ISSN-2815-5823
Thứ năm, 05h54 11/02/2021

Bàn chuyện đô thị thông minh nghĩ về an sinh xã hội

(KDPT) – Vài năm trở lại đây, khái niệm xây dựng thành phố thông minh được giới chuyên gia nhắc đến khá nhiều trên cơ sở thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 và cho rằng, đô thị thông minh là kết quả tất yếu của quá trình phát triển kinh tế xã hội ở thời kỳ hậu công nghiệp, trên nền tảng internet và trí tuệ nhân tạo.

Đô thị thông minh đòi hỏi cư dân của nó cũng phải là “cư dân thông minh”.

Đô thị thông minh – chú trọng quản trị con người

Qua thực tế ở một số nước đang triển khai xây dựng đô thị thông minh, có thể nhận rõ những tồn tại cơ bản của thành phố – đô thị thông minh, đó là: Việc xây dựng đô thị thông minh chủ yếu là do các nhà đầu tư bất động sản, đầu tư công nghệ thông qua các công ty triển khai. Vì vậy, vấn đề đặt ra là, trong quá trình xây dựng đô thị thì lợi nhuận được tạo thành từ quá trình hình thành đô thị, mua bán và lắp đặt các thiết bị thông minh cũng như chi phí vận hành sẽ được phân chia như thế nào giữa Nhà nước – những người bỏ vốn đầu tư và người dân sống tại các khu vực đó.

Bên cạnh đó, việc quy hoạch đô thị thông minh được triển khai theo mô hình từ trên xuống trên cơ sở mong muốn về chính trị để đạt được một đô thị hiệu quả về mặt kinh tế, ứng dụng khoa học công nghệ nhưng yếu tố tác động xã hội chưa được coi trọng. Người dân ít khi được hỏi mong muốn của họ về một đô thị thông minh cần phải đáp ứng những vấn đề gì.

Tiếp đến là việc áp dụng công nghệ tràn lan hay còn gọi là “xây dựng công dân minh bạch” trong đô thị thông minh bởi hệ thống camera an ninh quét tới từng centimet vuông ở khu đô thị. Bên cạnh lợi thế trong quản lý, điều hành và đảm bảo an ninh trật tự, thì vấn đề quyền con người, quyền tự do của từng cá thể trong một xã hội phát triển cũng ít được các nhà hoạch định chính sách đô thị thông minh quan tâm đúng mức.

Ngoài ra, đô thị thông minh đòi hỏi cư dân của đô thị cũng là những “cư dân thông minh”, tức là đòi hỏi người dân phải có trình độ hiểu biết về công nghệ nhất định, đủ kiến thức để sử dụng các công nghệ được áp dụng trong đô thị. Như vậy, vô hình chung đã đưa ra một giả thiết là trình độ dân cư của đô thị thông minh là phải tương đương nhau, chỉ có những người đạt một trình độ kiến thức nhất định mới sử dụng được hiệu quả các ứng dụng của đô thị thông minh. Hậu quả là đã gạt những người yếu thế trong xã hội, những người nhập cư có nguồn gốc là nông dân ra đô thị để mưu cầu cuộc sống. Những người này phần đông không đủ năng lực về tài chính để có thể đầu tư các thiết bị công nghệ phù hợp với kết cấu công nghệ mà đô thị thông minh sử dụng cũng như không đủ kiến thức và nếp sống công nghiệp để sử dụng các công nghệ mới ở đô thị thông minh.

Các khía cạnh về xã hội – văn hoá trong quá trình quy hoạch đô thị thông minh cũng ít được quan tâm. Vì vậy, mô hình quản lý đô thị thông minh sẽ thiên về quản trị con người mà ít quan tâm đến các vấn đề về tinh thần – giải trí – văn hoá trong môi trường sống đô thị.

Thành phố mới Bình Dương được xem là hình mẫu của thành phố thông minh.

Cần thêm yếu tố an sinh xã hội

Từ những tồn tại cơ bản nêu trên, với quan điểm phát triển trên cơ sở tam giác phát triển bền vững, kiến nghị mục tiêu hướng tới để Việt Nam xây dựng một thành phố trong tương lai phát triển bền vững, lấy người dân làm trung tâm, và tiếp cận quy hoạch theo hướng liên ngành, tích hợp. Thông qua đó, tăng cường gắn kết các hoạt động của công việc, đời sống dân cư, giải trí để đô thị trở nên đáng sống hơn, thân thiện với con người hơn, ổn định hơn về mặt xã hội, và ít bị ảnh hưởng bởi tác động từ các cuộc khủng hoảng kinh tế. Mục tiêu cuối cùng của phát triển đô thị Việt Nam trong tương lai là đạt được sự liên kết và hội nhập về văn hoá và xã hội cũng như kinh tế giữa những khu vực yếu thế của đô thị, nhằm đạt được một sự phát triển đồng đều giữa nông thôn và thành thị, thực hiện phương châm không bỏ lại ai ở phía sau.

Với các mục tiêu trên, chúng ta có thể xây dựng chỉ số để đánh giá một đô thị trong quá trình phát triển của mình, đó là có một thị trường nhà ở với giá cả phù hợp với thu nhập của đa số dân cư; Khả năng về di chuyển giao thông, di chuyển chỗ ở phù hợp với việc làm và cuộc sống; Bảo vệ được thiên nhiên và các di sản văn hoá trong khu vực quy hoạch đô thị, lấy đây làm tiêu chí phát triển hài hoà giữa quá khứ và tương lai.

Xây dựng đô thị phát triển cũng cần dựa trên sự tích hợp của các quy hoạch về nhà ở, giao thông (tĩnh và động), sử dụng năng lượng tái tạo, sự hài hoà giữa không gian sống – không gian công cộng; Đô thị phát triển hài hoà với thiên nhiên, tránh xây dựng những công trình tác động đến sự cân bằng tự nhiên vốn có (hạn chế xây dựng những công trình đê, đập, hồ chứa nước nhân tạo hay cản trở dòng chảy của lưu vực sông, phá rừng…); Bảo vệ môi trường, bao gồm cả môi trường khí, môi trường nước, và rác thải (công nghiệp và sinh hoạt); Có không gian công cộng phù hợp với yêu cầu phát triển con người ở trình độ mới, con người mới vừa hồng vừa chuyên; Hoà hợp không gian kinh tế – xã hội giữa đô thị và nông thôn; Sử dụng các vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường, tránh việc bê tông hoá, kính hoá trong đô thị.

Với những tiêu chí này, về cơ bản sẽ góp phần để các nhà hoạch định chính sách vĩ mô xử lý được các vấn đề gia tăng dân số của đô thị một cách không theo ý muốn, và xử lý được mối quan hệ giữa đô thị hoá với bảo tồn nông thôn gắn với việc tạo việc làm mà không tạo ra sự cách biệt về mặt xã hội tại các đô thị lớn.

Nếu chỉ đặt vấn đề xây dựng đô thị thông minh dựa trên nền tảng của internet vạn vật với cơ sở dữ liệu lớn (big data) nhằm đáp ứng yêu cầu của người sử dụng và cung ứng dịch vụ cho người sử dụng, chúng ta thấy thể hiện nhiều nhất, dễ cảm nhận nhất trong đô thị thông minh chính là hệ thống giao thông trong thành phố với sự kết nối của phương tiện giao thông công cộng, giao thông cá nhân với hệ thống kết cấu hạ tầng nhằm đảm bảo thời gian đi lại của người dân là tối ưu, đảm bảo thân thiện môi trường.

Hệ thống thông tin liên lạc với các đường truyền lưu lượng lớn, các trung tâm phát tín hiệu phục vụ internet không dây tại những khu vực công cộng sẽ tạo ra một môi trường sống trong bầu khí quyển của các trường điện từ, Trường điện từ đó được tạo ra bởi các thiết bị không dây nhằm phục vụ cho các công cụ thông minh của đô thị. Với những vấn đề đặt ra như vậy, mô hình đô thị thông minh không thể là mô hình chủ đạo trong quy hoạch đô thị tương lai, mà chỉ có thể là một bộ phận cấu thành trong một chiến lược phát triển đô thị tích hợp, bền vững. Tạm đề xuất đó là mô hình đô thị xã hội, trong đó đô thị thông minh là một trong những yếu tố quan trọng.

Từ nhận thức trên, việc hoạch định chính sách phát triển kinh tế – xã hội từ nay đến năm 2030 và tầm nhìn 2045 cần coi mô hình đô thị xã hội là mô hình nền tảng của chính sách phát triển đô thị tích hợp của Việt Nam, trong đó chú ý các dự án đầu tư xây dựng tại các thành phố hiện có, thực hiện tại các khu dân cư nhằm cải tạo và tu bổ cơ sở hạ tầng (giao thông và internet), cải thiện chất lượng ở với tư cách là tiền đề cho các biện pháp hoà nhập xã hội như các khu vực trung tâm thành phố, các quảng trường, hoặc các khu sinh hoạt cộng đồng ở các phường.

Việc xây dựng đô thị thông minh phải dựa trên sự tích hợp các quy hoạch nhằm thu hút sự tham gia của người dân, trong đó có sử dụng ngân sách của trung ương, ngân sách của tỉnh và kinh phí do người dân đóng góp nhằm đạt được mục tiêu không có sự chia cắt về không gian sống trong thành phố, tránh hình thành các khu dân cư khép kín như kiểu Ciputra, Phú Mỹ Hưng… mà thay vào đó là khuyến khích hình thành các khu nhà ở của đô thị thông minh hướng tới nâng cao chất lượng cuộc sống cho mọi giai tầng trong xã hội và tạo sự bình đẳng về cơ hội phát triển cho mọi cư dân trong khu phố.

Chỉ có như vậy, dựa vào sự phát triển rất nhanh của khoa học công nghệ tạo nên những bước đột phá về kinh tế, chú ý đến các vấn đề về an sinh xã hội trong một đô thị, thì chúng ta mới xây dựng được một nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và mọi người dân Việt.

NGUYỄN ĐỨC KIÊN
Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng và cộng sự



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 26/12/2024