Người nộp thuế giao dịch tại bộ phận một cửa của cơ quan thuế trên địa bàn TP Hà Nội - Ảnh: Thu Hương.

Tổng thu ngân sách 8 tháng do cơ quan thuế quản lý ước đạt 1.002.874 tỷ đồng, bằng 85,4% so với dự toán, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, thu nội địa ước đạt 951.789 tỷ đồng, bằng 83% so với dự toán, bằng 115,9% so với cùng kỳ năm 2021. Số thu thuế, phí nội địa ước đạt 733.212 tỷ đồng, bằng 80,1% so với dự toán, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2021.

So với dự toán có 16/19 khu vực, khoản thu, sắc thuế ước đạt khá so với dự toán (trên 68%), trong đó một số khu vực, khoản thu lớn như: thu từ khu vực DNNN đạt 74,7%; thu từ DN có vốn đầu tư nước ngoài đạt 72%; thu từ khu vực công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh đạt 82%; thuế TNCN đạt 98,9%; Thu lệ phí trước bạ 88,9%; thu tiền cho thuê đất 101,7%; thu tiền sử dụng đất đạt 109,6%. So với cùng kỳ có 14/19 khu vực, khoản thu, sắc thuế có mức tăng trưởng.

Theo đánh giá của Tổng cục Thuế, kinh tế trong nước 8 tháng đầu năm tiếp tục phục hồi nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã và đang phát huy tác dụng tốt. Tốc độ tăng trưởng GDP quý I tăng 5,03%, quý II tăng 7,72% so với cùng kỳ năm trước, dự báo tốc độ tăng Quý III đạt khoảng 11%, kỳ vọng cả năm tăng 7,82%. Hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN đã trở lại trạng thái bình thường. Đáng chú ý một số ngành chịu tác động của dịch Covid đã tăng trưởng mạnh trở lại như vận tải hành khách tháng 8/2022 tăng gấp 4,4 lần và luân chuyển hành khách gấp 7,5 lần cùng kỳ năm trước; vận tải hàng hóa tăng 58,6% về sản lượng, tăng 68,8% về luân chuyển hàng hóa so cùng kỳ;

Trong 8 tháng đầu năm, cơ quan thuế đã triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý thuế, trong đó toàn ngành đã thực hiện được 37.622 cuộc thanh, kiểm tra; kiểm tra được 412.529 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế. Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 35.475 tỷ đồng, bằng 120,5% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó: tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 7.718 tỷ đồng; giảm khấu trừ là 1.108 tỷ đồng; giảm lỗ là 26.649 tỷ đồng.

Lũy kế 8 tháng, cơ quan thuế đã thu được 22.829 tỷ đồng, bằng 54,4% chỉ tiêu thu nợ năm 2022. Cơ quan thuế các cấp đã thực hiện xử lý khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp không còn khả năng nộp NSNN theo Nghị quyết 94/2019/QH14 ước đạt 2.375 tỷ đồng (xử lý khoanh nợ 1.029 tỷ đồng; xử lý xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp 1.345 tỷ đồng).

Đại diện Tổng cục Thuế cho biết, để hoàn thành nhiệm vụ trong các tháng cuối năm, ngành thuế sẽ tiếp tục bám sát diễn biến tình hình chiến sự Nga – Ukraina, biến động giá dầu thế giới và trong nước để phân tích, đánh giá tác động đến tình hình sản xuất kinh doanh và kinh tế xã hội trong nước, từ đó có đánh giá, dự báo khả năng, tình hình thu ngân sách. Cơ quan thuế các cấp sẽ phân tích cụ thể từng địa bàn thu, từng khu vực thu, từng sắc thuế để tham mưu kịp thời phương án chỉ đạo, điều hành thu NSNN trong những tháng cuối năm.

Bên cạnh đó, ngành thuế sẽ rà soát, đánh giá kỹ tác động khi triển khai thực hiện các chính sách miễn giảm, gia hạn thuế và nắm sát tình hình hồi phục kinh tế để dự báo khả năng thu, đặc biệt là các nguồn thu bị tác động bởi các chính sách hỗ trợ, kích cầu tiêu dùng và các chính sách tài khóa tiền tệ khác, trên cơ sở đó, dự báo thu cả năm 2022 sát thực tế, tham mưu chính xác cho Bộ Tài chính chủ động trong cân đối, điều hành thu - chi hiệu quả.