Xây dựng tập đoàn tài chính phát triển bền vững ở Việt Nam
Tham dự hội thảo có lãnh đạo Hội Truyền thông số Việt Nam cùng chuyên gia, luật sư hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực tài chính ngân hàng và khách mời là doanh nhân, đại diện các cơ quan ban ngành.
Hội thảo diễn ra trong bối cảnh các quy định mới của Luật các tổ chức tín dụng 2024 cùng các thông tư, dự thảo thông tư của Ngân hàng Nhà nước đang tạo ra những thay đổi trong cấu trúc sở hữu và hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Thực tế cho thấy, tại Việt Nam hiện nay, các ngân hàng đang đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành các tập đoàn tài chính quy mô lớn, hoạt động trong nhiều lĩnh vực, từ chứng khoán, bảo hiểm, quản lý quỹ đến sản xuất, thương mại, dịch vụ, bất động sản… có ảnh hưởng lớn đến sự ổn định và phát triển của nền kinh tế quốc dân.
Tuy nhiên, các quy định quản lý hoạt động của những tập đoàn tài chính lại chưa được hoàn thiện, đồng bộ. Vụ án ngân hàng SCB - Vạn Thịnh Phát đã gây ra hậu quả nghiêm trọng, để lại bài học lớn trong việc xây dựng thể chế nhằm quản lý các tập đoàn tài chính đa ngành.
Bởi vậy, Hội thảo được tổ chức để ghi nhận ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nhân, giới đầu tư về các vấn đề liên quan sở hữu ngân hàng và quản lý các tập đoàn tài chính.
Theo ông Phạm Xuân Hòe - Nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội cho thuê tài chính Việt Nam nhận định, nếu tập đoàn tài chính không bền vững thì nền kinh tế không thể phát triển bền vững.
Tuy chưa có khái niệm chính thức thống nhất, mô hình chung của một tập đoàn tài chính (Financial Business Group) bao gồm một công ty mẹ (công ty này không phải là định chế tài chính) nhưng có một định chế tài chính là công ty con và có thể có thêm 1 hoặc nhiều các công ty con. Trong đó, các công ty con tận dụng được lợi thế nguồn lực, uy tín, thương hiệu của công ty mẹ. Còn công ty mẹ tận dụng từ công ty con về gia tăng doanh thu; dịch vụ trọn gói; tăng năng lực cạnh tranh.
Tuy vậy, hạn chế là dẫn sở hữu chéo chằng chịt, trong điều kiện không minh bạch thì vô cùng khó kiếm soát. Cùng với đó là việc tuồn vốn cho công ty sân sau dễ dãi, tạo rủi do lan truyền trong hệ thống, ưu đãi nội bộ nhằm lách luật, thiếu minh bạch.
Theo ông Hòe, thống kê tài sản vốn của 11 tập đoàn tài chính lớn của Việt Nam cho thấy, tổng tài sản gần 14 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 67% toàn hệ thống tập đoàn tài chính. Dư nợ 9,9 triệu tỷ đồng chiếm 67,3% tổng dư nợ tín dụng. Trong đó, có 10 tập đoàn tài chính do ngân hàng thương mại là công ty mẹ; 1 tập đoàn tài chính do công ty bảo hiểm là công ty mẹ. Hệ sinh thái của tập đoàn tài chính có vốn Nhà nước đơn giản hơn, thuần về lĩnh vực tài chính.
“Hệ sinh thái của tập đoàn tài chính tư nhân cơ cấu phức tạp hơn rất, nhiều công ty con hoạt động phi tài chính, gồm cả bất động sản”, ông Hòe chia sẻ thêm.
Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, điều quan trọng nhất hiện nay là các ngân hàng, cổ đông và khách hàng phải tôn trọng các nguyên tắc, chuẩn mực. Cần đề cao việc tuân thủ, đồng thời công tác thanh tra, giám sát phải được tăng cường, thật sự nghiêm túc, kịp thời thì mới bảo đảm được hiệu quả và hiệu lực của pháp luật ngân hàng.
Quản nguồn gốc sở hữu ngân hàng cần xem xét đến cá nhân là người sở hữu cuối cùng của ngân hàng, tương tự như “công ty mẹ tối cao của tập đoàn” không bị sở hữu bởi bất kỳ pháp nhân nào khác theo như quy định của Luật quản lý thuế năm 2019”, ông Đức nói.
Nếu theo đúng quy định của luật, cổ đông lớn của ngân hàng là cá nhân chỉ có một mức duy nhất là 5%, vì trên 5% thì không được phép, dưới 5% thì không phải là cổ đông.
Với 2 phiên thảo luận chuyên sâu, hội thảo đã mang lại nhiều giá trị thực tiễn, góp phần tạo dựng một nền tảng vững chắc cho xây dựng chính sách - pháp luật về ngân hàng thương mại và tập đoàn tài chính Việt Nam trong giai đoạn sắp tới./.
- Công nghệ đang thay đổi chiếc thẻ ngân hàng ra sao?
- Ngân hàng Nhà nước ban hành các quyết định mới về lãi suất tiền gửi có hiệu lực từ ngày 20/11