ISSN-2815-5823
MINH THÀNH
Thứ bảy, 08h00 18/11/2023

Bài toán thu hút và giữ chân “đại bàng” khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu

(KDPT) - Trước nay việc thu hút đầu tư của Việt Nam dựa vào ưu đãi thuế khá nhiều. Khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu thì cơ bản ưu đãi về thuế sẽ không còn. Vì vậy, bài toán đặt ra là khi thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu thì môi trường thu hút và giữ chân các "đại bàng" sẽ ra sao?
Bài toán thu hút và giữ chân “đại bàng”
Thuế tối thiểu toàn cầu của OECD bắt đầu áp dụng từ 1/1/2024.

Thuế tối thiểu toàn cầu là gì?

Thuế tối thiểu toàn cầu là một loại thuế do Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) khởi xướng và hiện nay đã được hơn 142 quốc gia đồng thuận trong đó có Việt Nam. Quy định về thuế suất thuế tối thiểu toàn cầu cho phép nước đầu tư (ví dụ như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản ...vv) đánh thuế tối thiểu 15% đối với thu nhập mà doanh nghiệp được miễn, giảm thuế bao gồm các ưu đãi, hỗ trợ đầu tư như ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu được ghi trên giấy chứng nhận đầu tư tại nước nhận đầu tư. Theo cổng thông tin điện tử chính phủ, ngày 15/12/2022 Liên minh Châu (EU) đã thông qua kế hoạch áp thuế suất tối thiểu 15%.

Thuế tối thiểu toàn cầu là loại thuế đánh vào các tập đoàn, doanh nghiệp, công ty đa quốc gia có doanh thu lớn, nhưng lại đầu tư vào những nước có mức thuế suất thấp, tiềm ẩn nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh. Để phòng tránh,mà không làm mất đi tính cạnh tranh toàn cầu, các nước đã thống nhất áp dụng công cụ thuế tối thiểu toàn cầu, bằng cách đặt ra giới hạn về đóng thuế tại nước sở tại hoặc chính quốc, tạo sự công bằng, tránh trốn thuế.

Các nước đã thống nhất mức thuế áp dụng cho các doanh nghiệp đa quốc gia có doanh thu toàn cầu trên 750 triệu euro và có mức lợi nhuận trên 10% doanh thu; sẽ bị áp dụng mức thuế suất tối thiểu 15% trên mức lợi nhuận.Điều này có nghĩa, khi các công ty này đi đầu tư ở nước ngoài mà nộp thuế thu nhập tại nước đầu tư dưới mức 15% thì sẽ phải nộp phần chênh lệch tại nước nơi họ có trụ sở chính. Các doanh nghiệp có doanh thu dưới 750 triệu euro sẽ không phải đối tượng của sắc thuế này. Điều này cũng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tham gia đầu tư tại nước ngoài phát triển ổn định hơn.Theo quy định của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) về thuế tối thiểu toàn cầu, nếu doanh nghiệp FDI đáp ứng đủ điều kiện, không nộp thuế hoặc nộp thuế thấp hơn mức sàn 15% tại nước nhận đầu tư, thì nước có công ty mẹ đóng trụ sở chính sẽ thu phần chênh lệch này. Như vậy, toàn bộ ưu đãi về thuế dành cho doanh nghiệp FDI của nước nhận đầu tư sẽ rơi vào ngân khố quốc gia có công ty mẹ.

Bài toán thu hút và giữ chân “đại bàng”

Theo quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu, các công ty đa quốc gia có doanh thu trên 750 triệu Euro sẽ bị áp dụng mức thuế tối thiểu 15%.

Áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu và một số tác động

Thuế tối thiểu toàn cầu dự kiến chính thức có hiệu lực từ tháng 1/2024. Đối với Việt Nam, việc áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu sẽ làm ảnh hưởng sức cạnh tranh trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của Việt Nam trong ngắn hạn, bởi chính sách ưu đãi thuế không còn tác dụng. Các công ty đa quốc gia lớn đầu tư vào Việt Nam có thể sẽ phải nộp “thuế bổ sung” tại quốc gia nơi đặt trụ sở chính hoặc tại Việt Nam nếu đang được hưởng mức thuế suất hữu dụng thực tế tại Việt Nam thấp hơn 15%.

Ngoài ra, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu có thể làm phát sinh một số bất đồng, tranh chấp với một số đối tác, từ đó phần nào ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư nước ngoài. Đồng thời, khi áp dụng có thể làm phát sinh một số chi phí cải cách hệ thống quản lý thuế, thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư và tiến độ triển khai phụ thuộc vào năng lực quản lý của các bộ, ngành, địa phương liên quan.

Các động lực FDI quan trọng khác như quy mô thị trường, nhân công, sự ổn định, môi trường kinh doanh… đóng vai trò chính trong việc thúc đẩy các quyết định giúp các nước duy trì năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.

Ở góc nhìn lạc quan, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ giúp Việt Nam tăng nguồn thu ngân sách nhà nước từ phần chênh lệch giữa mức thuế thực tế so với thuế tối thiểu toàn cầu (15%). Mỗi năm phần chênh lệch ước tính 150 tỉ USD, một số tiền không nhỏ. Các thủ tục hành chính đang là một trong những yếu tố gây trở ngại cho các nhà đầu tư nước ngoài khi rót vốn vào Việt Nam. Tham gia cuộc chơi thuế tối thiểu toàn cầu sẽ thúc đẩy Việt Nam cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là hệ thống thuế theo hướng phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế, thông qua việc sửa đổi chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp và pháp luật có liên quan.

Theo Tổng cục Thuế đánh giá, thuế tối thiểu toàn cầu có thể tác động đến vị thế cạnh tranh của Việt Nam trên nhiều phương diện như: việc áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu sẽ khiến các chính sách ưu đãi thuế hiện tại của Việt Nam trở nên kém hấp dẫn với các nhà đầu tư là các Tập đoàn công ty đa quốc gia (MNE) thuộc đối tượng áp dụng. Đây chính là vấn đề có thể ảnh hưởng tới việc thu hút và mở rộng đầu tư chất lượng cao từ phía các Tập đoàn MNE này bởi đây là những doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế của Việt Nam.

Đồng thời, thuế tối thiểu toàn cầu cũng gây ra tác động không nhỏ tới các doanh nghiệp vệ tinh của các Tập đoàn MNE cũng như có thể dẫn đến việc chuyển dịch đầu tư từ Việt Nam sang quốc gia khác có chính sách ưu đãi hấp dẫn hơn, môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn. Việc thiếu vắng các Tập đoàn MNE lớn cũng như các doanh nghiệp vệ tinh sẽ ảnh hưởng lớn tới môi trường đầu tư và vị thế cạnh tranh của Việt Nam trên quốc tế.

Các thống kê cho thấy, có khoảng 120 tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam (với khoảng trên 1000 doanh nghiệp) sẽ chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu khi được áp dụng từ năm 2024.

Về phía các tập đoàn của Việt Nam có đầu tư ra nước ngoài thuộc đối tượng áp dụng của thuế tối thiểu toàn cầu, Tổng cục Thuế đã đánh giá sơ bộ ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu tới 2 Tập đoàn của Việt Nam có đầu tư lớn ra nước ngoài là Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

Theo đó, đối với Tập đoàn Viettel, mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp tại các nước do Viettel đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp đầu tư đều trên 15%, trừ tại Viettel Đông Timor mức thuế 10% (đươc miễn thuế theo từng khu vực, bình quân thuế suất thực tế từ 5-7 %). Như vậy, nếu Việt Nam áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu mà Đông Timor không áp dụng quy định thuế tối thiểu nội địa bổ sung đạt chuẩn thì sẽ có khả năng thu thêm phần thuế thu nhập doanh nghiệp chênh lệch giữa thuế tối thiểu toàn cầu so với mức thuế thực tế Viettel phải nộp tại Đông Timor.

Còn đối với Tập đoàn PVN, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp của Tập đoàn PVN tại các nước về cơ bản, các dự án đầu tư ra nước ngoài của PVN tập trung chủ yếu là các dự án trong lĩnh vực dầu khí, chịu mức thuế suất thuế thu nhập DN hoặc loại thuế tương tự thuế thu nhập doanh nghiệp tại các quốc gia khá cao từ 30% đến 60%. Do đó, việc áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu hiện tại không ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài của PVN.

Bài toán thu hút và giữ chân “đại bàng”
Làm thế nào để giữ chân nhà đầu tư đã đến, đã đầu tư và đã triển khai dự án tại Việt Nam nếu áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu?

Để giữ chân "đại bàng"

Rõ ràng thuế tối thiểu toàn cầu đang đặt ra một bài toán khó mà Việt Nam cần sớm giải quyết, tìm các giải pháp ứng phó kịp thời, nhất là trong bối cảnh cuộc đua thu hút vốn FDI đang diễn ra rất khốc liệt. Nếu không, Việt Nam sẽ mất lợi thế cạnh tranh, sức hấp dẫn trong thu hút đầu tư nước ngoài và việc mở rộng đầu tư của các dự án.

Các tập đoàn lớn hiện đang cẩn trọng, xem xét kỹ việc tiếp tục đầu tư lớn vào Việt Nam trong bối cảnh tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu. Vì vậy, chiến lược thu hút FDI của Việt Nam cũng cần thay đổi khi toàn cầu áp dụng thuế suất tối thiểu.

Bày tỏ lo ngại về thuế tối thiểu toàn cầu, ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam cho rằng, điều này sẽ tác động đến thu hút FDI của Việt Nam. Ông Choi Joo Ho khuyến nghị với xuất phát điểm từ thực thi thuế tối thiểu toàn cầu, Chính phủ Việt Nam nên thay đổi chính sách hỗ trợ đầu tư để duy trì môi trường đầu tư hấp dẫn và năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng thông qua chính sách hỗ trợ dựa trên chi phí trực tiếp bằng tiền, đồng thời áp dụng cơ chế thuế tối thiểu nội địa đạt tiêu chuẩn theo khuyến nghị của OECD để giữ quyền đánh thuế đối với thu nhập có được tại Việt Nam.

Tại phiên thảo luận tại tổ ngày 10/11 vừa qua, Bí thư Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế, ông Nguyễn Hữu Toàn - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho biết, trước nay việc thu hút đầu tư của Việt Nam dựa vào ưu đãi thuế khá nhiều. Khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu thì cơ bản ưu đãi về thuế sẽ không còn. Vì vậy, bài toán đặt ra là khi thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu thì môi trường thu hút đầu tư sẽ thế nào?

“Bài toán đó phải được giải quyết để tiếp tục giữ chân các nhà đầu tư đã đến Việt Nam, đã triển khai mà Chính phủ chúng ta đã cam kết các mức ưu đãi. Đáng lý ra hai việc phải đi song hành, rất tiếc là trong quá trình chuẩn bị, vế thứ hai – đảm bảo ưu đãi đầu tư chưa được hoàn thiện. Đây là quả thực là vấn đề khó, cần cân nhắc kỹ và sẽ được báo cáo Quốc hội trong thời gian tới”, ông Toàn nói.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, Ngân sách cũng đề nghị Chính phủ có báo cáo đánh giá tác động kỹ hơn để thấy rõ khi thực hiện chính sách này mà chưa triển khai chính sách ưu đãi đầu tư thì sẽ tác động như thế nào, và bao giờ thì sẽ hoàn thành. “Đây là vấn đề rất quan trọng để đảm bảo môi trường đầu tư ổn định”, ông Toàn nêu quan điểm.

Với vấn đề tên gọi, ông Toàn cho biết, với những nghị quyết chưa được quy định trong luật nguyên tắc phải có chữ thí điểm. Tuy nhiên trong điều kiện đáp ứng tiêu chuẩn chung, thể hiện thiện chí thì có thể không dùng. Về lâu dài thì phải sửa đổi Luật thuế thu nhập doanh nghiệp để đảm bảo tính chất đồng bộ. Bên phía kia cũng phải sửa một số luật liên quan đến ưu đãi đầu tư.

Từ thực tiễn trên, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam nên áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu này với những bước đi chủ động, có giải pháp phù hợp để hỗ trợ một phần cho các đối tượng chịu tác động, và quan trọng hơn là, cần coi đây là cơ hội để tiếp tục cải cách thuế, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư - kinh doanh - đây mới thực sự là động lực, là giải pháp căn cơ, bền vững.

Hai là, để bù lại, bù đắp một phần cho các đối tượng sẽ chịu tác động, Việt Nam cần có chính sách, biện pháp ứng xử phù hợp đối với đối với những nhà đầu tư FDI đang hoạt động tại Việt Nam và đối với những nhà đầu tư FDI sẽ vào Việt Nam từ đầu năm 2024 để giữ chân và thu hút các "đại bàng".

Bốn là, Việt Nam cần sớm rà soát, cập nhật và thay đổi phù hợp qui định pháp luật liên quan (như Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư, Luật Thuế giá trị gia tăng...). Ngoài ra, cần hoàn thiện chính sách khác ngoài thuế.

Năm là, chủ động nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, tạo đòn bẩy cho nâng cao sức chống chịu và phát triển kinh tế bền vững.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 27/07/2024