ISSN-2815-5823
Ngọc Thiện
Thứ hai, 06h54 26/08/2024

Làn sóng giao dịch chênh lệch lãi suất chuyển vào Nhân dân tệ?

(KDPT) - Giao dịch chênh lệch lãi suất bằng đồng Nhân dân tệ được coi là xu hướng mới, sau khi Nhật Bản tăng lãi suất hồi cuối tháng 7 để hỗ trợ đồng Yên.

Ngân hàng Trung ương Canada cho biết, các giao dịch liên quan đến việc vay Nhân dân tệ để mua tài sản có lợi suất cao hơn sẽ bị hạn chế hơn khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc duy trì chính sách tiền tệ ôn hòa. Dữ liệu của Macquarie Group cho thấy, giao dịch chênh lệch lãi suất đồng Nhân dân tệ phần lớn từ doanh nghiệp xuất khẩu và các công ty đa quốc gia, trong khi đồng Yên lại nhận được sự quan tâm chủ yếu từ các nhóm đầu cơ. 

Trong 3 năm qua, giao dịch chênh lệch lãi suất - vay ở một quốc gia có lãi suất thấp để tài trợ cho khoản đầu tư vào tài sản ở nơi khác mang lại lợi nhuận cao hơn - bằng đồng Yên đã bùng nổ vì lãi suất cực thấp của Nhật Bản.

Tuy nhiên đến đầu tháng 8 vừa qua, đồng Yên tăng giá trở lại đã gây ra một đợt bán tháo mạnh mẽ. Các nhà đầu tư đã rút tiền sau khi Ngân hàng Nhật Bản tăng lãi suất để thúc đẩy nội tệ, từ đó thu hẹp chênh lệch.

Alvin T. Tan, giám đốc về chiến lược tiền tệ Châu Á tại Royal Bank of Canada, cho biết: "Nền kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) sẽ nới lỏng chính sách hơn nữa trong những tháng tới".

Làn sóng giao dịch chênh lệch lãi suất được cho đang tiến vào đồng Nhân dân tê. (Ảnh minh họa: Xinhua)
Làn sóng giao dịch chênh lệch lãi suất được cho đang tiến vào đồng Nhân dân tê. (Ảnh minh họa: Xinhua)

Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp, một giao dịch chênh lệch tỷ giá liên quan đến việc vay Nhân dân tệ để đầu tư vào các loại tiền tệ của các thị trường mới nổi khác đã mang lại lợi nhuận 0,5% trong quý này.

Một sự khác biệt lớn giữa đồng Nhân dân tệ với đồng Yên trong giao dịch chênh lệch lãi suất nằm ở chỗ, Trung Quốc hạn chế dòng tiền nước ngoài chảy vào, đồng thời ngăn không cho nội tệ chảy ra ngoài để hỗ trợ quá trình kiểm soát nền kinh tế. Điều này đã làm giảm bớt quy mô của các giao dịch chênh lệch tỷ giá. 

Một đặc trưng khác, là trong khi các giao dịch được tài trợ bằng đồng Yên được đầu tư vào các mục tiêu nước ngoài, thì phần lớn các giao dịch sử dụng Nhân dân tệ lại được nắm giữ bởi các doanh nghiệp xuất khẩu hoặc các công ty đa quốc gia từ Trung Quốc. Những giao dịch này chỉ đem lại lợi nhuận vào năm 2022 sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đẩy lãi suất lên cao hơn Trung Quốc. 

Theo Macquarie, các nhà xuất khẩu và công ty đa quốc gia của Trung Quốc đã tích lũy được hơn 500 tỷ USD kể từ năm 2022. 

Wee Khoon Chong, chuyên gia cấp cao về thị trường Châu Á - Thái Bình Dương tại BNY, nhận định: có một số lý do khiến các nhà đầu tư quan tâm vào giao dịch chênh lệch tỷ giá Nhân dân tệ.

Ông cho biết: "Tình hình thanh khoản Nhân dân tệ ở nước ngoài đang diễn ra mạnh mẽ có thể khiến thị trường ngoại tệ trở nên sôi động hơn".

Tuy nhiên, tổng quy mô của các giao dịch chênh lệch lãi suất bằng đồng Nhân dân tệ có thể bị hạn chế vì Ngân hàng Trung ương Trung Quốc có đủ công cụ để ngăn chặn những gì mà cơ quan này coi là "sự tích tụ quá mức các vị thế đầu cơ"./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine