ISSN-2815-5823
Thứ ba, 09h40 11/05/2021

WHO tuyên bố biến thể Covid-19 tại Ấn Độ là mối lo ngại toàn cầu

(KDPT) – Hôm qua (10/5), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phân loại biến thể SARS-CoV-2 mang ký hiệu B.1.617 vốn xuất hiện đầu tiên tại Ấn Độ từ cuối năm 2020 vào danh mục ‘biến thể đáng lo ngại ở mức độ toàn cầu’.

Sự gia tăng đột biến số ca Covid-19 hiện tại ở Ấn Độ được cho là có liên quan tới sự xuất hiện của biến thể B.1.617.

Việc B.1.617 có khả năng lây lan nhanh và mạnh hơn buộc WHO phải nâng cao mức độ cảnh báo. Bà Maria Van Kerkove, người đứng đầu bộ phận kỹ thuật của WHO về Covid-19 cho biết đã có một số thông tin cho thấy khả năng lây truyền của biến thể này cao hơn, đồng thời khả năng vi-rút này kháng lại vắc xin cũng gia tăng. Bà nói: “Do đó, chúng tôi đang phân loại đây là một biến thể đáng lo ngại ở cấp độ toàn cầu”.

Hơn 22,6 triệu ca nhiễm Covid-19 đã được thống kê ở Ấn Độ kể từ khi xảy ra đại dịch . (Ảnh: Al Jazeera).

Sự gia tăng đột biến số ca Covid-19 hiện tại ở Ấn Độ được cho là có liên quan tới sự xuất hiện của biến thể B.1.617. Đây là nguyên nhân gây lo ngại không chỉ cho Ấn Độ mà còn với cộng đồng thế giới. Một số nước đã cấm nhập cảnh với người đến và đi từ Ấn Độ để ngăn chặn sự lây lan của loại biến thể của vi-rút chết người này.

Ba đột biến khác được WHO chỉ định là những biến thể được phát hiện lần đầu tiên ở Anh, Nam Phi và Brazil. WHO phân loại các biến thể Covid-19 thành hai loại: biến thể “đang quan sát” và biến thể “cần quan tâm”. Những biến thể về sau này dễ lây lan hơn, khó kiểm soát hoặc dẫn đến biến chứng nặng hơn.

Theo WHO, dòng biến thể B.1.617 của vi-rút SARS-CoV-2 lần đầu tiên được xác định tại Ấn Độ tháng 12 năm ngoái, dù phiên bản sớm của biến thể này đã được tìm thấy từ tháng 10. Hiện biến thể này đã lây lan ra nhiều quốc gia khác trên thế giới. WHO cho biết các thông tin mới vể biến thể này cùng 3 biến chủng phụ của nó sẽ được công bố hôm nay (11/5).

Tuy nhiên, vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy các thử nghiệm, thuốc hay vắc-xin Covid-19 hoạt động kém hiệu quả hơn đối với biến thể ở Ấn Độ, Van Kerkhove cho biết.

Nhà khoa học trưởng của WHO Soumya Swaminathan đồng ý với quan điểm này, cho biết nên có “cách tiếp cận cân bằng”. Bà nói: “Những gì chúng ta biết bây giờ là vắc-xin hoạt động bình thường và là phương pháp điều trị được sử dụng cho vi-rút thông thường. Vì vậy, thực sự không cần phải thay đổi bất kỳ loại nào trong số đó, và trên thực tế mọi người nên tiếp tục sử dụng hoặc tiêm bất kỳ loại vắc-xin nào có sẵn nếu họ có đủ điều kiện sức khỏe”.

Van Kerkhove nói: “Chúng tôi đang tiếp tục thấy các biến thể mới trên khắp thế giới và chúng tôi phải làm mọi thứ có thể để thực sự hạn chế sự lây lan”.

Ngày 10/5, Bộ Y tế Ấn Độ báo cáo hơn 366.000 ca dương tính mới với SARS-CoV-2 và 3.754 người tử vong vì Covid-19 trong 24 giờ. Tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này kể từ đầu dịch đã lên trên 22,6 triệu người, 246.000 người tử vong vì căn bệnh này.

Theo WHO, số ca nhiễm mới đang giảm ở hầu hết các khu vực trên thế giới, bao gồm cả châu Âu và châu Mỹ. Tuy nhiên, vẫn có sự gia tăng mạnh ở Nam Á và Đông Nam Á.

Cũng trong ngày hôm qua, Tổng Giám đốc WHO, Tedros Adhanom Ghebreyesus đã chỉ trích cái gọi là “ngoại giao vắc-xin” và kêu gọi các nước hợp tác để chấm dứt đại dịch. Ông nói: “Ngoại giao vắc-xin không phải là hợp tác. Chúng ta không thể đánh bại đại dịch này bằng việc cạnh tranh”. Tedros đã chỉ trích “sự điều động địa chính trị” vào thời điểm này là sai lầm, bởi chỉ có “sự hợp tác rõ ràng và trong sạch mới có thể giúp ích lúc này”.

THÚY HIỀN

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 21/05/2024