Xe buýt điện góp phần "xanh hóa" giao thông cho Hà Nội
Phủ xanh giao thông bằng xe buýt điện
Kỳ họp thứ 17 của HĐND TP. Hà Nội vừa thông qua Nghị quyết về nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng và thu, chi ngân sách 6 tháng cuối năm 2024. Đáng chú ý tại Nghị quyết này, HĐND TP. Hà Nội đã tán thành với một số đề xuất của UBND TP. Hà Nội, trong đó có việc cần thiết xây dựng và triển khai Đề án phát triển giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt điện, năng lượng xanh trên địa bàn TP (viết tắt là Đề án).
Cụ thể, tại tờ trình về Đề án, UBND TP. Hà Nội cho hay hiện nay tình trạng ô nhiễm không khí tại nước ta, nhất là ở các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM là rất nhức nhối.
Do đó, việc chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí Carbon (CO2) là nhiệm vụ quan trọng để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đồng thời đây cũng là cơ hội để ngành giao thông vận tải thực hiện chuyển đổi xanh, hiện đại hoá, phát triển bền vững và bắt kịp với xu thế và trình độ phát triển của thế giới.
Theo đó, UBND TP. Hà Nội cho biết mục tiêu của đề án là đến năm 2030, TP sẽ có tỷ lệ phương tiện xe buýt điện, năng lượng xanh đạt khoảng 70-90% và đến năm 2035 đạt 100%.
Để thực hiện các mục tiêu trên, Đề án đưa ra 3 kịch bản, trong đó kịch bản 1 sẽ thay thế 100% xe buýt điện, với tổng chi phí đến năm 2035 là hơn 60 nghìn tỷ đồng.
Kịch bản 2, đến năm 2035, đạt 70% tỷ lệ xe buýt điện, 30% xe buýt LNG/CNG (sử dụng nhiên liệu khí thiên nhiên nén) với tổng kinh phí của kịch bản này là gần 56 nghìn tỷ đồng;
Kịch bản 3, đến năm 2035, đạt 50% tỷ lệ xe buýt điện, 50% xe buýt LNG/CNG, tổng kinh phí của kịch bản này là hơn 51 nghìn tỷ đồng.
Trong 3 kịch bản đề xuất, UBND TP. Hà Nội ưu tiên lựa chọn kịch bản 3, cho đến khi điều kiện cho phép sẽ phấn đấu lựa chọn kịch bản 2 và sau năm 2040 sẽ thực hiện theo kịch bản 1.
Về nguồn lực thực hiện, UBND TP. Hà Nội cho biết sẽ huy động tối đa mọi nguồn lực trong nước và quốc tế, nhà nước và tư nhân trong việc đầu tư, phát triển hạ tầng và phương tiện xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh.
Bên cạnh đó, TP cũng khuyến khích, hỗ trợ tạo điều kiện cho doanh nghiệp vận tải và các đơn vị xã hội hóa đầu tư phương tiện, pin thay thế và lãi vay; đầu tư hạ tầng trạm sạc/trạm tiếp nhiên liệu (CNG/LNG), trạm biến áp, hệ thống điều khiển, hệ thống cung cấp điện tại depot...
Đánh giá tác động của Đề án này, UBND TP. Hà Nội khẳng định người dân sẽ được cung cấp dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh hiện đại, thông minh, dễ tiếp cận. Giảm ùn tắc tắc giao thông, tạo điều kiện người dân tham gia giao thông thuận lợi. Đặc biệt là môi trường sống, môi trường sinh hoạt của người dân Thủ đô được cải thiện.
Cần đáp ứng nguồn điện, trạm sạc cho xe buýt điện
Trước đó, Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội cũng đã có văn bản thông báo ý kiến phản biện về Đề án này. Theo đó, cơ quan này đánh giá các kịch bản mà Đề án đề xuất có tính khả thi và nhận được sự đồng thuận cao của người dân Thủ đô, các doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng trong quá trình thực hiện. Cùng với đó, dự thảo đề xuất khi có điều kiện thuận lợi cho phép sẽ nâng tỷ lệ xe buýt sử dụng điện lên cao hơn là rất thận trọng và phù hợp với năng lực thực hiện của ngân sách TP.
“Tuy nhiên, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung số liệu tuyệt đối và quy đổi tỷ lệ khi chuyển đổi phương tiện để tăng tính thuyết phục đối với đại biểu HĐND và người dân Thủ đô. Đề nghị cơ quan tham mưu xác định rõ nguồn kinh phí trợ giá khi chuyển đổi phương tiện sử dụng điện, nhiên liệu xanh” - Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội đề nghị.
Báo cáo thẩm tra của Ban đô thị cũng cho rằng việc ban hành Đề án này là cần thiết, tuy nhiên cũng đề nghị UBND TP. Hà Nội cần đánh giá tính khả thi, hiệu quả của 3 kịch bản trên để “xác định rõ kịch bản lựa chọn sử dụng xuyên suốt các giai đoạn thực hiện Đề án”.
Từ đó đảm bảo khả năng đáp ứng về nguồn lực, khả năng cung cấp phương tiện xe buýt điện các chủng loại khác nhau, khả năng đáp ứng nguồn điện và trạm sạc, tránh gây thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước.
Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị UBND TP. Hà Nội chỉ đạo bổ sung phương án cấp điện, phương án phát triển hạ tầng kỹ thuật cho xe điện, trạm sạc, phương tiện phòng cháy, chữa cháy…
Ban này cũng thống nhất bổ sung nội dung thông qua Đề án vào Nghị quyết về nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng và thu, chi ngân sách 6 tháng của năm 2024./.
- Liệu bài học dìm giá xe điện có lặp lại với trí tuệ nhân tạo (AI)?
- Xe điện thông minh sở hữu bộ não với trí tuệ AI