ISSN-2815-5823
Linh Giang
Chủ nhật, 06h21 31/03/2024

Các startup Đông Nam Á đối mặt với khủng hoảng

(KDPT) - Những startup Đông Nam Á đã từng có thời điểm phát triển mạnh mẽ trên thị trường, nguồn tiền họ thu về mỗi năm đều là niềm mơ ước khiến nhiều người mong muốn khởi nghiệp. Tuy nhiên, khi tình hình kinh tế khó khăn, những công ty này lại đang phải loay hoay để tìm cách tồn tại.

Sẽ không có nhà đầu tư mạo hiểm trong thời điểm này

Trong vòng 2 năm kể từ khi niêm yết giá cổ phiếu của Grab đã giảm hơn 70%. Một trường hợp khác là GoTo - đối thủ của Grab và công ty thương mại điện tử Bukalapak cũng đang phải chứng kiến cảnh tương đồng khi giá cổ phiếu đã “bốc hơi” khoảng 80% kể từ khi niêm yết. Đà giảm giá này vẫn đang tiếp tục diễn ra khiến cho nhiều nhà đầu tư chung mối lo ngại các công ty công nghệ khác ở Đông Nam Á cũng không thể tránh khỏi vấn đề này.

Ông Takeshi Ebihara làm việc trong công ty đầu tư mạo hiểm Rebright Partners đánh giá sẽ mất thời gian khoảng 10 năm hoặc lâu hơn nữa để giá cổ phiếu của các startup niêm yết ở Đông Nam Á mới có thể tăng bật trở lại. Các nhà đầu tư và chính những công ty công nghệ này cũng phải chấp nhận việc họ đã phải phát triển trong một “bong bóng” hiếm thấy trên thị trường và hoàn cảnh này sẽ còn diễn ra trong vài thập kỷ sắp tới. 

Một trong những nguyên nhân khiến cho cơn sốt startup thoái trào chính là việc lãi suất tại Mỹ tăng cao. Điều đáng chú ý là thị trường startup ở Đông Nam Á đang có mối quan hệ chặt chẽ với một tổ chức lớn tại Châu Á là tập đoàn công nghệ SoftBank của Nhật. Trước đó, SoftBank đã mất công để tìm kiếm khắp khu vực này và chọn ra một loạt những startup công nghệ để hỗ trợ họ trở thành những doanh nghiệp giá trị tỷ USD trên thế giới như Grab, Tokopedia (công ty con của GoTo).

Khi Vision Fund, quỹ đầu tư công nghệ 100 tỷ USD của SoftBank tan vỡ vào khoảng hai trước, nhiều công ty startup hàng đầu tại Đông Nam Á đã rơi vào khủng hoảng và phải tìm cách để sống sót qua giai đoạn khó khăn.

Trong vòng 2 năm kể từ khi niêm yết, giá cổ phiếu của Grab đã giảm hơn 70%
Trong vòng 2 năm kể từ khi niêm yết, giá cổ phiếu của Grab đã giảm hơn 70%

Theo công ty cung cấp dữ liệu đầu tư Preqin, tính đến thời điểm ngày 18/3, số tiền đầu tư vào các khu vực này đã giảm mạnh xuống còn khoảng 800 triệu USD, đây là con số của năm 2017 vào thời điểm mà Vision Fund được thành lập.

Việc huy động vốn ở thời điểm này rất khó khăn nên các startup buộc phải dừng hoạt động, đóng cửa, sáp nhập và chấp nhận việc định giá thấp hơn ở những vòng gọi vốn sau. Theo cảnh báo từ ông Prantik Mazumdar, một nhà đầu tư thiên thần cho biết giai đoạn này các nhà đầu tư sẽ chọn những phương án an toàn thay vì mạo hiểm. 

Giữa lúc các dịch vụ ngân hàng vẫn còn hạn chế trong hoạt động cho vay, nhiều giao dịch trong đời sống tại thị trường Đông Nam Á từ mua sắm đến di chuyển đi lại đều đã có những thay đổi đáng kể trong suốt một thập kỷ qua nhờ những startup trên thị trường.

Về phía các startup, họ đã đặt mục tiêu tăng trưởng lên trên lợi nhuận và mục tiêu cao nhất được đặt ra là phải thu hút càng nhiều người dùng càng tốt bằng phương pháp khuyến mại, giảm giá liên tục.

Tuy nhiên, khi những startup này đã cạn tiền và thị trường dần bão hòa thì người dùng sẽ bắt đầu cảm thấy khó chịu từ dịch vụ gọi xe cho đến hoạt động giao hàng. Nếu thị trường startup tiếp tục hợp nhất, người dùng Đông Nam Á sẽ không còn nhiều lựa chọn khi những dịch vụ số này không thể thiếu trong đời sống.

Kỳ lân công nghệ và những quả trứng vàng dần mất giá trị

Đã gần một thập kỷ trôi qua từ khi Masayoshi Son - người sáng lập kiêm CEO tập đoàn SoftBank thực hiện rót những khoản đầu tư khổng lồ vào các startup non trẻ nhưng có tiềm năng trên khắp thế giới. Ông cũng chính là người tạo ra cơn sốt khởi nghiệp trên thị trường khi đã tạo điều kiện phát triển cho những startup trẻ.

Với tham vọng đưa ông Son tới thị trường Đông Nam Á đã khiến cho những công ty “con cưng” như Grab được “cưng chiều”. Năm 2017, quỹ Vision Fund là quỹ đầu tư lớn nhất của ông Son đã bắt đầu bành trướng và rót vốn đầu tư mạnh vào khu vực này.

Tuy nhiên, chỉ trong một thời gian ngắn Vision Fund đã chứng kiến việc lợi nhuận đi xuống nhanh chóng, nên quỹ buộc phải thu hẹp phạm vi và quy mô đầu tư để duy trì từ năm 2022 giữa bối cảnh các nhà đầu tư đều bán tháo cổ phiếu công nghệ. 

Đầu năm nay, theo một báo cáo của công ty kiểm toán KPMG, từ năm 2022 đầu tư mạo hiểm toàn cầu đã giảm mạnh với tổng giá trị các thương vụ đầu tư trong quý 4/2023 là 74,9 tỷ USD, như vậy đã giảm 64% so với giai kỳ năm 2021.

Đây là nguyên nhân khiến cho cả thị trường rơi vào khủng hoảng và chỉ những công ty có thực lực, tiềm lực kinh tế lớn không cần phụ thuộc bên ngoài mới có thể sống sót. Khi những startup trên toàn cầu bị ảnh hưởng bởi việc “đóng băng” nguồn vốn gọi thì những startup công nghệ Đông Nam Á đã trở thành nạn nhân chịu thiệt hại lớn nhất. 

Ông Ebihara của công ty Rebright cho biết, startup ở Đông Nam Á đa phần đều phải phụ thuộc vào các dịch vụ tiêu dùng, khác với những startup ở Mỹ hay Israel với công nghệ mới, những startup tại khu vực Đông Nam Á không cải tiến về công nghệ để cạnh tranh với đối thủ. Do đó, họ sẽ phải thực hiện những cuộc đua gọi vốn để giúp cho mục tiêu tăng trưởng đi lên.

Năm 2021, thị trường gọi vốn khởi nghiệp tại Đông Nam Á đạt đỉnh khi giá trị các thương vụ đầu tư tăng gấp hơn 20 lần so với năm 2014
Năm 2021, thị trường gọi vốn khởi nghiệp tại Đông Nam Á đạt đỉnh khi giá trị các thương vụ đầu tư tăng gấp hơn 20 lần so với năm 2014

Ông Son là người biết rõ điều này hơn bất cứ ai và đây chính là nguyên nhân mà ông đã đổ tiền nhiều hơn so với yêu cầu thực tế của doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi nền kinh tế suy thoái đảo chiều thì các startup tại thị trường Đông Nam Á dễ thất bại khi không còn nhận được nguồn vốn từ các quỹ lớn.

Ông Yinglan Tan - CEO công ty đầu tư Insignia Ventures Partners tại Singapore nhận xét, trước đây các startup ở giai đoạn mới bắt đầu nên không được các nhà đầu tư công nhận, những startup ở giai đoạn tăng trưởng thì doanh thu cũng bắt đầu tăng khi có khách hàng nhưng cũng không được rót vốn đầy đủ. Một phần nguyên nhân là do thị trường không có nhiều nhà đầu tư sẵn sàng bỏ tiền ra để đầu tư vào những vấn đề không chắc chắn.

Theo ông Chua Kee Lock - CEO của Vertex Holdings - một trong những nhà đầu tư sớm của Grab cho biết, để có được tên tuổi và chỗ đứng trên thị trường, Grab đã phải nhờ rất nhiều đến nguồn tiền của Vision Fund, cũng nhờ có tổ chức này mà thế giới nhận ra đây thực sự là một thị trường lớn với 600 triệu dân.

Năm 2021, thị trường gọi vốn khởi nghiệp tại Đông Nam Á đạt đỉnh khi giá trị các thương vụ đầu tư tăng gấp hơn 20 lần so với năm 2014, thời điểm SoftBank Group rót khoản đầu tư đầu tiên vào hai startup là Tokopedia và Grab. Trước khi SoftBank gia nhập thị trường các nhà đầu tư không đánh giá cao Đông Nam Á. 

Hiện nay, xu hướng chuyển đổi số đang diễn ra nhanh chóng nhờ vào những chiếc điện thoại thông minh, dân số trẻ và với “bàn tay vàng” của ông Son đã giúp cho khu vực Đông Nam Á nhận được sự chú ý lớn và thu hút được những nguồn vốn đầu tư trên thị trường. Theo đó, các nhà đầu tư trên thế giới đã từng có thời điểm sẵn lòng rót vốn mạnh tay vào các startup tại đây.

Một số nhà đầu tư lớn ở phương Tây như Sequoia Capital và Tiger Global Management để chạy đua với Softbank đã mạnh dạn rót tiền theo vào các startup Đông Nam Á. Còn những nhà đầu tư quy mô bình thường đã đổ tiền vào các công ty công nghệ có tiềm năng. Những ông lớn của Trung Quốc cũng không nằm ngoài cuộc đua này trên thị trường./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 13/05/2024