Đầu tư 8,5 triệu đồng vào chứng khoán 11 năm trước, mua cổ phiếu nào để nhân tài khoản lên 1.000 lần?
Trong những ngày qua, câu chuyện nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu đồng nhân lên thành 8,8 tỷ đồng sau 11 năm "bỏ quên" đã khiến nhiều người sốc nặng. Đồng thời, không ít nhà đầu tư chứng khoán cũng tỏ ra suy tư, không biết nếu bỏ ra 8,5 triệu đồng để mua một cổ phiếu vào năm 2013 sau đó "cất tủ" và coi như không để ý, liệu đến năm nay có thể ghi nhận khoản lãi cao hơn 1.000 lần số tiền đầu tư ban đầu?
Thực tế, việc thực hành là không thể. Theo tìm hiểu, không có cổ phiếu nào trên thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2013 đến giờ vẫn còn giao dịch và có mức sinh lời lên đến cả nghìn lần như thế. Tính đơn giản, con số nói trên sẽ tương ứng với mức sinh lời trung bình 84%/năm trong suốt 11 năm.
Nhiều nhà đầu tư chỉ ra, dù là những "cỗ máy tăng trưởng" bền bỉ như FPT, CAP, DP3, SLS,… cũng không thể nào mang đến mức sinh lời hàng trăm lần chứ chưa nói gì đến nghìn lần. Hiệu suất sinh lời ở mức trên 20%/năm liên tiếp trong một thập kỷ đã là trường hợp vô cùng hiếm gặp trên thị trường chứng khoán Việt.
Xét trong 11 năm qua, mã CAP của CTCP Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái là một trong những cổ phiếu có sự tăng trưởng mạnh mẽ nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, mức sinh lời của mã cổ phiếu này cũng chưa đến 100 lần.
Vẫn có thể thực hiện được trên… lý thuyết
Nếu xét về mặt lý thuyết, vẫn có cách để nhà đầu tư mua cổ phiếu để nhân 1.000 lần tài khoản chứng khoán của mình sau 11 năm. Thế nhưng, điều này không hề đơn giản một chút nào.
Đầu tiên, nhà đầu tư cần mua 1.100 cổ phiếu TCM vào giữa tháng 3/2013 với giá 7.600 đồng/cổ phiếu. Đến cuối tháng 3/2014, nhà đầu tư sẽ chốt lời sau hơn 1 năm nắm giữ với giá 31.000 đồng/cổ phiếu, lúc này tài khoản cũng tăng từ 8,5 triệu đồng lên 34 triệu đồng.
Sau đó, nhà đầu tư sẽ nghỉ ngơi khoảng 3 tháng, đến cuối tháng 6/2014 thì dùng 34 triệu đồng để mua 4.000 cổ phiếu L14 với giá 8.500 đồng/cổ phiếu. Sau 2 năm nắm giữ, đến cuối tháng 6/2016 nhà đầu tư bán đi chốt lời với giá 85.000 đồng/cổ phiếu, thu về 340 triệu đồng.
Tiếp đến, nhà đầu tư sử dụng toàn bộ số tiền này để mua 15.400 cổ phiếu NKG với giá 22.000 đồng/cổ phiếu. Đến tháng 1/2018 - tức là sau một năm rưỡi nắm giữ, nhà đầu tư bán ra với giá 44.000 đồng/cổ phiếu và thu về 678 triệu đồng.
Tiếp tục nghỉ ngơi thêm 3 tháng, đến tháng 4/2018 nhà đầu tư ‘tất tay’ mua tổng cộng 135.600 cổ phiếu ANV với giá 5.000 đồng/cổ phiếu. Đến cuối tháng 8/2019, nhà đầu tư nhanh chóng chốt lời toàn bộ cổ phiếu với giá 33.000 đồng/cổ phiếu và "bỏ túi" 4,5 tỷ đồng.
Nghỉ ngơi khoảng hơn 6 tháng, đến cuối tháng 3/2020, nhà đầu tư dùng toàn bộ số tiền để "bắt đáy" 235.000 cổ phiếu VGI với giá 19.000 đồng/cổ phiếu. Duy trì việc nắm giữ đến thời điểm hiện tại, trong tài khoản của nhà đầu tư sẽ có hơn 8,8 tỷ đồng.
Đây là những giao dịch giả định dựa trên góc nhìn từ hiện tại trở về quá khứ, vì thế trông mọi thứ có vẻ dễ dàng. Thế nhưng, chứng khoán trên thực tế lại không đơn giản như vậy. Để làm được những điều nói trên, nhà đầu tư phải sở hữu "bàn tay vàng" cùng sự may mắn khủng khiếp mới có thể thành công "mua đáy - bán đỉnh" suốt nhiều năm như thế.
Đồng thời, nếu như quyết định "all in" vào chứng khoán, chỉ một sai lầm cũng đủ khiến các nhà đầu tư mất đi toàn bộ thành quả của mình trước đó. Vì thế, việc chiến thắng 100% trên thị trường chứng khoán gần như là điều "bất khả thi", đặc biệt trong một môi trường khắc nghiệt như thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023, bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch HĐQT VNDirect từng khẳng định: “Có đến 90% giao dịch trên thị trường chứng khoán là lỗ”.
Đồng quan điểm, ông Trịnh Thanh Cần, CEO Kafi nhận định, xác suất đối với việc đầu cơ lướt sóng giữ được tiền trong một khoảng thời gian dài gần như bằng 0, nếu có cũng chưa đến 1%. Vị này nhấn mạnh rằng: “Đa số việc kiếm được tiền từ hành động lướt sóng lần này thì đến lần sau cũng sẽ phải trả lại. Vì thế, theo thống kê chung của thị trường, các nhà đầu tư cá nhân thường xuyên bị thua lỗ là vì thế”.
Hầu hết những nhà đầu tư chứng khoán đều có thể tùy ý lựa chọn trường phái đầu tư để theo đuổi. Những ai muốn "ăn chắc mặc bền" thì nên cân nhắc những mã cổ phiếu tăng trưởng bền bỉ, có mức cho trả cổ tức cao hàng năm cùng mức sinh lời được tính bằng lần và thậm chí là hàng chục lần trong thời gian dài.
Còn những người yêu thích mạo hiểm, họ có thể chọn chiến lược đầu cơ lướt sóng. Với cách đầu tư này, khả năng sinh lời sẽ cao hơn nhưng rủi ro đi kèm cũng lớn, khó có thể duy trì trong khoảng thời gian dài. Tuy nhiên, nếu tính toán trong khoảng thời gian 11 năm, hiệu suất sinh lời lên đến 1.000 lần gần như là không tưởng./.
- Cẩn thận “ngã sóng” nhóm cổ phiếu vượt đỉnh
- Điều gì đang xảy ra với “gã khổng lồ” xe điện Tesla khi cổ phiếu lao dốc mạnh?
- Cổ phiếu đua nhau vượt đỉnh: Nhà đầu tư nên “đu” tiếp hay dừng lại?