ISSN-2815-5823

Xanh hóa khu công nghiệp – Xu thế phát triển kinh tế bền vững

(KDPT) - Những năm gần đây, môi trường sống chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh, thiên tai, ô nhiễm môi trường... Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các hiện tượng trên, trong đó một phần không nhỏ xuất phát từ việc con người khai thác nguồn tài nguyên quá mức nhằm tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ để thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của mình. Cân bằng môi trường sinh thái, đa dạng hóa sinh học trong các khu công nghiệp trở thành xu thế tất yếu trong phát triển kinh tế bền vững gắn với bảo vệ môi trường.

Phát triển mạnh các khu công nghiệp

Theo đánh giá chung, với rất nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút đầu tư của 63 tỉnh thành, quỹ đất dành cho phát triển khu công nghiệp, khu chế xuất… vẫn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Điều đó đồng nghĩa với việc “bê tông hóa” các khu vực vốn trước đây chỉ sử dụng cho nông, lâm nghiệp hoặc các mục đích khác. Năm 1961, KCN Biên Hòa được coi là KCN đầu tiên được xây dựng. Trải qua hơn 60 năm, hiện Việt Nam đã có trên 400 KCN. Hiện nay, do chính sách thu hút phát triển kinh tế tại các địa phương nên KCN thường có vị trí thuận lợi, chỉ sau thời gian đã trở thành trung tâm sầm uất với dân cư đông đúc. Thậm chí, nhiều KCN bị “bao vây’ bốn phía bởi nhà dân. Việc “chạy đua” phát triển kinh tế vô tình đã biến nhiều khu vực vốn trước đây là vựa lúa, là rừng cây, ao hồ… trở thành đại công trường sản xuất nhưng không có quy định bắt buộc “trả lại” trạng thái cân bằng về môi trường như ban đầu.

Hơn nửa thế kỷ qua, về cơ bản KCN của Việt Nam vẫn phục vụ các doanh nghiệp sản xuất theo mô hình kinh tế truyền thống, chỉ quan tâm đến tăng qui mô, số lượng sản phẩm sản xuất ra mà bỏ qua cách thức nhằm tối đa hóa yếu tố đầu vào, đầu ra, đặc biệt là hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường như ô nhiễm không khí, nguồn nước, tiếng ồn, khói bụi…

Trên thế giới, xu thế phát triển bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn, trong đó nhấn mạnh vai trò của việc liên kết cộng sinh giữa các đơn vị sản xuất ngày càng trở nên phổ biến. Điều đó dựa trên nguyên tắc liên quan đến sử dụng tái chế, quay vòng sản xuất, chất thải của sản phẩm này là nguyên liệu đầu vào của sản phẩm kia, góp phần sử dụng tài nguyên tiết kiệm và mang lại hiệu quả cao. Đặc biệt là giảm thiểu, thậm chí tiến tới triệt tiêu các loại chất thải gây ô nhiễm môi trường, tạo ra khả năng phục hồi lâu dài, hướng đến nền kinh tế các bon thấp (giảm một nửa lượng khí thải các bon đi ô xít từ công nghiệp vào năm 2030 so với mức năm 2008). Ngoài ra còn giúp các doanh nghiệp chủ động được nguồn cung nguyên liệu từ việc sử dụng sản phẩm tái chế, giảm nguyên liệu thô từ đó tạo ra lợi nhuận tốt hơn đồng thời tạo ra việc làm từ các dịch vụ hậu cần thu gom, hỗ trợ các sản phẩm tái chế, kéo dài tuổi thọ của sản phẩm…

Với tỷ lệ lấp đầy của các KCN lên đến trên 70%, có thể nói việc phát triển mạnh các KCN, khu chế xuất… đã thu hút đầu tư FDI tạo nhiều việc làm, nhiều của cải vật chất góp phần phát triển kinh tế. Tuy nhiên, mặt trái của việc phát triển này chính là tác dộng đến môi trường sinh thái với tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng.

Xanh hoá KCN là việc cấp thiết

Mục tiêu bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng sống của muôn loài là việc làm của tất cả các quốc gia trong đó có Việt Nam. Một trong những công việc trọng tâm chính là “xử lý” tình trạng ô nhiễm môi trường triệt để trong các KCN, khu chế xuất… hướng đến nền kinh tế Net Zero cac-bon. KCN sinh thái ra đời như một tất yếu khách quan.

Hiện nay, các tổ chức quốc tế đang hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi KCN truyền thống sang KCN sinh thái tại Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, Biên Hoà… cộng với một số chủ đầu tư cá nhân tự đầu tư theo mô hình KCN sinh thái nhưng tỷ lệ hiện vẫn còn rất khiêm tốn. Dù đã có ưu đãi nhất định khi đầu tư KCN sinh thái (về thuế, giá cho thuê sau này cao hơn…) nhưng xét về tiền vốn đầu tư ban đầu (tăng 30%); tỷ lệ đất làm cây xanh tăng (tối thiểu là 25%) với việc thủ tục hành chính còn nhiều phức tạp… khiến KCN sinh thái vẫn chưa thực sự hấp dẫn.

Để Việt Nam có thể thực hiện mục tiêu đạt Net Zero cac-bon vào năm 2050 theo đúng cam kết đòi hỏi sự vào cuộc của các Nhà quản lý và sự chủ động của các KCN. Cần có thêm các chính sách ưu đãi (về giải phóng mặt bằng, vốn vay đầu tư, đặc biệt là rút bớt, giản tiện các thủ tục hành chính..). Ưu tiên cấp phép kịp thời cho các KCN sinh thái mới, hạn chế, tiến tới dừng cấp phép mới cho các KCN truyền thống đồng thời phải có những quy định rõ ràng về trách nhiệm cần để cân bằng môi trường sinh thái tại KCN. Với hơn 400 KCN hiện hữu, tăng cường công tác truyền thông và khuyến khích các chủ đầu tư và người kinh doanh, người lao động tại các KCN đảm bảo yêu cầu nhận thức đúng và đầy đủ về trách nhiệm trong việc phát triển kinh tế bền vững gắn liền với công tác bảo vệ môi trường. Tuỳ từng loại hình KCN mà quy hoạch theo hướng từng bước sắp xếp, điều chỉnh hợp lý, tạo ra các khối liên kết cộng sinh sản xuất trong chính KCN. Đầu tư thu gom, xử lý rác thải, yêu cầu các đơn vị sản xuất tuân thủ nội quy của KCN về đảm bảo môi trường. Đặc biệt, nâng cao ý thức của người dân xung quanh KCN và những người làm việc trực tiếp tại KCN trồng cây tại tất cả các vị trí có thể, kể cả tường rào, khu công cộng đảm bảo an toàn, nhất là công tác phòng chống cháy nổ. Trồng cây theo các tầng lớp, lựa chọn các loại cây ngăn được tiếng ồn, khói bụi, cây tầng cao, cây bóng râm, cây bụi…. Nếu tất cả mọi người trong KCN đều tích cực tham gia trồng, chăm sóc và bảo vệ cây thì cả KCN sẽ xanh mát, giảm ô nhiễm môi trường và họ là chính là người được hưởng lợi ích trực tiếp…

Một góc vườn Nhật tại KCN Nam Cầu Kiền.
Một góc vườn Nhật tại KCN Nam Cầu Kiền.

Mô hình KCN sinh thái tại Nam Cầu Kiền

KCN Nam Cầu Kiền được xem là hình mẫu trong phát triển KCN xanh tại Việt Nam hiện nay. Khi xây dựng KCN Nam Cầu Kiền, Doanh nhân Phạm Hồng Điệp quyết tâm tạo KCN theo tiêu chí phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường. Với tư duy “kinh doanh trên đất - trả lại cho đất”, ông sẵn sàng đầu tư cao hơn 30% so với KCN truyền thống, dành tới 40% đất dành cho công trình công cộng và cây xanh. Tại KCN hiện đã hình thành ba liên kết cộng sinh, đó là: chuỗi cộng sinh tuần hoàn ngành thép, chuỗi cộng sinh ngành nhựa và chuỗi cộng sinh ngành phụ trợ.

Không ngạc nhiên khi KCN Nam Cầu Kiền giống khu đô thị hơn là KCN bởi màu xanh mát mắt của cây xanh với đa dạng loài từ hàng cây làm hàng rào, cây ăn quả, cây cảnh, cây lấy gỗ, cây bụi… xen kẽ bởi hồ nước uốn lượn với rất nhiều cá, tôm tung tăng bơi lội… Chia sẻ kinh nghiệm “xanh hoá” KCN ông Điệp cho biết khi các Doanh nghiệp tới KCN Nam Cầu Kiền họ thấy mình tích cực trồng cây, tạo hồ nuôi cá… họ cùng làm theo một cách rất tự nhiên, rồi khách đến thăm KCN cũng tặng cây… làm cho KCN có rất nhiều loại cây, kể cả cây quý…

Từ mô hình của KCN Nam Cầu Kiền, thiết nghĩ để Việt Nam xây dựng các KCN sinh thái còn rất nhiều việc cần làm. Trong đó, công tác tuyên truyền, khuyến khích có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Theo ông Điệp, tư duy phát triển đường dài theo xu thế kinh tế tuần hoàn ban đầu có thể gặp nhiều khó khăn do tiền vốn đầu tư cao hơn, quỹ đất trồng cây nhiều hơn đồng nghĩa đất xây dựng ít đi... Nhưng “lãi” nhất chính là các doanh nghiệp sẵn sàng thuê giá cao hơn, họ tích cực, chủ động tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường tại chính nơi sản xuất, đặc biệt mọi người đến KCN đều thích, lưu luyến khi ra về…

Một góc vườn Nhật tại KCN Nam Cầu Kiền.

Hiện các chính sách hỗ trợ phát triển KCN sinh thái đã rõ ràng và minh bạch hơn rất nhiều. Nếu rút ngắn và đơn giản hoá các thủ tục hành chính chắc chắn KCN sinh thái sẽ là lựa chọn của các nhà đầu tư lâu dài tại Việt Nam. Mục tiêu “xanh hoá” KCN cũng như đa dạng hoá sinh học trong môi trường công nghiệp góp phần vào phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường bền vững là xu thế tất yếu để Việt Nam tự tin sánh vai với các nước.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 28/12/2024