ISSN-2815-5823

4 điểm sáng của nền kinh tế giúp Việt Nam vượt "cơn gió ngược"

(KDPT) - Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, 4 điểm sáng của nền kinh tế bao gồm: Thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, giải ngân đầu tư công vượt mức và thành tựu về đối ngoại.

Chiều ngày 5/10, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm kinh tế Việt Nam vượt những "cơn gió ngược", với sự tham dự của lãnh đạo cơ quan quản lý Nhà nước, tổ chức quốc tế, các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, kết quả nổi bật trong 9 tháng vừa qua là tốc độ tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 4,24%. Đây là kết quả khá cao so với các nước. Đặc biệt, Thứ trưởng đã nhấn mạnh 4 “điểm sáng” để nền kinh tế vượt qua được những "cơn gió ngược".

Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Thứ nhất, Thứ trưởng đánh giá cao công tác điều hành tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước trong 9 tháng vừa qua. Sự điều hành linh hoạt, hiệu quả của Ngân hàng Nhà nước đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn thuận lợi, điều hành tỉ giá phù hợp, đảm bảo tính thanh khoản của toàn hệ thống.

Thứ hai, chúng ta cũng vượt qua "cơn gió ngược" về lạm phát. CPI 6 tháng đầu năm khá cao nhưng CPI 9 tháng tăng 3,16% so với cùng kỳ năm trước so với dư địa 4,5% mà Quốc hội cho phép. Trong những tháng cuối năm, chúng ta hoàn toàn có thể điều hành được.

Thứ ba là giải ngân đầu tư công. Năm nay là năm có lượng vốn đầu tư công cao nhất từ trước đến nay, do đó thách thức về giải ngân vô cùng lớn. Kết quả giải ngân vốn đầu tư công sau 9 tháng đạt 51% là kết quả rất đáng khích lệ. Trong rất nhiều năm qua, hiếm có năm nào sau 9 tháng kết quả giải ngân đạt được trên 50% bởi chúng ta thường dồn giải ngân vào những tháng cuối năm.

Thứ tư, điểm nổi bật trong năm nay khi bối cảnh thế giới nhiều biến động thì đất nước đã đạt nhiều kết quả rất tốt về đối ngoại. Đây là nội dung rất quan trọng trong điều hành kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng cả năm.

Cùng quan điểm, đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội bổ sung thêm một số "điểm sáng" sau những con số không dễ nhìn ra; trong đó, phải tính đến nỗ lực và nguồn lực của Quốc hội, Chính phủ, doanh nghiệp cũng như người dân đã bỏ ra. Điển hình như Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp cả bằng thể chế và bằng tiền, như: Giảm thuế, miễn thuế, gia hạn các nghĩa vụ tài chính… với khoảng 150.000 tỷ đồng.

Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu (trái) trao đổi cùng TS. Nguyễn Sĩ Dũng tại Tọa đàm. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Ngoài ra, theo ông Hiếu, là sự nỗ lực của Chính phủ, doanh nghiệp, người dân và các địa phương cùng chung tay để giảm bớt khó khăn, vượt qua thách thức. Cùng với đó là sự quyết liệt, quyết tâm, hành động rất mạnh mẽ của Chính phủ trong giai đoạn vừa qua, khi đã đưa các giải pháp giải quyết khó khăn và quyết định các chính sách.

TS. Vũ Minh Khương, giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu Singapore cũng đồng tình với Thứ trưởng Trần Quốc Phương và đại biểu Phan Đức Hiếu đã đưa ra một số thực tế sắc sảo, sáng rõ vấn đề.

“Quan sát Việt Nam có mạnh lên sau đại dịch hay không là một vấn đề rất nhiều nhà nghiên cứu quốc tế cũng như chính khách quốc tế quan sát. Và thấy rõ Việt Nam mạnh lên sau đại dịch”, TS. Vũ Minh Khương nhấn mạnh.

Cũng theo ông Khương, trong vòng 2 năm vừa rồi, niềm tin về sự điều hành của Chính phủ trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu vô cùng khó khăn tăng lên rất mạnh mẽ, cả bên ngoài và trong nội bộ.

TS. Vũ Minh Khương (trái) và ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Về mặt điều hành vĩ mô, ông Khương cho rằng, trong bối cảnh có nhiều rủi ro, nền kinh tế chúng ta mới ở giai đoạn ban đầu, rất nhiều khó khăn nhưng rất vững vàng trong điều hành tỉ giá, lãi suất, không thấy vấn đề lo lắng gì cả. Đấy là điều rất đáng mừng cho nền kinh tế.

TS. Vũ Minh Khương nhận định, chúng ta đang đứng ở ngưỡng cửa của một kỷ nguyên mà Việt Nam có thể cất cánh để trở thành một quốc gia phát triển trong thời gian tới.

“Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ vừa qua đem lại nhiều động lực, ngành nghề mới, như sản xuất chip bán dẫn, đây cơ hội rất lớn cho chúng ta”, và ông Khương tin tưởng “Việt Nam sẽ có những bước đi rất ngoạn mục trong thời gian tới”.

Trong khi đó, ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam cho rằng, những 'lỗ hổng", thiếu hụt về hạ tầng hiện nay còn lớn, các khoản ODA còn hạn chế. Vì vậy, cần huy động hơn nữa nguồn lực từ khu vực tư nhân cho hạ tầng, nhất là hạ tầng có khả năng chống chịu với sự biến đổi khí hậu.

“Theo tôi, cần cải tổ về chính sách khuyến khích kinh tế như nhân”, ông Shantanu Chakraborty nhấn mạnh.

Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam nhận định: “Chúng tôi đánh giá cao những phản ứng chính sách chủ động của Chính phủ, cân bằng ổn định kinh tế vĩ mô với hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội, thúc đẩy đầu tư công. Các chính sách kinh tế vĩ mô bao gồm các biện pháp tài chính và tiền tệ. Cho đến nay, Chính phủ đã đi đúng hướng và kịp thời”./.

BẢO LINH

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 27/07/2024