốn ở mức 11% cho ngân hàng thuộc nhóm Big 4 và đến tháng 10/2023 chúng tôi vẫn phải chịu lãi suất vay vốn ở mức 9,5%/năm”, ông Hiệp cho biết.
Chủ tịch GP. Invest cho rằng, lãi suất cho vay vốn cao chỉ nên áp dụng đối với các doanh nghiệp có hệ số rủi ro cao. “Đối với các doanh nghiệp làm ăn bài bản, quy củ, chuyên nghiệp, trả nợ đều đặn không bị nợ quá hạn, có lịch sử quan hệ tín dụng tốt, phương án kinh doanh khả thi thì nên áp dụng mức cho vay hợp lý hơn. Mức lãi suất cho vay nên xác định bằng mức huy động kỳ hạn 12 tháng + biên độ dưới 3%/năm”, ông đề xuất.
Ngoài lãi suất, tài sản đảm bảo cũng là một trong những yếu tố quan trọng trong hoạt động vay và cho vay giữa các doanh nghiệp bất động sản và ngân hàng.
Ông Phạm Thiếu Hoa chỉ ra thực tế hiện nay tài sản bảo đảm của doanh nghiệp đang thấp hơn giá trị thị trường do thị trường bất động sản đóng băng, không có nhiều giá tham chiếu. Các nhà băng chỉ giải ngân cho các khoản vay có tài sản bảo đảm là bất động sản mà không công nhận thế chấp máy móc thiết bị, cổ phiếu niêm yết.
Còn ông Nguyễn Quốc Hiệp nêu thêm, các ngân hàng muốn an toàn cho phía mình nên thường yêu cầu các doanh nghiệp vay vốn có tài sản nào thì đều yêu cầu cầm cố thế chấp hết cho ngân hàng.
“Theo quy định cho vay dự án bất động sản thì chỉ nên nhận tài sản đảm bảo là chính dự án đó, không nên yêu cầu doanh nghiệp phải thế chấp bổ sung tài sản khác”, ông Hiệp nói và cho rằng, ngân hàng cần xem xét đối với các doanh nghiệp có lịch sử tín dụng lành mạnh để giải ngân, giảm bớt hệ số tài sản đảm bảo cho các doanh nghiệp.
Đối với các doanh nghiệp vay vốn dưới 70% tổng mức đầu tư, Chủ tịch GP. Invest cũng đề nghị ngân hàng xem xét rút bớt điều kiện về tài sản đảm bảo để việc tiếp cận nguồn tín dụng thuận lợi, giúp doanh nghiệp bất động sản thuận lợi sản xuất.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Quốc Hiệp kiến nghị các ngân hàng thương mại phải rút gọn quy trình thẩm định, giải ngân xuống trong vòng 1 tháng thay vì 2 - 3 tháng như hiện nay; đồng thời, đơn giản hồ sơ vay vốn.
“Hiện nay, các ngân hàng yêu cầu doanh nghiệp cung cấp rất nhiều giấy phép con trong hồ sơ vay vốn. Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng cũng không cho doanh nghiệp vay tiền để chi giải phóng mặt bằng, trong khi chi phí này của doanh nghiệp là rất lớn”, ông nêu thực tế.
Pháp lý vẫn là rào cản lớn nhất
Ngoài vấn đề lãi suất, nhiều doanh nghiệp tham dự hội nghị cũng giãi bày pháp lý vẫn là rào cản lớn nhất đối với thị trường bất động sản.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp nêu quan điểm, 70% những vướng mắc của thị trường bất động sản là do pháp lý. Ví dụ về giải phóng mặt bằng, cưỡng chế thu hồi, GP. Invest có những dự án kéo dài 15 năm chưa tiến hành xong được.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP. Invest (Ảnh: VGP) |
Ông Hiệp kiến nghị việc tháo gỡ vướng mắc về mặt pháp lý cho các dự án phải đi vào cụ thể từng vấn đề, đơn cử như những vướng mắc về thủ tục đầu tư. Một dự án phải trải qua 30 con dấu và những cuộc “trường chinh về con dấu này” đang bào mòn sức khỏe của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư FDI.
Về vấn đề giá đất, vị này cho rằng, cần sớm có hướng dẫn phương pháp định giá đất để chính quyền địa phương áp dụng.
Là một trong những đơn vị đang gặp khủng hoảng, ông Dennis Ng Teck Yow - Tổng giám đốc Tập đoàn Novaland bày tỏ khó khăn của đơn vị hiện nay chiếm tới 80% là vấn đề pháp lý. Nếu không được giải quyết kịp thời, con số doanh nghiệp giải thể, phá sản trong những tháng tiếp theo sẽ tăng cao.
Đơn vị này kiến nghị Chính phủ phối hợp cùng UBND các tỉnh/thành phố hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể, tạo điều kiện cho doanh nghiệp bất động sản phát triển dự án đồng bộ đúng với chỉ tiêu được giao. Chính phủ và Quốc hội cân nhắc xem xét, kiện toàn Luật Đầu tư để Quy trình Đầu tư - Giao đất - Quy hoạch - Cấp phép xây dựng được diễn ra nhanh chóng, minh bạch, tiết kiệm nguồn vốn cho xã hội.
Được biết, Novaland đang gặp khó tại 4 cụm lớn.
Tại TP.HCM, Tập đoàn vẫn đang chờ được tháo gỡ tại dự án The Grand Manhattan và The Water Bay.
Tại dự án Aqua City (Đồng Nai), Novaland có hơn 70.000 tỷ đồng phải thu theo tiến độ từ khách hàng đang chờ được gỡ vướng các thủ tục phê duyệt để tiếp tục duy trì dòng tiền cho phát triển dự án.
Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, dự án NovaWorld Ho Tram còn nhiều thủ tục hành chính kéo dài làm chậm tiến độ triển khai dự án. Đây là những vấn đề mang tính cốt lõi khi thời hạn đầu tư dự án được cho phép thông thường là 24 tháng nhưng thực tế doanh nghiệp đã mất đến 18 tháng để giải quyết các thủ tục pháp lý.
Cuối cùng, dự án trọng điểm là NovaWorld Phan Thiết (Bình Thuận), về cơ bản đã ghi nhận một số tín hiệu tích cực. Novaland cho biết đang chờ đợi Nghị định sửa đổi Nghị định 44/2014/NĐ-CP ban hành để xác định tiền sử dụng đất, hoàn tất thủ tục pháp lý để ký hợp đồng mua bán với khách hàng./.