Bán hàng xách tay không hóa đơn sẽ bị phạt tới 200 triệu đồng
Nghị định mới của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Tại điều 15 của Nghị định 98/2020/NĐ-CP nêu rõ, hành vi kinh doanh hàng nhập lậu sẽ phải đối mặt với mức phạt tiền dựa trên giá trị của hàng hóa nhập lậu. Nếu giá trị của hàng hóa nhập lậu dưới 3 triệu đồng, mức phạt tối đa là 1 triệu đồng; giá trị hàng hóa nhập lậu trên 100 triệu đồng, mức phạt tối đa là 50 triệu đồng.
Mức phạt tiền sẽ tăng gấp 2 lần (tối đa 100 triệu đồng) đối với người vi phạm trực tiếp nhập lậu hàng hóa có giá trị dưới 100 triệu đồng hoặc từ 100 triệu đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự; Hàng nhập lậu thuộc danh mục cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu; Hàng nhập lậu là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc phòng bệnh và thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn…
Mức phạt nêu trên áp dụng với cá nhân. Tổ chức vi phạm sẽ bị phạt tiền gấp đôi, cao nhất là 200 triệu đồng.
Bên cạnh các quy định trong hoạt động kinh doanh, bán hàng xách tay, Nghị định 98/2020/NĐ-CP cũng có những quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh đa cấp. Phạt tiền từ 80-100 triệu đồng đối với doanh nghiệp bán hàng đa cấp thực hiện một trong các hành vi: yêu cầu người khác phải đặt cọc hoặc nộp một khoản tiền nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp; phải mua một số lượng hàng hóa nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp; cho người tham gia bán hàng đa cấp nhận tiền hoặc lợi ích kinh tế khác từ việc giới thiệu người khác tham gia vào hoạt động bán hàng đa cấp mà không phải từ việc mua, bán hàng hóa của người được giới thiệu đó;…
Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt trên trong trường hợp hành vi vi phạm được thực hiện từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2020.
BÍCH NGA