Bắc Giang: Vị thế mới, bước phát triển mới của vùng đất Việt Yên
PV: Xin ông cho biết khi huyện Việt Yên chuyển thành thị xã thì có những thay đổi gì về điều kiện tự nhiên và dân số?
Ông Nguyễn Đại Lượng: Phương án thành lập thị xã Việt Yên thuộc tỉnh Bắc Giang trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của huyện Việt Yên. Cùng với đó là việc thành lập 09 phường của thị xã Việt Yên (Bích Động, Nếnh, Tăng Tiến, Hồng Thái, Quang Châu, Vân Trung, Quảng Minh, Ninh Sơn, Tự Lạn) trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của 02 thị trấn (Bích Động, Nếnh) và 07 xã (Tăng Tiến, Hồng Thái, Quảng Minh, Ninh Sơn, Vân Trung, Quang Châu, Tự Lan) thuộc huyện Việt Yên.
Ông Nguyễn Đại Lượng - Chủ tịch UBND huyện Việt Yên. |
Kết quả sau khi thành lập thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang không thay đổi về diện tích tự nhiên, quy mô dân số và số đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trực thuộc, nhưng tăng 01 thị xã (thị xã Việt Yên) và giảm 01 huyện (huyện Việt Yên); có 10 đơn vị hành chính cấp huyện gồm 01 thành phố (Bắc Giang), 01 thị xã (Việt Yên) và 08 huyện (Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, Lạng Giang, Yên Dũng, Tân Yên và Hiệp Hoà); 209 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 19 phường, 15 thị trấn và 175 xã (tăng 09 phường, giảm 02 thị trấn và 07 xã). Tỷ lệ đô thị hoá (sau khi thành lập thị xã Việt Yên và 09 phường thuộc thị xã Việt Yên) là 22,61%.
Thị xã Việt Yên có 171,01 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số là 229.162 người, có 17 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc gồm 09 phường (Bích Động, Nếnh, Tăng Tiến, Hồng Thái, Quảng Minh, Ninh Sơn, Vân Trung, Quang Châu, Tự Lạn) và 08 xã (Việt Tiến, Trung Sơn, Tiên Sơn, Nghĩa Trung, Minh Đức, Thượng Lan, Vân Hà, Hương Mai). Tỷ lệ đô thị hoá (sau khi thành lập 09 phường) là 56,82%.
PV: Ông có thể cho biết mức độ sẵn sàng của Việt Yên khi hoạt động ở quy mô cấp thị xã?
Ông Nguyễn Đại Lượng: Thị xã Việt Yên được thành lập trên cơ sở huyện Việt Yên, nằm trong vùng động lực phía Bắc và hành lang phát triển kinh tế theo trục Bắc Nam, có các tuyến giao thông huyết mạch đi qua. Đồng thời, Việt Yên là địa phương có truyền thống văn hoá lâu đời, có 18 làng quan họ, trong đó có 5 làng quan họ cổ được UNESCO vinh danh và nhiều di tích lịch sử văn hoá được xếp hạng (02 di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt, 18 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 80 di tích xếp hạng cấp tỉnh).
Trong các quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, huyện Việt Yên được quy hoạch thành thị xã Việt Yên trong giai đoạn 2021-2030. Về đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, huyện Việt Yên hiện nay phát triển theo hướng công nghiệp, dịch vụ (năm 2022, tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ chiếm 96,6% trong cơ cấu kinh tế; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp toàn huyện đạt 80%). Tốc độ tăng trưởng cao (mức tăng trưởng kinh tế trung bình giai đoạn 2020-2022 là 20,6%).
Thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 68,4 triệu đồng, gấp 1,22 lần thu nhập bình quân đầu người cả nước (56,04 triệu đồng). Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều bình quân giai đoạn 2020-2022 đạt 1,8% (thấp hơn bình quân của tỉnh Bắc Giang là 4,07%). Cân đối thu chi ngân sách huyện Việt Yên năm 2022 có kết dư (tổng thu ngân sách năm 2022 đạt 5.458 tỷ đồng, tổng chi ngân sách năm 2022 đạt 4.555 tỷ đồng).
Khu trung tâm huyện Việt Yên. |
Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất năm 2023 của huyện Việt Yên đạt 19,9% (dẫn đầu các huyện, thành phố trong toàn tỉnh Bắc Giang). Công nghiệp - xây dựng tốc độ tăng trưởng đạt 20,1%; nông lâm nghiệp - thủy sản tăng trưởng đạt 2,6%; dịch vụ tăng trưởng đạt 14,1%. Cơ cấu giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng đạt 98,3%, đạt 101% Nghị quyết 28/NQ-HĐND huyện (Sau đây viết tắt là NQ28); nông lâm nghiệp - thủy sản chiếm 0,6% đạt 100% NQ28; dịch vụ chiếm 1,1%, đạt 100% NQ28; tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2023 đạt 18.543 tỷ đồng, bằng 127% NQ28, đứng đầu so với các huyện trong toàn tỉnh.
Diện mạo đô thị của huyện Việt Yên ngày càng được đầu tư nâng cấp. Trên địa bàn huyện có đủ hệ thống giao thông đường thủy, đường bộ, đường sắt (có ga đường sắt); có 02 cảng đã được quy hoạch và đang triển khai thu hút đầu tư; hệ thống giao thông huyện đóng vai trò là đầu mối giao thông vùng liên tỉnh.
Tỷ lệ các đường phố chính được chiếu sáng năm 2020 mới đạt 65,06% nhưng đến năm 2022 là 97,2%. Tỷ lệ hộ dân khu vực nội thị được cấp nước sạch và sử dụng nước sạch hợp vệ sinh năm 2022 là 100%. Tỷ lệ chất thải rắn được thu gom năm 2022 là 98,2%...
PV: Xin ông cho biết những mục tiêu cơ bản trong năm 2024 của thị xã Việt Yên?
Ông Nguyễn Đại Lượng: 2024 là năm quan trọng bứt tốc về đích thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII và Nghị quyết của HĐND huyện về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, giai đoạn 2021-2025, đồng thời Đảng bộ, các cấp chính quyền và nhân dân Việt Yên chuyển mình trong cơ chế mới. Chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh xây dựng chính quyền số, đưa tỷ lệ hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ thuộc bí mật nhà nước) tại cấp thị xã đạt 84% và tại cấp phường đạt 52%.
Đưa tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất năm 2024 (giá so sánh 2010) trên địa bàn thị xã Việt Yên đạt 21,7%. Trong đó: Công nghiệp - xây dựng 21,8%; nông - lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,4%. Dịch vụ tăng 15%. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn (không tính tiền sử dụng đất) đạt 507,8 tỷ đồng; thu tiền sử dụng đất đạt 1.800 tỷ đồng. Giá trị sản xuất/01ha đất sản xuất nông nghiệp đạt 139 triệu đồng; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm đạt 17.500 tỷ đồng.
Về môi trường, tỷ lệ dân số được cung cấp nước sạch 84,5%; trong đó thành thị 95,1%, nông thôn 72%. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn đô thị đạt 100%; tỷ lệ chất thải rắn đô thị thu gom được xử lý 100%. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn nông thôn đạt 97%; tỷ lệ chất thải rắn nông thôn thu gom được xử lý 100%. Về đô thị, tỷ lệ đường phố được chiếu sáng 99,5%. Tỷ lệ ngõ, xóm được chiếu sáng 92%. Mật độ đường cống thoát nước chính 8,2 km/km2.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!