ISSN-2815-5823
Thứ sáu, 07h36 18/05/2018

Ý nghĩa lịch sử ngày Khoa học và công nghệ Việt Nam 18 tháng 5

(KDPT) – Như chúng ta đều biết Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã có nhiều đóng góp to lớn trong lịch sử xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Một sự kiện có ý nghĩa lịch sử của ngành, ngày 18/5/1963 tại Đại hội lần thứ Nhất của Hội phổ biến Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự và phát biểu: “…Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động, không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi”…

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bài phát biểu tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ I Hội phổ biến khoa học, kỹ thuật Việt Nam ngày 18/5/1963

Câu nói cô đọng trên của Người đã chỉ rõ nguyên lý, mục tiêu và sứ mệnh cao cả của nền khoa học và công nghệ nước nhà. Lời dạy này đã trở thành kim chỉ nam cho KH&CN Việt Nam trong suốt chặng đường xây dựng và bảo vệ đất nước.

Ngày 18 tháng 5 là ngày có ý nghĩa lịch sử đặc biệt quan trọng không chỉ với giới trí thức khoa học công nghệ Việt Nam mà còn đối với cơ quan Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

Những năm qua, khoa học và công nghệ không chỉ khẳng định vai trò và sức mạnh vô cùng to lớn trong các lĩnh vực công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước mà còn trở thành động lực then chốt của sự nghiệp Đổi mới và phát triển. Những thành tựu khoa học và công nghệ ngày càng được quan tâm, nghiên cứu, ứng dụng, phổ biến và áp dụng sâu rộng trong thực tiễn, tác động tích cực đến phát triển kinh tế – xã hội, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, nâng cao dân trí, bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa, con người Việt Nam.

Để nêu cao tinh thần, trách nhiệm của cộng đồng xã hội đối với sự nghiệp khoa học và công nghệ nói chung, tôn vinh quá trình lao động, sáng tạo, cống hiến của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam, Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thống nhất chọn ngày 18 tháng 5 hàng năm là ngày kỷ niệm Khoa học và công nghệ Việt Nam.

Ngày 18 tháng 5 năm 1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ đến dự và chúc mừng Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ nhất Hội Phổ biến khoa học, kỹ thuật Việt Nam (tiền thân của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam). Trong bài phát biểu của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết những luận điểm quan trọng nhất về phát triển khoa học và công nghệ ở nước ta, đồng thời giao nhiệm vụ vừa khó khăn, nhưng lại vừa vinh quang này cho giới trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam. Người khẳng định: “Chúng ta đều biết rằng trình độ khoa học, kỹ thuật của ta hiện nay còn thấp kém. Lề lối sản xuất chưa cải tiến được nhiều. Cách thức làm việc còn nặng nhọc. Năng suất lao động còn thấp. Phong tục tập quán lạc hậu nhiều. Nhiệm vụ của khoa học là ra sức cải biến những cái đó…

…Khoa học phải tự sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi

… các cô, các chú phải ra sức đem hiểu biết khoa học, kỹ thuật của mình truyền bá rộng rãi trong nhân dân lao động, để nhân dân thi đua sản xuất nhiều, nhanh, tốt, rẻ,…”

Lời căn dặn ngắn gọn, súc tích của chủ tịch Hồ Chí Minh trải qua hơn 50 năm nhưng vẫn còn nguyên giá trị, thể hiện tầm nhìn chiến lược sâu rộng, tư tưởng lớn của Người đối với định hướng phát triển lâu dài của nền khoa học và công nghệ nước nhà. Khoa học và công nghệ phải chỉ là lý thuyết mà còn phải gắn nghiên cứu với ứng dụng, với hoàn cảnh thực tiễn ở Việt Nam, phải không ngừng cải tiến kỹ thuật, liên kết chặt chẽ với quá trình lao động, sản xuất và phục vụ đời sống nhân dân. Khoa học và công nghệ phải gắn với lao động, sáng tạo không mệt mỏi của trí thức Việt Nam, không chỉ biểu hiện ở nghiên cứu sách vở mà trí thức còn phải biết vận dụng, đem những thành tựu khoa học và công nghệ phổ biến cho nhân dân để có hiệu quả thực hành, ứng dụng rộng rãi, mang lại lợi ích cho quốc gia, dân tộc.

Hơn 50 năm qua, đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam không ngừng lớn mạnh, có mặt trong mọi ngành khoa học, mọi lĩnh vực phát triển kinh tế- xã hội trên khắp mọi miền đất nước. Học tập và lĩnh hội tư tưởng chỉ đạo của chủ tịch Hồ Chí Minh, đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam đã không ngừng nỗ lực nghiên cứu khoa học, tăng cường trao đổi, phổ biến kiến thức, ứng dụng, chuyển giao công nghệ phục vụ mục tiêu phát triển cộng đồng, phát triển xã hội, xây dựng nền khoa học và công nghệ Việt Nam ngày càng hiện đại và hội nhập với những nền khoa học và công nghệ tiên tiến trên thế giới.

Giới khoa học chọn ngày 18/5 bởi ngày này gắn với một sự kiện lịch sử. Đó là vào ngày 18/5/1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự và phát biểu tại Đại hội lần thứ nhất của Hội phổ biến Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam: “Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động, không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi”. Trong lời nói ngắn gọn nêu trên, Hồ Chủ tịch đã chỉ rõ nguyên lý, mục tiêu và sứ mệnh cao cả của khoa học và công nghệ. Lời dạy của Hồ Chí Minh đã trở thành kim chỉ nam cho khoa học công nghệ Việt Nam trong suốt chặng đường bảo vệ và xây dựng đất nước hơn 50 năm qua.

Tại Kỳ họp Quốc hội Khóa XIII, Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) được Quốc hội biểu quyết thông qua; trong đó quy định lấy ngày 18/5 hằng năm là Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Nguyễn Thu



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 19/09/2024