TS. Lê Xuân Nghĩa: Cần dùng biện pháp thương mại với thị trường vàng
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, việc chống “vàng hóa” chúng ta đã chống xong rồi. Hiện, vàng bị cấm trở thành công cụ tiền gửi và cho vay trong các ngân hàng thương mại. Nghĩa là hiện tượng “vàng hóa” không còn nữa.
Ông Nghĩa cho biết, tất cả các đồng tiền muốn “hóa” đều phải vào ngân hàng. Khi vào ngân hàng thì sẽ tạo ra rất nhiều tiền, “tiền đẻ ra tiền”. Với các đồng tiền khác như USD, nhân dân tệ… cũng như vậy.
“Hiện nay, thế giới coi vàng là một loại hàng hóa bình thường nhưng tại Việt Nam, vàng trở nên “ghê gớm”. Chính vì quan niệm đó mà không ít thời điểm chúng ta bị hoảng loạn vì vàng”, TS. Lê Xuân Nghĩa nói.
Hiện nay, giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch rất lớn, có lúc lên tới 30%. TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định, đây là con số phi lý. Nguyên nhân là do dòng thương mại bị cắt đứt, lâu nay chúng ta không nhập khẩu vàng miếng. Hiện nay, nhu cầu vàng miếng trong nước vẫn có. Theo thống kê của Hội đồng vàng thế giới, một năm Việt Nam được sản xuất khoảng 600 kg vàng trong khi nhu cầu vào khoảng 50 tấn. “Để bù đắp nhu cầu này, phải “nhập lậu” hoặc tăng giá vàng trong nước lên”, ông Nghĩa nói.
“Để xóa bỏ khoảng cách giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế, chúng ta cần dùng các biện pháp thương mại. Đơn cử như cho phép các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh vàng bạc đủ điều kiện xuất nhập khẩu có thể tự xuất nhập khẩu và kinh doanh vàng miếng và vàng trang sức. Nhà nước lúc này sẽ dùng công cụ “mạnh” nhất là thuế. Cơ quan hải quan của Việt Nam hiện nay là hải quan điện tử nên có thể kiểm soát rất chặt chẽ việc nhập khẩu vàng”, ông Nghĩa đề xuất và cho rằng, khi đó, trong nước, chúng ta có thể tạo ra các hóa đơn điện tử để việc kinh doanh vàng minh bạch. Thị trường, kinh doanh vàng rất minh bạch và đều có hóa đơn điện tử.
Việc đấu thầu vàng như hiện nay có tác động tâm lý ngắn hạn. Giải pháp căn cơ nhất, dài hạn nhất và thông lệ quốc tế nhất là phải cho xuất nhập khẩu vàng tự do, sản xuất kinh doanh vàng tự do và đánh thuế.
Một vấn đề nữa ông Nghĩa nhắc tới đó là chênh lệch giữa giá vàng SJC và vàng thông thường, đây không phải chênh lệch về chất lượng mà chênh lệch về thương hiệu khi vàng SJC là thương hiệu độc quyền nên độ tin cậy cao hơn. “Nên trả cho SJC thương hiệu của họ, để họ kinh doanh như các doanh nghiệp kinh doanh vàng thông thường. Như vậy chúng ta sẽ có thị trường vàng ổn định", ông Nghĩa đề xuất.
Vấn đề cuối cùng nếu cho xuất nhập khẩu vàng thì sẽ ảnh hưởng tới thị trường ngoại tệ, ông Nghĩa cho rằng việc dùng ngoại tệ để xuất nhập khẩu vàng theo tính toán vào khoảng 3 tỷ USD, con số này khá nhỏ so với nhập khẩu các nguyên vật liệu khác. Vàng là mặt hàng mà người dân có nhu cầu mua để dự trữ, có tác động tâm lý là yên tâm với mặt hàng của mình
“Việt Nam chúng ta nên tính tới phương án mua để dự trữ chứ không nên chỉ tính tới phương án mang vàng dự trữ để đấu thầu. Cách làm này có thể có tác dụng ngắn hạn nhưng không phải cách làm bài bản, ông Nghĩa đề xuất.
Ông Nghĩa cũng nhấn mạnh, Việt Nam có lợi thế là ngành thủ công mỹ nghệ. Việc chế tác vàng cũng tạo được uy tín trên thế giới. Thậm chí, chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế không chênh lệch nhau nhiều như hiện nay, các công ty sản xuất vàng trang sức hoàn toàn có thể xuất khẩu được vàng trang sức với hàm lượng giá trị gia tăng cao, thậm chí còn đủ bù đắp phần lớn ngoại tệ chi ra để nhập khẩu vàng nguyên liệu.
“Chúng ta đang coi việc xuất nhập khẩu vàng như vấn đề “nguy hiểm” và vô hình trung đã khiến dân chúng hoang mang. Nếu tư duy về chính sách, chúng ta phải coi đây là thị trường bình thường, vàng cũng là một hàng hóa, mọi việc hoàn toàn có thể xử lý nhanh”, ông Nghĩa nói.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng thuộc ngân hàng ADB nhận định, Việt Nam không phải nước duy nhất trên thế giới nằm trong làn sóng biến động giá vàng và theo ông, điều này không có gì bất thường.
Tuy nhiên, ông Cường nhấn mạnh, cái bất thường của Việt Nam là các phản ứng về chính sách. “Đối với các quốc gia khác, việc phản ứng chính sách không quá mạnh. Nhưng tại Việt Nam dường như những phản ứng chính sách đang mạnh hơn những gì cần thiết trong việc quản lý thị trường vàng. Chính điều này đã tạo nên tâm lý đám đông. Những phản ứng này dường như bị thị trường dẫn dắt nhiều hơn là dựa trên những thông tin xác thực và nghiên cứu khoa học”, ông Cường nhấn mạnh.
Về vấn đề nhập khẩu vàng, báo cáo vĩ mô do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) phối hợp cùng tổ chức Think Future Consultancy cho thấy, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới hiện nay không hoàn toàn phản ánh cân đối cung và cầu. Về giải pháp “trị" chênh lệch giá vàng, chúng ta không thể chỉ dựa vào việc nhập khẩu vàng ồ ạt để bình ổn giá.
“Hành động này không chỉ đi chệch mục tiêu mà còn lãng phí các nguồn lực dự trữ không cần thiết”, nghiên cứu của VEPR chỉ ra.
Về giải pháp, theo VEPR, các biện pháp hành chính sẽ trở nên đặc biệt quan trọng trong tình hình này, nhằm đảm bảo sự minh bạch cũng như ngăn chặn thao túng giá. Các biện pháp được VEPR nhắc đến bao gồm: Yêu cầu sử dụng hóa đơn, thanh tra thị trường vàng, điều tra hành vi thao túng... Các giải pháp này được VEPR đánh giá sẽ không tốn dự trữ ngoại hối mà lại có thể mang tới hiệu quả cao tức thì. Bên cạnh đó, cũng theo VEPR, ngoài biện pháp hành chính, công cụ tiền tệ như lãi suất cũng sẽ là biện pháp quan trọng trong việc ngăn chặn các loại bong bóng tài sản, bao gồm cả vàng./.
- Giá vàng thường diễn biến ra sao sau khi lập đỉnh mới?
- Bộ Tài chính yêu cầu "siết" hóa đơn điện tử trong mua bán vàng
- Chứng khoán đang chịu ảnh hưởng xấu từ việc giá vàng tăng “nóng”