ISSN-2815-5823
Duy Khánh, Minh Thành, Phương Thúy, Sơn Hà
Thứ ba, 10h57 12/12/2023

Ấn tượng về một trung tâm phục hồi chức năng người khuyết tật

(KDPT) - Trong không khí bàng bạc của buổi sáng đầu đông, từ xa, màu xanh của tòa nhà Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An nổi lên như niềm hy vọng của những cuộc đời còn thiếu may mắn. Nơi đây đã, đang và tiếp tục là địa chỉ tiếp thêm niềm tin, nuôi dưỡng và hiện thực những ước mơ của người khuyết tật.

Từ bất ngờ tới bất ngờ hơn

Trong suy nghĩ của nhiều người, một trung tâm của những người khuyết tật thường mang một gam màu xám. Đó là nơi của những cuộc đời còn khuyết thiếu, thường nặng về tính an sinh hơn.

Nhưng một giờ đồng hồ trò chuyện với Phó Giám đốc Trung tâm, ông Đào Xuân Quyền và anh Vũ Trọng Quỳnh – Trưởng phòng nghiệp vụ công tác xã hội đã cho chúng tôi nhiều sự ngạc nhiên, bất ngờ thú vị về hoạt động của trung tâm.

Được thành lập từ năm 1976 (thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), đến nay đã gần 50 năm trung tâm hiện diện trên vùng đất Thụy An, Ba Vì, Hà Nội. Ở mảnh đất gần rừng, xa phố này, cuộc sống dường như cũng chậm hơn, nhẹ nhàng hơn với gần 90 cán bộ, nhân viên và gần 300 người khuyết tật, người già, người có công với cách mạng và con em các gia đình chính sách. Đây là nơi khám bệnh, điều trị, phục hồi chức năng đối với người khuyết tật, người có công với cách mạng, trẻ tự kỷ, trẻ em có hoàn cánh đặc biệt, người cao tuổi và đối tượng khác có nhu cầu.

Nói về trung tâm, Phó Giám đốc Đào Xuân Quyền cho rằng, đây là mô hình một bệnh viện chuyên khoa phục hồi chức năng, cũng là một trường học giáo dục chuyên biệt, trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề và gồm cả trung tâm tư vấn dành cho người khuyết tật. Trung tâm đặt mục tiêu phục hồi là mục tiêu chính trong công tác. Theo đó, tùy vào năng lực, năng khiếu của từng bệnh nhân, trung tâm sẽ sàng lọc, phân loại và định hướng để người khuyết tật phát huy tối đa khả năng còn tiềm ẩn trong họ để được phát triển tốt nhất.

Do đó, công tác y tế, phục hồi chức năng rất được chú trọng. Theo chia sẻ của ông Đào Xuân Quyền, những năm gần đây trung tâm đã mạnh dạn đầu tư những thiết bị tiên tiến, hiện đại trên thế giới. Điều đó góp phần chăm sóc, phục hồi tốt hơn cho người khuyết tật. Có thể kể tới như máy kéo giãn cột sống, điện xung, điện phân, vi sóng, sóng ngắn, từ trường, châm cứu laser, siêu âm trị liệu… Đặc biệt, trung tâm kết hợp tốt giữa y học cổ truyền với y học hiện đại trong công tác điều trị phục hồi chức năng. Phòng điều trị vật lý trị liệu, tập phục hồi rộng rãi, sạch sẽ, thoáng mát, đường đi lại được thiết kế xây dựng rất thuận lợi cho việc di chuyển của người khuyết tật.

Trẻ em khuyết tật được tiếp nhận vào đây thông qua việc khám tuyển tại các địa phương hoặc khám, đánh giá tại Trung tâm và phân loại theo các dạng tật để áp dụng các hình thức phục hồi chức năng cho phù hợp.

Trung tâm đã đón nhận và phục hồi chức năng cho hàng nghìn trẻ em khuyết tật. Số cháu được tư vấn và tập luyện phục hồi chức năng qua Trung tâm là gần 3 nghìn cháu. Nhiều cháu khi ở nhà không đi lại được, phụ thuộc hoàn toàn vào trợ giúp của gia đình và nguời thân, khi vào Trung tâm được phẫu thuật chỉnh hình và phục hồi chức năng một thời gian, các cháu có thể tự đi lại được hoặc đi lại bằng dụng cụ trợ giúp.

Giờ tập vận động của trẻ em khuyết tật tại trung tâm.
Giờ tập vận động của trẻ em khuyết tật tại trung tâm.

Trẻ em khuyết tật tại trung tâm được học văn hóa, tùy theo năng lực và tình hình sức khỏe, nếu đáp ứng tốt có thể được chuyển ra học phổ thông tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Năm học 2023-2024, có 06 em theo học văn hóa hòa nhập, 100% đạt hạnh kiểm tốt. Có 03 em được khen thưởng học sinh tiên tiến năm học 2022-2023. Mô hình giáo dục đặc biệt, can thiệp trẻ em tự kỷ của Trung tâm đã giúp trẻ em khuyết tật có kiến thức văn hóa, có kỹ năng sống để tự tin hòa nhập cộng đồng, phát huy khả năng của bản thân, ổn định cuộc sống lâu dài.

Ấn tượng về một trung tâm phục hồi chức năng người khuyết tật
Ấn tượng về một trung tâm phục hồi chức năng người khuyết tật
Giờ học văn hóa của các em tại trung tâm.

Trong năm qua, trung tâm có hai học sinh đỗ vào Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Không những vậy, các thế hệ người khuyết tật tại trung tâm cũng có hẳn bề dày học tập đáng ngưỡng mộ. Có em đỗ vào các trường top đầu như: Đại học Bách Khoa; Đại học Xây Dựng. Có người còn học lên tới Thạc sĩ, Tiến sĩ, làm luật sư… hoặc trở thành doanh nhân thành đạt như Phạm Kim Tuý (Ninh Bình), Trần Ngọc Minh (Bắc Ninh)… Đó thực sự là những bất ngờ và ấn tượng.

Ấn tượng về một trung tâm phục hồi chức năng người khuyết tật
Thầy giáo Nguyễn Ðức Thể - giáo viên dạy làm tranh đá Phòng Hướng nghiệp dạy nghề của Trung tâm. Là người dân tộc Mường, con của nạn nhân chất độc màu da cam, anh Nguyễn Ðức Thể bị mất khả năng vận động ở chân, phải ngồi xe lăn. Hiện thầy Thể vừa trực tiếp làm ra nhiều bức tranh đẹp, vừa hướng dẫn trẻ em, người khuyết tật kỹ thuật làm tranh đá.

Không những vậy, một trong những ấn tượng lớn nhất về Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An, đó là hình thức phục hồi chức năng về tinh thần và nghề nghiệp cho người khuyết tật. Tại trung tâm đang tổ chức hướng nghiệp, dạy các nghề như: May, đan, làm đồ handmade, hoa, làm hương thơm, tranh đá quý, tranh bút lửa và dệt Saori… Sản phẩm của người khuyết tật làm ra được thị trường chấp nhận, tiêu thụ tốt, là cơ hội để người khuyết tật có thể tự lập cuộc sống khi hòa nhập cộng đồng.

Ấn tượng về một trung tâm phục hồi chức năng người khuyết tật
Học nghề dệt Saori tại Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An.

Đây cũng là một hình thức lao động trị liệu, giúp người khuyết tật tự tin hơn vào bản thân, tìm thấy niềm vui trong cuộc sống, nếu được định hướng và học tập tốt có thể lành nghề, tự nuôi sống được bản thân. Mặc dù vậy, trung tâm không định hướng kinh doanh các sản phẩm của người khuyết tật, mục đích cuối cùng là giúp họ có thể phục hồi chức năng, tự chăm sóc được bản thân và có kiến thức văn hóa, xã hội để có thể hòa nhập nhanh, tốt nhất với gia đình và xã hội.

Ấn tượng về một trung tâm phục hồi chức năng người khuyết tật
Ấn tượng về một trung tâm phục hồi chức năng người khuyết tật
Lớp học may và làm đồ đan lát.
Ấn tượng về một trung tâm phục hồi chức năng người khuyết tật
Sản phầm hương thơm do những người khuyết tật tại trung tâm sản xuất.
Ấn tượng về một trung tâm phục hồi chức năng người khuyết tật
Ấn tượng về một trung tâm phục hồi chức năng người khuyết tật
Sản phẩm do người khuyết tật làm ra được trưng bày tại trung tâm.

Theo ông Đào Xuân Quyền, các hoạt động giáo dục, hướng nghiệp, dạy nghề có mục đích rất nhân văn, không những góp phần phục hồi chức năng cho người khuyết tật, giúp họ có thể tự lập trong cuộc sống, ngoài ra còn có thể góp phần giảm gánh nặng xã hội, tăng thêm lực lượng lao động…

Từ công tác y tế, phục hồi chức năng chuyên sâu, giáo dục chuyên biệt, hướng nghiệp, dạy nghề kết hợp với công tác xã hội đã tạo nên mô hình phục hồi chức năng khép kín, toàn diện. Mô hình này đã được các đoàn khách quốc tế đến tham quan đánh giá cao các hoạt động của trung tâm và có nhiều địa phương như: Vĩnh Phúc, Yên Bái, Hải Dương, Lào Cai… tới tìm hiểu và được chuyển giao kỹ thuật, kinh nghiệm.

Ấn tượng về một trung tâm phục hồi chức năng người khuyết tật
Trẻ em tại trung tâm được chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị, phục hồi chức năng.

Điểm tựa an sinh

Có thể nói, để đạt được những kết quả ấn tượng, trở thành địa chỉ tin cậy của gia đình và bản thân người khuyết tật, Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Bộ LĐ-TB&XH, sự chung tay của các cơ quan, ban ngành và xã hội. Hiện cơ sở hạ tầng của trung tâm đã và đang được đầu tư khang trang hơn giúp cho người khuyết tật, bệnh nhân ở đây có điều kiện sống tốt hơn.

Quan trọng hơn cả là đội ngũ cán bộ, giáo viên rất tâm huyết, gắn bó với công việc, qua đó thu hút được nguồn lực xã hội cùng chung tay giúp đỡ đối tượng yếu thế trẻ khuyết tật, tự kỷ…

Ấn tượng về một trung tâm phục hồi chức năng người khuyết tật
Sự quan tâm, chăm sóc tận tình của cán bộ, nhân viên Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An tiếp thêm hy vọng cho những người khuyết tật tại đây.

Dẫn chúng tôi đi tham quan khuôn viên và các khu vực chức năng của trung tâm, anh Vũ Trọng Quỳnh - Trưởng phòng Nghiệp vụ Công tác xã hội cho biết, với tiêu chí lấy người khuyết tật là trung tâm, đến nay quy trình khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật và trẻ em tự kỷ được từng bước hoàn thiện.

Các em khuyết tật vận động nặng, hoặc chậm phát triển trí tuệ nặng, cần người phục vụ và hỗ trợ trong sinh hoạt sẽ ở tầng 1 để các cô điều dưỡng thuận tiện trong việc chăm sóc. Còn các em học sinh có khả năng tự lập sẽ ở tầng hai, hàng ngày có giáo viên quản sinh trực 24/24 để quản lý và hướng dẫn, giúp đỡ các em sinh hoạt, học tập theo đúng giờ giấc quy định. Chính vì vậy, các em học sinh ở đây tham gia mọi hoạt động rất có nề nếp, tự giác và ý thức tổ chức kỷ luật cao. Phía bên phải là công trình nhà hai tầng gồm tầng 1 làm nhà ăn cho các cháu học sinh khuyết tật và tầng 2 làm hội trường phục vụ cho các hoạt động chung của các cháu như: Biểu diễn văn hóa, văn nghệ nhân các ngày lễ lớn, tổ chức mít tinh, vui chơi, giải trí, giao lưu với các đoàn khách và các hội nghị của cơ quan, đơn vị.

Ngay trước mặt khu nhà ở của các cháu, dưới bóng cây đa cổ thụ do cố Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Hữu Thọ trồng năm 1981, là sân bóng mini và sân khấu ngoài trời, nhằm phục vụ cho những hoạt động văn hóa, văn nghệ và thể dục thể thao của các cháu học sinh khuyết tật.

Phía bên trái là khu phòng học hai tầng. Tầng 1 dành riêng cho các em học sinh tự kỷ. Nơi đây có thể tiếp nhận gần 100 học sinh tự kỷ với đầy đủ các phòng can thiệp cá nhân, phòng học nhóm, phòng học văn hóa, phòng tâm vận động, cùng các phòng chức năng và công trình phụ trợ khác… Tất cả đều rất ngăn nắp, gọn gàng, khang trang, sạch sẽ và thân thiện, thuận lợi cho công việc chuyên môn và dễ dàng tiếp xúc đối với các đối tượng học sinh cũng như gia đình học sinh.

Trao đổi thêm, anh Vũ Trọng Quỳnh cho biết, Trung tâm đã duy trì Lễ Chào cờ, hát Quốc ca bằng ngôn ngữ ký hiệu vào sáng thứ Hai hàng tuần và tập thể dục giữa giờ hàng ngày. Đây là một hoạt động rất ý nghĩa giúp trẻ khuyết tật phát triển toàn diện đồng thời giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần đấu tranh hào hùng của dân tộc Việt Nam đối với các em.

Ấn tượng về một trung tâm phục hồi chức năng người khuyết tật
Trung tâm đã nhận được nhiều Bằng khen, Giấy khen của Đảng, Nhà nước.

Năm qua, trung tâm đã tổ chức đăng ký, xét công nhận 11 sáng kiến trong thực hiện nhiệm vụ trong toàn đơn vị. Các sáng kiến cơ bản hiệu quả, có khả năng áp dụng vào thực tế, góp phần nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc, điều trị, phục hồi chức năng cho người khuyết tật, bệnh nhân. Tuy vậy, anh Quỳnh cũng chia sẻ, hiện trung tâm còn gặp một số khó khăn như: Thiếu số lượng người làm việc; đặc biệt là cán bộ chuyên môn sâu. Đơn vị ở xa trung tâm thành phố; nguồn thu dịch vụ còn thấp; gia đình người khuyết tật còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế và chưa có cơ chế để thu hút…

Dẫu còn có khó khăn, nhưng với sự đoàn kết đồng lòng, luôn hướng tới người khuyết tật của tập thể cán bộ, nhân viên trung tâm, tin tưởng rằng trung tâm sẽ vượt qua trở ngại, không ngừng đổi mới và phát triển để vững danh hiệu lá cờ đầu của ngành LĐ-TB&XH trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị và phục hồi chức năng cho người khuyết tật. Những năm qua, trung tâm đã được Đảng, Nhà nước trao tặng những phần thưởng thi đua cao quý như: Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba, cùng rất nhiều Cờ luân lưu của Chính phủ và Cờ thi đua của Bộ và nhiều bằng khen các loại.

Có thể nói Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An đã trở thành mái nhà thứ hai, là điểm tựa vững chắc cho người khuyết tật, trẻ em tự kỷ và gia đình của các em./.

Bài và ảnh: SƠN HÀ

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/07/2024