ISSN-2815-5823

Anh Hà Văn Thắng, Chủ tịch Công ty CP T&T 159: Làm nông thôn mới bắt đầu từ “người giàu”

(KDPT) – Tự nhận mình là “nông dân chính cống”, anh Hà Văn Thắng, nguyên Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Hòa Bình, Chủ tịch Công ty CP T&T 159, nhiều năm qua trăn trở với việc nuôi bò và xây dựng nông thôn mới. Sớm áp dụng công nghệ vào việc chăn nuôi và có quy hoạch trên quy mô lớn ngay từ đầu, những thành tựu của anh và tập thể Công ty CP T&T 159 đã được lãnh đạo các Bộ, ngành nêu gương và trở thành điển hình để nhiều tỉnh bạn học tập.

>>> Bài toán thủ tục hành chính – cái nhìn từ hoạt đồng đầu tư

>>> “Siêu đại gia” và muôn nẻo đường học vấn

Doanh nhân Hà Văn Thắng (người ngoài cùng bên trái) giới thiệu về đặc tính của những chú bò được chăn nuôi công nghệ cao tại trang trại bò của công ty CP T&T 159

Kết hợp hiệu quả nông dân – doanh nghiệp

Công ty CP T&T 159 được xây dựng với định hướng xây dựng các chuỗi liên kết chăn nuôi theo mô hình trang trại nông hộ với trang trại vùng lõi khép kín hiện đại.

Hiện tại, trang trại tại Khu liên hợp của Công ty CP T&T 159 thuộc xã Yên Mông, TP.Hoà Bình đang nuôi 1.200 con bò, trâu sinh sản và khoảng 2.000 con trâu, bò, bê lấy thịt đã đi vào hoạt động ổn định. Điều đặc biệt là “Ngoài thịt trâu, bò, chúng tôi còn bán được thứ có giá trị hơn, đó là phân bón hữu cơ sản xuất từ phế phẩm nông nghiệp và chất thải chăn nuôi”, anh Hà Văn Thắng cho biết, “Mỗi ngày, nếu thu gom hết nguồn phế thải của trang trại, có thể sản xuất tại chỗ được 100 tấn phân bón hữu cơ vi sinh/ngày, tương đương khoảng 300 – 500 triệu đồng. Số tiền này đủ để vận hành toàn bộ trang trại trong ngày!”.

Tại Ba Vì, Hà Nội, hiện nay công ty đã liên kết với 10.000 hộ dân tham gia cung cấp phế phụ phẩm trong nông nghiệp và trồng cỏ làm nguyên liệu, đồng thời liên kết chăn nuôi bò sinh sản và bò nuôi lấy thịt. Trong khuôn khổ chuỗi liên kết của mình, T&T 159 hỗ trợ khép kín từ chuyển giao công nghệ về giống bò, thức ăn, kỹ thuật chăn nuôi đến thu mua sản phẩm, đảm bảo giá thu mua luôn cao hơn thương lái, mua theo cân nặng thực tế.

Ông Hà Văn Thắng chia sẻ: “Chỉ có người dân mới làm được những điều doanh nghiệp không thể làm, đó là tạo ra một vùng chăn nuôi hàng hóa quy mô lớn. Còn doanh nghiệp sẽ bổ khuyết thứ mà nông dân thiếu, như ứng dụng khoa học công nghệ, tạo ra con giống có chất lượng cao, tiêu thụ, phát triển thị trường”.

Bên cạnh đó, anh bày tỏ thêm về quan điểm và phương pháp sản xuất, kinh doanh của T&T 159: “Chúng tôi vẫn nói với nhau là T&T 159 đang làm nông thôn mới. Nhưng nhà nước chi ngân sách để hỗ trợ hộ nghèo. Còn chúng tôi tập trung nguồn lực cho các hộ khá giả để làm việc khó (nuôi bò giống). Những hộ nghèo thường thiếu nguồn lực, thiếu kiến thức, chúng tôi bố trí cho họ làm việc khá đơn giản: Thu gom phế phụ phẩm nông nghiệp hoặc trồng cỏ, trồng ngô bán cho trang trại. Chúng tôi buộc phải tạo ra một bộ phận nông dân giàu có lên trước, để làm tấm gương lan tỏa cho các hộ nghèo phấn đấu theo. Bên cạnh đó, chúng tôi cùng ngân hàng hỗ trợ tín dụng, đầu tư bò giống, chăm sóc thú y để tạo ra một chuỗi giá trị liên hoàn”.

Động lực cho khát vọng lớn

Cuối tháng 5/2019, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cùng đoàn công tác đã đến thăm trang trại nuôi bò tại Khu liên hợp của Công ty CP T&T 159. Tại đây, Bộ trưởng đánh giá: “Điểm hay nhất của mô hình này là thời gian từ lúc nhen nhóm ý tưởng đầu tư đến khởi nghiệp thành công chỉ mất 3 – 4 năm. Từ 5 ha đất hoang vu, nơi đây đã trở thành một tổ hợp kinh tế tuần hoàn”.

Tham gia đoàn công tác của Bộ trưởng, ông Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên TW Đảng, Bí thư tỉnh ủy, chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bình, chia sẻ: “Mô hình chăn nuôi đại gia súc khép kín của T&T 159 là bài học rất hay để Thái Bình đề ra các chủ trương, chính sách hỗ trợ chuyển đổi một phần chăn nuôi lợn sang nuôi bò. Bởi thực tế, nguồn phụ phẩm nông nghiệp hàng năm của tỉnh Thái Bình rất dồi dào”.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường (người mặc áo màu xám) cùng đoàn công tác thăm và làm việc tại xã Minh Châu, huyện Ba Vì, Hà Nội về việc phát triển đàn bò chất lượng cao

Đầu tháng 6/2019, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cùng chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung và lãnh đạo tỉnh Thái Bình đã có buổi thăm và làm việc tại huyện Ba Vì, Hà Nội về việc phát triển đàn bò chất lượng cao.

Đồng chí Bộ trưởng cho biết: “Đây là một trong những mô hình phát triển chăn nuôi đại gia súc thành công nhất của vùng Đồng bằng sông Hồng. Trong mô hình này, doanh nghiệp đã đóng vai trò là hạt nhân liên kết, tập hợp những người chăn nuôi. Đồng thời, trở thành bà đỡ, bao tiêu đầu ra về con giống với giá cao hơn thị trường, góp phần ổn định sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân”.

Theo Bộ trưởng, đây là một bằng chứng chứng minh người Việt Nam có thể thực hiện được khát vọng của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiều lần nhắc tới: “Việt Nam 10 năm nữa phải đứng tốp đầu thế giới về nông nghiệp”.

Hiện nay tổng sản lượng thịt các loại đại gia súc của Việt Nam khoảng 330.000 tấn, chiếm 6 – 7% tổng sản lượng thịt của ngành chăn nuôi trong nước. Trong khi đó, ở nhiều nước trên thế giới, tỷ trọng bình quân thịt đỏ khoảng 20%. Rõ ràng, đây là sự mất cân đối trong cơ cấu ngành chăn nuôi.

Bộ NN-PTNT đang tham mưu Chính phủ xây dựng chiến lược chuyển đổi cơ cấu ngành chăn nuôi trong 10 năm tới, với kịch bản đẩy nhanh tỷ lệ thịt của đại gia súc từ 6 – 7% như hiện nay lên khoảng 15%. Đồng thời, nâng sản lượng sữa trong nước từ 1 triệu tấn lên 3 triệu tấn, tức tăng gấp 3 lần trong vòng 10 năm. Đây sẽ là hai mục tiêu rất lớn thúc đẩy chăn nuôi đại gia súc phát triển.

Từ chiến lược của ngành chăn nuôi và thực tiễn “mắt thấy tai nghe” về năng lực của doanh nghiệp Việt Nam như Công ty CP T&T 159 của vị Chủ tịch Hà Văn Thắng, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: “Tôi muốn Việt Nam không chỉ bán sữa, mà phải bán thịt đỏ cho thị trường thế giới”.

Minh Sơn



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 15/01/2025