ISSN-2815-5823
Bảo Trung
Thứ sáu, 06h07 26/07/2024

Bán giải chấp cổ phiếu là gì, khi nào bị bán giải chấp cổ phiếu?

(KDPT) - “Bán giải chấp cổ phiếu” là gì, khi nào bị bán giải chấp cổ phiếu, tác động của nó và nhà đầu tư cần lưu ý ra sao để tránh tình huống này xảy ra?

Bán giải chấp cổ phiếu là gì?

Bán giải chấp cổ phiếu (Force Sell) hiểu đơn giản là tình huống mà công ty chứng khoán bán bớt cổ phiếu của nhà đầu tư nhằm hạ tỷ lệ nợ của nhà đầu tư về mức an toàn theo quy định.

Mục tiêu của việc bán giải chấp cổ phiếu là đảm bảo cho cả nhà đầu tư và công ty chứng khoán không bị thua lỗ nặng khi giá cổ phiếu giảm mạnh.

Khi nào bán giải chấp cổ phiếu?

Bán giải chấp cổ phiếu (Force sell) thường xảy ra khi nhà đầu tư sử dụng giao dịch ký quỹ (margin) và giá cổ phiếu xuống dưới ngưỡng cho phép của công ty chứng khoán nhưng nhà đầu tư chưa nộp thêm tiền.

Khi sử dụng margin, nhà đầu tư phải thế chấp khoản vay bằng tài sản đảm bảo. Tài sản đảm bảo này bao gồm tài sản có trong tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư: tiền mặt, chứng khoán, cổ tức, quyền mua cổ phiếu và các tài sản khác được công ty chứng khoán chấp nhận…

Khi giá trị tài sản giảm dưới ngưỡng an toàn đã được quy định, công ty chứng khoán sẽ yêu cầu nhà đầu tư thực hiện một vài phương thức như bổ sung thêm tiền vào tài khoản ký quỹ hoặc chủ động bán bớt cổ phiếu,...

Việc công ty chứng khoán gọi điện, nhắn tin, gửi email,... để thông báo cho nhà đầu tư thực hiện các biện pháp trên nhằm đưa tài khoản ký quỹ về ngưỡng an toàn tối thiếu được gọi là Call Margin.

Và khi công ty chứng khoán can thiệp trực tiếp, thực hiện bán giải chấp cổ phiếu (Force Sell), cổ phiếu bị bán giải chấp sẽ ảnh hưởng và gây thiệt hại cho các khoản đầu tư, vậy nên đây là điều mà không nhà đầu tư nào mong muốn.

Trước khi bán giải chấp cổ phiếu, các công ty chứng khoán thường có thông báo tới khách hàng của mình biết trước 1-2 ngày. Nếu không muốn bị bán giải chấp, nhà đầu tư phải nộp thêm tiền vào tài khoản ký quỹ để đạt ngưỡng an toàn tối thiểu do công ty chứng khoán quy định.

Ví dụ: Một nhà đầu tư có một tỷ đồng, muốn mua 40.000 cổ phiếu XYZ trị giá 2 tỷ đồng (giá 50.000 đồng một cổ phiếu) với gói vay 3:7 của công ty chứng khoán.

Tức là, công ty chứng khoán cho khách hàng vay: 2 tỷ x 70% = 1,4 tỷ đồng.

Nhà đầu tư bỏ vốn: 2 tỷ x 30% = 600 triệu đồng.

Công ty chứng khoán này quy định tỷ lệ ký quỹ duy trì tối thiểu lớn hơn 30%. Khi thị trường xuất hiện tín hiệu xấu, giá cổ phiếu XYZ giảm xuống 35.000 đồng một cổ phiếu, khi đó tổng tài sản còn 35.000 x 40.000 = 1,4 tỷ đồng

Vốn của khách hàng còn: 1 tỷ - (15.000 x 40.000) = 400 triệu đồng

Tỷ lệ ký quỹ trên tài khoản khi đó: (400 triệu /1,4 tỷ)x100% = 28,6%, nhỏ hơn quy định tỷ lệ ký quỹ duy trì tối thiểu. Như vậy, khách hàng sẽ bị call margin.

Nếu giá cổ phiếu giảm tiếp còn 33.000 đồng một cổ phiếu, tổng tài khoản là: 33.000x40.000=1.320 triệu đồng.

Vốn của khách hàng còn: 1 tỷ - (17.000x40.000)= 320 triệu

Tỷ lệ ký quỹ trên tài khoản lúc này là: 320 triệu/1.320 triệu=24%. Lúc này cổ phiếu sẽ bị bán giải chấp.

Cổ phiếu bị bán giải chấp là tình huống không một nhà đầu tư nào mong muốn, khi tổng tài sản sụt giảm quá mức quản lý rủi ro của mình dẫn đến sự can thiệp của công ty chứng khoán. Mỗi lần cổ phiếu bị bán giải chấp, nhà đầu tư bị thiệt hại rất nhiều.

Làm gì để không bị bán giải chấp cổ phiếu?

Để cổ phiếu không bị bán giải chấp và sử dụng margin có hiệu quả, nhà đầu tư cần theo dõi chặt chẽ tỷ lệ ký quỹ tài khoản trước những biến động của cổ phiếu đang nắm giữ.

Mặc dù các chuyên gia không khuyến cáo nhà đầu tư nên xem xét danh mục đầu tư quá thường xuyên, nhưng nếu nhà đầu tư có số dư ký quỹ đáng kể, họ cần theo dõi hằng ngày. Điều này sẽ giúp nhà đầu tư biết được danh mục đầu tư của mình đang ở đâu và liệu có gần đến mức ký quỹ duy trì hay không.

Nhà đầu tư chỉ nên sử dụng margin khi đã có kinh nghiệm lâu năm, am hiểu thị trường và doanh nghiệp, không nên margin vào những cổ phiếu có tính đầu cơ, chỉ sử dụng margin khi thị trường có xu hướng tăng rõ ràng, nhưng ở mức độ vừa phải, tạo một biên độ an toàn cho tài khoản.

Phân tích cổ phiếu kỹ lưỡng và tìm hiểu tỷ lệ ký quỹ của các công ty chứng khoán giúp nhà đầu tư có được kế hoạch đầu tư chắc chắn hơn. Nhà đầu tư có thể sử dụng các ứng dụng chứng khoán để hỗ trợ tìm điểm mua/bán.

Đầu tư chứng khoán vốn đòi hỏi tính kỷ luật cao, khi nhà đầu tư ký quỹ càng phải xây dựng tính kỷ luật chặt chẽ hơn khi ra quyết định đầu tư./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 30/10/2024