ISSN-2815-5823
Linh Giang
Chủ nhật, 13h34 31/03/2024

Bài toán định vị thương hiệu trên thị trường quốc tế của doanh nghiệp Startup

(KDPT) - Năm 2023, bất chấp tình hình kinh tế khó khăn thì doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam vẫn đạt được những thành tựu phát triển tích cực. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn đang phải đối mặt với loạt khó khăn.

Theo báo cáo mới nhất của Chỉ số Đổi mới toàn cầu (GII), năm 2023 Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những nước thuộc Top 3 có môi trường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tốt đẹp, tích cực nhất so với các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á.

Cụ thể, theo GII hiện tại Việt Nam đang đứng xếp hạng thứ 46/132 quốc gia, nền kinh tế và cũng là một trong số ít những quốc gia có tốc độ thăng hạng nhanh nhất trong 10 năm vừa qua.

Ngoài ra, Việt Nam cũng được ghi nhận là nước đứng thứ hai trong nhóm 36 nền kinh tế thu nhập trung bình có hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển vượt ngoài sự kỳ vọng của giới đầu tư.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định năm 2024 các doanh nghiệp startup sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn. Tại tọa đàm "Kích hoạt nguồn lực để thâm nhập thị trường quốc tế” được tổ chức bởi Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao đánh giá, năm 2024 vừa là cơ hội vừa là thách thức đổi mới đối với các doanh nghiệp.

Bà Hạnh nhấn mạnh nếu các doanh nghiệp Việt không chịu khó học hỏi, chuyển hóa và lan tỏa kiến thức, kinh nghiệm của mình thì sớm muộn cũng sẽ thất bại. Do đó, cần phải thay đổi để không bao giờ sợ thất bại và sẽ luôn tiến về phía trước.

Năm 2023, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những nước thuộc Top 3 có môi trường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tốt đẹp
Năm 2023, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những nước thuộc Top 3 có môi trường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tốt đẹp

Bà Nguyễn Phi Vân - Chủ tịch Mạng lưới nhượng quyền và cấp phép Việt Nam (VFLN) đưa ra lời khuyên cho các Startup, phải chú trọng để nâng cấp bản thân của chính doanh nghiệp bằng cách làm việc với những người chuyên nghiệp hơn thì mới tạo ra được sản phẩm chất lượng hướng đến người tiêu dùng trong nước và quốc tế.

Mặt khác, bà Vân nhận định doanh nghiệp khởi nghiệp cần tìm cách để tiếp cận nhà đầu tư một cách khéo léo. Ngoài việc tiếp cận về nguồn vốn, thì phải đặt mục tiêu “học hỏi, trau dồi". Mỗi Startup đều phải đặt ra mong muốn phát triển bản thân đạt được trong tương lai thông qua việc kết nối, học tập từ các chuyên gia trong ngành.

Bên cạnh đó, bà Vân cho rằng doanh nghiệp cần chủ động tìm cách để định vị thương hiệu và chất lượng sản phẩm, nếu như chỉ sản phẩm tốt là chưa đủ mà quan trọng là mang đến giá trị cho người tiêu dùng.

Theo ông Nguyễn Thành Huy - nguyên đại diện Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan cũng đồng tình với quan điểm này, doanh nghiệp Startup cần phải vượt qua cái bóng nội địa vươn mình ra thị trường quốc tế bằng cách tạo được sự khác biệt trong sản phẩm.

Tuy nhiên, việc khác biệt vẫn phải dựa trên sự gắn kết với người tiêu dùng, đối với mỗi quốc gia khác nhau sẽ phải sử dụng cách tiếp cận khác nhau. Quan trọng nhất vẫn là hiểu được người tiêu dùng muốn gì và cần gì ở sản phẩm.

Vừa qua Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) đã phát động, triển khai Chương trình Khởi nghiệp xanh và Cuộc thi Dự án Khởi nghiệp xanh phát triển bền vững lần thứ 10 năm 2024 để thúc đẩy các doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển.

Đây là chương trình được tổ chức để tìm ra khả năng kinh doanh nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm của những nông dân trẻ, tăng số lượng doanh nhân theo hướng kinh tế xanh và phát triển đồng đều, khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực của nền kinh tế xanh, tác động tích cực đến xã hội.

Cuộc thi đã được triển khai đến 63 tỉnh thành trên cả nước, hàng năm tỷ lệ tăng trưởng số lượng dự án/mô hình tham gia vào hệ sinh thái doanh nghiệp khởi nghiệp BSA đều đặn từ 15-20%.

Anh Đỗ Đăng Khoa - người đã xuất sắc giành giải Nhất trong cuộc thi Khởi nghiệp xanh năm 2023 đã có những chia sẻ cho những doanh nghiệp khởi nghiệp và các bạn trẻ, anh đã có nhiều đơn hàng xuất khẩu sang các thị trường ở Nhật Bản và Hàn Quốc sau cuộc thi.

Bằng cách tận dụng nguyên liệu từ thiên nhiên gần gũi và có sẵn tại địa phương, anh Khoa đã sáng chế ra sản phẩm ứng dụng vào đời sống góp phần bảo vệ môi trường mà vẫn tạo hiệu quả kinh tế từ xơ mướp.

Dự án kết nối con người với tự nhiên có tên gọi Mr Mướp đã xuất hiện trên kệ của hệ thống siêu thị AEON Nhật Bản, các đối tác khác như Nhật Bản và Hàn Quốc với các sản phẩm như đồ chơi cho thú cưng, chùi rửa nhà bếp, bộ sản phẩm bông tăm,… đề đã nhận được chứng nhận OCOP 3 sao và 4 sao.

Trên thị trường thế giới, quay trở lại những năm 2007, Apple đã thay đổi thị trường công nghệ với chiếc iPhone đầu tiên, Apple Computer cũng chính thức bỏ từ “Computer” trong tên thương hiệu vì nhận thấy định vị thương hiệu kiểu cũ đã không còn phù hợp trong thời điểm đó. Hay như Starbucks Coffee cũng đổi tên thành Starbucks Corp trong quá trình phát triển thêm nhiều sản phẩm chứ không chỉ liên quan đến cà phê.

Tại Việt Nam, các doanh nghiệp startup cũng đang học cách để định vị thương hiệu thu hút sự chú ý. Đây không đơn giản chỉ là cái tên mà là cả một quá trình thay đổi, đại diện cho xu hướng phát triển của doanh nghiệp.

Để tạo ra một hình ảnh và định hình cách người tiêu dùng nhìn nhận một thương hiệu là cả quá trình rất dài. Do đó, việc nghiên cứu và sự hiểu biết về thị trường đóng vai trò hết sức quan trọng
Để tạo ra một hình ảnh và định hình cách người tiêu dùng nhìn nhận một thương hiệu là cả quá trình rất dài. Do đó, việc nghiên cứu và sự hiểu biết về thị trường đóng vai trò hết sức quan trọng

3 yếu tố quan trọng trong định vị thương hiệu đối với Startup

Để tạo ra một hình ảnh và định hình cách người tiêu dùng nhìn nhận một thương hiệu là cả quá trình rất dài. Do đó, việc nghiên cứu và sự hiểu biết về thị trường đóng vai trò hết sức quan trọng đóng góp vào sự thành công của thương hiệu. 3 yếu tố quan trọng để các doanh nghiệp khởi nghiệp định vị thương hiệu lần lượt là:

Customer (khách hàng): Trọng tâm của định vị là xác định mong muốn và điều khách hàng cần. Do đó, phải nghiên cứu kĩ lưỡng để xem liệu khách hàng đang gặp vấn đề và sử dụng giải pháp nào để giải quyết, hoặc phân tích Insight của họ bằng cách tổ chức các hoạt động khảo sát, phỏng vấn và đánh giá. Việc lắng nghe nhu cầu từ người dùng và biến những nhu cầu thành vấn đề trọng tâm để giải quyết sẽ thu hút sự chú ý và lòng trung thành của khách hàng.

Channel (kênh): Kênh hoặc nhóm bán hàng là mấu chốt khai thác để hiểu nhu cầu của khách hàng. Đây là nơi bạn sẽ tìm thấy mọi thông tin cần thiết để định vị thương hiệu. Kênh sẽ là phương tiện kết nối trực tiếp doanh nghiệp với khách hàng để từ đó bạn có thể nhận thông tin như hồ sơ khách hàng, vấn đề của khách hàng, thông tin cạnh tranh và quy trình mua hàng. Competition (cạnh tranh): Yếu tố thứ ba cần quan tâm là đối thủ cạnh tranh và vị trí của họ trên thị trường. Nếu thương hiệu của bạn là duy nhất thì việc định vị sẽ rất dễ nhưng nếu như không có chiến lược sáng suốt thì sẽ nhanh chóng bị đối thủ vượt mặt.

Việc định vị thương hiệu của các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt trên thị trường quốc tế đang có nhiều cơ hội để phát triển. Do đó, các doanh nghiệp cần cố gắng tận dụng cơ hội để giới thiệu về thương hiệu với các quốc gia khác trên thế giới./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 23/11/2024