ISSN-2815-5823

“Vỡ mộng” khi dồn tiền vào chứng khoán, người trẻ nhận ra đa dạng hóa danh mục đầu tư mới là quyết định đúng đắn

(KDPT) - Sau những vấp ngã vì đầu tư thua lỗ ở tuổi đôi mươi, nhiều bạn trẻ đã nhận ra rằng “không bỏ hết trứng vào cùng một giỏ” mới là quy tắc bền vững trên hành trình làm giàu.

Trong cuộc sống ngày nay, thay vì sợ hãi trước các rủi ro, nhiều người trẻ đã lao đầu vào các hình thức đầu tư từ sớm để nhanh chóng đạt được ước mơ làm giàu, mua nhà, mua xe. Trong số đó, có những người lựa chọn nhảy vào thị trường chứng khoán với những lời hô hào sinh lời gấp đôi, gấp ba trong thời gian ngắn.

Trải qua đủ cung bậc cảm xúc, từ phấn khởi khi nhìn tiền lãi tăng lên mỗi ngày, đến hồi hộp sợ hãi khi thị trường lao dốc, nhiều nhà đầu tư mới cay đắng nhận ra bài học: Chứng khoán không phải trò chơi dễ dàng, nhất là với những người không có nhiều kiến thức.

Mang 400 triệu đồng tất tay vào chứng khoán và cái kết

Thời gian đầu khi mới tìm hiểu về thị trường chứng khoán, Trung Hòa (Hà Nội) ngỡ như mình đã tìm được con đường làm giàu “chân ái” khi liên tiếp có lãi từ số vốn 10 triệu đồng của mình.

Trung Hòa chia sẻ, thị trường thời điểm đó rất dễ, mua mã nào là mã đấy tăng phi mã. “Khi đấy mình có mua cổ phiếu HSG. Thời gian đầu bị lỗ ngắn hạn 7% xong sau đó là cổ phiếu tăng triền miên tới tháng 6/2021. Lúc đó, mình hình thành tư duy nếu cổ phiếu giảm thì là cơ hội mua. Sau đó, cổ phiếu sẽ tăng mà thôi, đỉnh sau cao hơn đỉnh trước, nó là như vậy”, cô nàng nhớ lại.

Trung Hòa
Trung Hòa

Từ những trải nghiệm tốt đẹp khi tham gia thị trường chứng khoán, Trung Hòa mong chờ một ngày “cưỡi” được sóng, “ôm mộng” giàu sang mua nhà mua xe sau khi đầu tư giống như bao người đồn thổi. Do đó, vào năm 22 tuổi, cô nàng mang 400 triệu đồng tất tay vào 3 mã cổ phiếu là ITA, GEX và NLG vào thời điểm đu đỉnh. Đây là toàn bộ số tiền mà Trung Hòa tích cóp được, cộng thêm bán vài chỉ vàng mẹ cho và vay mượn của gia đình.

Tuy nhiên, khi thị trường quay đầu đi xuống, cô nàng bắt đầu lỗ đậm. Thế nhưng, với suy nghĩ sai lầm rằng “cổ phiếu sẽ tăng, đỉnh sau cao hơn đỉnh trước”, Trung Hòa không chịu cắt lỗ kể cả khi có cơ hội về bờ. Kết quả là đến khi danh mục đầu tư giảm còn 35 triệu đồng, cô nàng mới bừng tỉnh và quyết định rời thị trường để học hỏi thêm rồi mới quay lại.

Sau thất bại đầu đời, Trung Hòa ngậm ngùi nhận ra sai lầm của mình là nghĩ cổ phiếu sẽ tăng nên không nghĩ đến trường hợp nào cổ phiếu sẽ thoái trào. “Thị trường sẽ downtrend và mọi hành động mua vào lúc đó đều là đi ngược với xu hướng. Mình làm vậy chẳng khác gì lấy trứng ngáng đường một con xe đang lao dốc xuống vậy", cô nàng chia sẻ.

Càng lỗ càng đập thêm tiền vào “bắt đáy” nhưng không ngờ toàn bắt dao rơi

Tương tự Trung Hòa, Kim Ngân (sinh năm 2002, Hà Nội) cũng tham gia vào thị trường chứng khoán với sự hồ hởi. Thời điểm đó, Kim Ngân mua khá nhiều cổ phiếu được đám đông hoặc bạn bè hô hào là “ngon”, là “lời x2”. Tuy nhiên, “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, chỉ sau một vài tháng hưng phấn, Kim Ngân bắt đầu có những khoản lỗ. Đỉnh điểm là cô nàng lỗ 20 triệu đồng khi đầu tư chứng khoán cùng bạn.

Tâm lý non trẻ khi đó khiến Kim Ngân càng lỗ càng đổ thêm tiền vào “bắt đáy”, nhưng không ngờ toàn bắt dao rơi. Cho đến khi tiêu hết sạch số tiền tiết kiệm vào các mã cổ phiếu rồi nhưng đà giảm vẫn không có dấu hiệu dừng lại.

“Đỉnh điểm danh mục của mình đã có lúc -70%. Nhớ lại, mình bắt đầu thua lỗ khi VN-Index rơi tự do từ 1.500 điểm xuống đáy. Và mình chính là người chơi hệ đu đỉnh lúc đấy”, Kim Ngân tâm sự.

Sau thất bại năm 20 tuổi, Kim Ngân đã quyết định tắt app, nghỉ chơi chứng khoán để tập trung đi học đi làm. Cô nàng cũng nhận ra rằng, việc chạy theo đám đông đầu tư chứng khoán khi chưa có nền tảng kiến thức cũng như tâm lý ổn định là điều vô cùng nguy hiểm, thậm chí có thể khiến mình trắng tay.

Chứng khoán không phải trò chơi dễ dàng, đặc biệt với người không có nhiều kiến thức. (Ảnh minh họa)
Chứng khoán không phải trò chơi dễ dàng, đặc biệt với người không có nhiều kiến thức. (Ảnh minh họa)

“Không dồn trứng vào cùng một giỏ” trong danh mục đầu tư

Sau những vấp ngã vì đầu tư thua lỗ ở tuổi đôi mươi, nhiều bạn trẻ đã nhận ra rằng “không bỏ hết trứng vào cùng một giỏ” mới là quy tắc bền vững trên hành trình làm giàu. Đồng thời, việc đa dạng hóa danh mục đầu tư mới là cách để họ kịp thời thoát khỏi thị trường khi xuống dốc, không vì thua lỗ nặng nề mà khiến cảm xúc hay túi tiền bị chi phối, từ đó đưa ra các quyết định đầu tư “sai càng sai”.

Lấy ví dụ về trường hợp của Trung Hòa, sau khi bị sóng thị trường đánh mất gần 400 triệu đồng, cô nàng mới nhận ra rằng không bao giờ nên để hết tiền vào chứng khoán nữa. Thay vào đó, Trung Hòa chỉ dành 40-50% số tiền mình có vào cổ phiếu, 30% gửi tiết kiệm và 20% còn lại đầu tư vào bản thân như mua sách hay học thêm các khóa học về tài chính, chứng chỉ CFA...

Bên cạnh đó, Trung Hòa cũng chọn cách đa dạng danh mục chứng khoán, thay vì dồn tiền vào các mã cổ phiếu được thị trường hô hào sinh lời nhưng mức độ rủi ro cao.

Trung Hòa cho biết, một số mã cổ phiếu mà cô nàng đánh giá là tiềm năng và đáng mua vào như:

Thứ nhất là cổ phiếu có dòng tiền lan tỏa. Tức là trong cả dòng ngành, có tất cả cổ phiếu cùng nhau kéo lên thì Trung Hòa sẽ chọn mã cổ phiếu xuất phát đầu tiên (hay cổ phiếu leader) để mua vào. Cô nàng hiện đang mua cổ phiếu từ nhóm ngân hàng là các mã như ACB, MBB, CTG, MSB…

Thứ hai là cổ phiếu riêng lẻ không có dòng tiền lan tỏa nhưng có mẫu hình Wyckoff chuẩn bị vào pha đẩy giá. Trung Hòa cho biết thời gian này cô nàng chọn cổ phiếu DBC.

Thứ ba là cổ phiếu có tỷ lệ cổ đông khác (hay tỷ lệ free float thấp), thường dưới 50%, còn lại là tổ chức và ban lãnh đạo nắm giữ thì rất dễ đẩy giá cổ phiếu đi lên. Ví dụ thời điểm này là cổ phiếu HAH.

Kim Ngân cũng có quyết định tương tự đó là không “all in” hết vào bất kỳ khoản đầu tư nào. Theo đó, cô nàng đang phân chia thu nhập hàng tháng theo nguyên tắc 50-30-20. Cụ thể, 50% thu nhập dành cho những thứ cần thiết cho cuộc sống như nhà cửa, điện nước, ăn uống... 30% cho những thứ yêu thích khác như mua sắm, du lịch, giải trí, học tập và 20% còn lại dành cho mục tiêu tài chính bao gồm gửi tiết kiệm và đầu tư.

Ngoài ra, trong ngân sách dành cho đầu tư, Kim Ngân lại chia nhỏ thành 30% cho chứng chỉ quỹ cổ phiếu, 10% với quỹ trái phiếu và 60% là các mã cổ phiếu từ những doanh nghiệp được niêm yết uy tín trên thị trường như HPG, HSG, PNJ, DXG.

Đa dạng hóa danh mục đầu tư mới là quyết định đúng đắn. (Ảnh minh họa)
Đa dạng hóa danh mục đầu tư mới là quyết định đúng đắn. (Ảnh minh họa)

Hay như một trường hợp khác là Bảo Trâm (28 tuổi, TP.HCM) cũng từng chịu cảnh thua lỗ khi thị trường chứng khoán năm 2022 biến động mạnh. Sau khi trải qua khoảng thời gian khắc nghiệt đó, cô nàng ý thức việc áp dụng công thức “không dồn trứng vào cùng một giỏ” trong danh mục đầu tư. Nhờ thế mà Bảo Trâm có thể giảm thiểu rủi ro khi đầu tư vào “một giỏ” mà không sinh lời, đồng thời cũng đảm bảo đa dạng hóa nguồn thu nhập cho bản thân.

Bên cạnh đó, ngoài việc mua vàng hàng tháng, Bảo Trâm hiện còn có một sổ tiết kiệm ngân hàng và một mã chứng khoán giữ từ năm 2021. Thỉnh thoảng, cô nàng còn mua tiền đô tích trữ và bảo hiểm nhân thọ.

Từ những kinh nghiệm bản thân, Bảo Trâm chia sẻ, nếu các bạn trẻ muốn có một khoản tiết kiệm lâu dài và an toàn thì hãy chọn vàng. Mặc dù vàng không phải kênh đầu tư giúp bạn nhân đôi tài sản hay làm giàu qua một đêm nhưng đây là kênh tích trữ an toàn và cho bạn thói quen tích lũy tài sản và quản lý tài chính. Còn với những ai có kiến thức lựa chọn cổ phiếu thì có thể chọn chứng khoán để sinh lời hoặc kinh doanh riêng nếu đủ tự tin cũng như chấp nhận rủi ro mà nó mang lại.

“Mình là người tính toán khá kỹ lưỡng trong chuyện tiền bạc. Quan điểm đầu tư của mình là đảm bảo an toàn, tiền đã vào túi thì sẽ không bao giờ để tiền rơi", Bảo Trâm chia sẻ.

Nhà đầu tư F0 phải lưu ý gì thời điểm này?

Nhận định về thị trường chứng khoán thời điểm hiện tại, chuyên gia chứng khoán Nguyễn Kim Liên khẳng định, thị trường vẫn đang trong giai đoạn “đầu cá”. Có nghĩa là ở giai đoạn này, nhà đầu tư phải biết chọn lọc cổ phiếu, giống như khi gặm đầu cá, nếu “nhằn” giỏi sẽ có được “miếng ngon”.

Theo chuyên gia, đặc trưng của dòng tiền đầu tư năm nay sẽ rất phân hóa, chỉ tập trung ở một số công ty, nhóm ngành có câu chuyện tăng trưởng và hồi phục rõ ràng sau giai đoạn khủng hoảng chứ không dàn trải trên cả thị trường. Do đó việc chắt lọc cổ phiếu trong danh mục đầu tư là việc vô cùng quan trọng.

Đưa ra lời khuyên cho các nhà đầu tư F0, chuyên gia Nguyễn Kim Liên cho biết, cần xác định rõ giai đoạn này vẫn là khúc “đầu cá”, chưa phải giai đoạn dễ kiếm tiền nên cần tuân thủ chặt chẽ kỷ luật khi đầu tư và xác định rõ mức độ chịu rủi ro của bản thân ra sao.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia cũng khẳng định việc có kiếm được tiền từ thị trường chứng khoán trong giai đoạn “đầu cá” hay không đều mang lại bài học kinh nghiệm, chứ kết quả lúc này không hẳn sẽ phản ánh cả quá trình đầu tư của bạn.

"Hãy tận dụng thời gian này để nghiên cứu và rút ra phương pháp đầu tư hiệu quả và an toàn với bản thân, bởi thị trường sẽ vẫn còn rất nhiều cơ hội trong 3-5 năm tới", chuyên gia Nguyễn Kim Liên cho hay.

Trong giai đoạn “mon men” vào thị trường, để tránh việc “ngã quá đau không đứng dậy nổi”, các nhà đầu tư F0 cần ghi nhớ 1 bài học cơ bản nhưng vô cùng quan trọng đó là: Tránh xa cổ phiếu rủi ro cao./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 20/05/2024